Bóng đá Việt Nam cứ bị kiện là thua: Đừng 'nhờn luật' với FIFA

14/08/2024 03:14 GMT+7

Án phạt đối với CLB Khánh Hòa là lời cảnh tỉnh đến các đội bóng VN: Phải tuân thủ luật chơi, nếu không muốn nhận án phạt nghiêm khắc của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA).

CẢNH BÁO TỪ FIFA

CLB Khánh Hòa đang gặp khó khăn chồng chất khi bị FIFA cấm chuyển nhượng và đăng ký cầu thủ. Lý do là đội bóng phố biển chưa trả đủ tiền đền bù hợp đồng cho Mamadou Guirassy, ngoại binh bị thanh lý hồi tháng 4.2024. Theo thỏa thuận với ngoại binh này, CLB Khánh Hòa sẽ đền bù khoản tiền 26.000 USD (khoảng 650 triệu đồng). Tuy nhiên trễ hạn 4 tháng, đội bóng xếp cuối ở V-League 2023-2024 vẫn chưa trả đủ tiền (cộng với lãi suất) cho Guirassy. Sau đó, ngày 10.8, FIFA ban hành lệnh cấm chuyển nhượng và đăng ký cầu thủ mới với CLB Khánh Hòa.

Theo lý giải từ đội Khánh Hòa, việc tài khoản CLB bị "đóng băng" (do khoản nợ từ nhà tài trợ cũ) khiến việc chuyển khoản tiền đền bù cho Guirassy trở nên bất khả thi. Sau khi CLB Khánh Hòa khôi phục tài khoản, Guirassy đã về nước do không gia hạn được thị thực.

Bóng đá Việt Nam cứ bị kiện là thua: Đừng 'nhờn luật' với FIFA- Ảnh 1.

CLB Khánh Hòa bị FIFA yêu cầu đền bù cho ngoại binh Guirassy (phải)

BÁ DUY

Nhìn từ góc độ nhân văn, có thể cảm thông phần nào với khó khăn của CLB Khánh Hòa. Đội bóng phố biển lao đao nhiều năm qua bởi chuyện cơm áo gạo tiền, khúc mắc từ nhà tài trợ cũ khiến lương, thưởng cầu thủ liên tục bị treo. Cuối mùa trước, một số cầu thủ Khánh Hòa còn đình công do bị nợ lương và phí hợp đồng, khiến HLV Trần Trọng Bình phải thuyết phục từng cầu thủ xỏ giày ra sân đá nốt mùa giải. Tuy nhiên, bóng đá không thể chỉ nói chuyện tình cảm, mà với FIFA nói riêng hay các tổ chức quốc tế nói chung, cái lý vẫn quan trọng hơn cả. CLB phải thực hiện đúng nghĩa vụ trên hợp đồng, sai luật là bị phạt (tùy theo mức độ). Đó là bóng đá chuyên nghiệp, phải làm những gì đã cam kết, có khúc mắc thì… ra tòa. Guồng quay này dẫu khốc liệt, nhưng sẽ thúc đẩy các đội bóng và cá nhân cầu thủ phải ngày càng chuyên nghiệp và quy củ hơn, tránh làm việc tùy hứng.

Song, trong khi chuẩn mực bóng đá thế giới ngày càng chặt chẽ, đáng buồn là nhiều đội bóng (và ông chủ) ở VN vẫn chưa bắt nhịp được guồng quay. CLB Thanh Hóa từng bị FIFA buộc bồi thường lên tới hàng tỉ đồng cho HLV Fabio Lopez và một số ngoại binh do đền bù hợp đồng không thỏa đáng. Mùa giải 2019, CLB Hải Phòng cũng bị phạt nặng do nợ lương ngoại binh Errol Stevens. Hay tròn 20 năm trước, bóng đá VN từng nhận án phạt "choáng váng" từ Tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS): phải đền bù gần 200.000 USD (khoảng 5,1 tỉ đồng) cho HLV Christian Letard, vì đơn phương phá vỡ hợp đồng với lý do không chính đáng.

Chuyện cứ bị kiện ra quốc tế là… thua, có lẽ chẳng còn mới với bóng đá VN.

CẦN CỦNG CỐ HỆ THỐNG PHÁP LÝ

Chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích lý do khiến nhiều đội bóng VN lao đao khi bị cầu thủ hoặc HLV nước ngoài kiện lên FIFA: "Một số CLB VN xây bóng đá chuyên nghiệp theo kiểu nửa vời, nhiều tiêu chí lỏng lẻo, cách làm cũng chưa chuyên nghiệp, cứ thích chơi theo luật lệ của riêng mình. Do đó khi xảy ra tranh chấp hợp đồng, khả năng thua kiện của các đội VN là rất cao".

"Bóng đá VN đã có những bài học nhãn tiền của các đội Khánh Hòa, Thanh Hóa hay Hải Phòng rồi. Để được công nhận là đội bóng đúng chuẩn chuyên nghiệp, các CLB cần đội ngũ pháp lý, trong đó quan trọng nhất là cố vấn pháp luật. Đội ngũ này sẽ đảm bảo mọi hoạt động của CLB tuân thủ quy chế bóng đá chuyên nghiệp, pháp luật VN cũng như tiêu chí của FIFA. Bóng đá VN muốn hội nhập với thế giới thì phải tuân thủ luật của FIFA, chứ không thể luận giải theo cách của VN, cứ đường mình thì mình đi được. Cuộc chơi nào cũng cần có nguyên tắc rõ ràng và minh bạch", ông Xương đánh giá.

Bình luận viên Ngô Quang Tùng thì nhận xét: "Các CLB VN (trong đó gần nhất là Khánh Hòa) cần rút ra bài học từ những lần thua kiện để làm việc dựa trên hợp đồng chặt chẽ hơn, tuân thủ đúng quy định, cứ theo hợp đồng thỏa thuận giữa đôi bên mà làm. Đơn cử như khi thanh lý hợp đồng, CLB cần đưa ra con số đền bù hợp lý, nhận được sự đồng thuận của cầu thủ thì mới chấm dứt, không thể làm việc tùy tiện. Đồng thời, khi ký hợp đồng, các đội cần tạo cho mình đường lui, xây dựng những điều khoản có lợi cho đôi bên. Đó cũng sẽ là ưu thế cho các đội nếu xảy ra kiện cáo. Còn trong bóng đá, kiện tụng hay tranh chấp hợp đồng không phải chuyện hiếm, như trước đây Cristiano Ronaldo và Juventus có tranh chấp về tiền lương. Các đội VN cần chuẩn bị kỹ càng các thủ tục pháp lý để không rơi vào thế bị động".

Chuyên gia Đoàn Minh Xương đề xuất: "Để giải quyết tình trạng cứ bị kiện là… thua, VFF cần tổ chức tập huấn cho giám đốc, đội ngũ quản lý của các CLB về mặt pháp luật để nắm rõ quy định của FIFA, cập nhật những thay đổi trong cuộc chơi bóng đá chuyên nghiệp. VFF cũng cần siết lại việc cấp phép chuyên nghiệp cho các CLB, đề ra tiêu chí và yêu cầu các đội phải tuân thủ, không thể cứ đặt ra ngoại lệ với các đội không đáp ứng tiêu chuẩn dẫn đến "nhờn thuốc". Phải chặt chẽ ngay từ đầu mới tránh được hậu quả về sau. VFF cần tìm tiếng nói chung với các CLB để có lộ trình phát triển bóng đá bài bản, chuyên nghiệp. Nếu không làm việc chuẩn chỉ với nhau từ đầu thì nguy cơ đổ vỡ là khó tránh khỏi". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.