Đôn HLV làm giám đốc kỹ thuật cho… đỡ đen
Ở Việt Nam, giám đốc kỹ thuật thậm chí có nơi còn bị “biến tướng” và điều này ảnh hưởng ít nhiều đến lộ trình hội nhập của bóng đá nước nhà với quốc tế. Một thực tế “kỳ lạ” đã và đang xảy ra ở sân chơi bóng đá lớn nhất Việt Nam là một số đội bóng V-League hay hạng nhất cứ thay HLV trưởng là lập tức đăng ký cho vị HLV này chức vụ giám đốc kỹ thuật (GĐKT). Mà lý do không phải đội nào cũng giống nhau. Chẳng hạn như Dược Nam Hà Nam Định (D.NĐ), khi HLV Nguyễn Văn Sỹ cầm quân nhưng thua liểng xiểng, nhằm đổi vận cho đội, lập tức lãnh đạo đội bóng này đôn người khác lên thay. Ông Sỹ được ngồi chiếc ghế GĐKT nhưng kỳ thực vẫn nắm toàn bộ quyền sinh sát về nhân sự ra sân, lối chơi, chiến thuật của D.NĐ trong từng trận đấu. Lúc này GĐKT như một giải pháp tình thế, nhằm giải quyết “khâu tâm linh” vì D.NĐ cho rằng nếu cứ để ông Sỹ giữ chức HLV thì đội sẽ… rất đen còn làm GĐKT thì rất đỏ (!?).
Ở một số CLB khác, khi gặp thành tích không tốt cũng tiến hành trảm tướng nhưng để giữ hình ảnh cho người bị trảm thì đi tới một quyết định tế nhị là để vị này mặc chiếc áo GĐKT. Khác với trường hợp D.NĐ kể trên, ở đây là nhằm giúp người bị bay chức không lâm vào cảnh tổn thương về tinh thần. CLB Cần Thơ hay mới nhất là HAGL được xem như hai ví dụ điển hình. Khi không được dẫn dắt CLB HAGL nữa, ông Lee Tae-hoon được “thăng chức” làm GĐKT.
Nhưng không phải vị HLV nào cũng chấp nhận việc thuyên chuyển chức vụ theo kiểu như vậy. Sau thất bại 0-3 trước CLB Hà Nội ở vòng 11 giai đoạn 1 V-League 2020 vào cuối tháng 7 vừa qua, lãnh đạo CLB TP.HCM đã quyết định thay HLV Chung Hae-soung và đề nghị ông giữ cương vị GĐKT. Ông Chung đã cương quyết từ chối. Chỉ đến khi đôi bên cùng ngồi lại với nhau và CLB TP.HCM đồng ý tiếp tục trao quyền dẫn dắt đội, ông Chung mới gật đầu ở lại - nhưng với chức vụ cũ, không phải GĐKT.
|
Lách luật
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương bình luận: “Việc sử dụng GĐKT ở nhiều đội bóng tại V-League như một hình thức “lách luật”. Năm 2014, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã thực hiện theo yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) về quy chế cấp phép các CLB chuyên nghiệp, trong đó có tiêu chí thể thao quy định HLV trưởng phải có bằng A HLV do AFC cấp. Vì một số HLV không có bằng này nên lãnh đạo đội bóng đã bổ nhiệm họ làm GĐKT. GĐKT của một CLB không phải là người chỉ đạo về chiến thuật mà là tác giả của kế hoạch phát triển lâu dài của CLB đó thông qua những dự án về đào tạo trẻ. Nhưng ở Việt Nam, vai trò này còn quá “mập mờ”, không rõ ràng. GĐKT nhưng ngồi ở cabin huấn luyện gần như ra quyết định mọi thứ về trận đấu. Như vậy là sai vai trò. Các CLB nên đặt GĐKT vào vị trí tách bạch khỏi vai trò HLV trưởng đội 1. Các GĐKT nên chuyên tâm đào tạo chiến lược nguồn lực cho CLB để xây dựng hình ảnh và bản sắc cho CLB. Còn các HLV trưởng nên “danh chính ngôn thuận” tập trung vào công việc đội 1. Đó cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng cho tính chính danh nghề nghiệp. Ông Chung Hae-soung từng cho biết một HLV trưởng không còn là mình nếu không có quyền tự quyết chuyên môn. Một HLV trưởng mà chỉ đi dự họp báo, trong khi toàn quyền lại thuộc về GĐKT rõ ràng là không bình thường”.
Cựu GĐKT VFF Jurgen Gede cũng cho hay: “GĐKT thực sự là một chức danh còn mới mẻ ở Việt Nam, một nghề nghiệp mới toanh. Đơn vị trả lương và người lao động đều ít nhiều bối rối, bỡ ngỡ khi tìm lời giải cho câu hỏi “Phải làm gì?”. Chuyện càng khó nói hơn khi hệ thống CLB chuyên nghiệp tại Việt Nam, chức danh này hoặc chưa có ở một số đội hoặc có nhưng chưa được sử dụng đúng mục đích. GĐKT phải là người xây dựng kế hoạch dài hạn cho CLB, trong đó đào tạo trẻ là vấn đề cốt yếu. Không phải CLB nào ở Việt Nam cũng chú tâm đầu tư cho bóng đá trẻ vì bắt tay vào làm sẽ tốn tiền và thời gian... Đào tạo trẻ là công việc đòi hỏi quá trình dài hơi, có phần âm thầm nhưng lại đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển toàn diện về thể lực, tâm lý, kỹ chiến thuật cho lớp cầu thủ năng khiếu. Công việc này giao cho GĐKT. Trong khi ở V-League, một số GĐKT vẫn làm ở đội 1”.
|
HLV Đoàn Minh Xương tái khẳng định: “Đã đến lúc các CLB phải điều chỉnh việc sử dụng GĐKT, tránh cảnh lộn xộn, nhập nhằng vai trò, trách nhiệm như hiện tại. Cần tách bạch HLV trưởng và GĐKT. Chỉ khi có người chuyên tâm hoạch định chiến lược cho các HLV cũng như cầu thủ trẻ, đội bóng đó mới phát triển lâu dài và ổn định”.
Mới đây, ông Jurgen Gede đã chính thức trở thành GĐKT đào tạo bóng đá trẻ Viettel. Đây có thể xem là một bước đi quan trọng của CLB này trong tham vọng nâng tầm phát triển của mình, nhằm hướng tới mục tiêu World Cup 2026. Ông Gede chia sẻ với Báo Thanh Niên: “Vai trò của tôi ở CLB Viettel là rất rõ ràng, hoàn toàn tách biệt công việc với đội 1 ở V-League. Tôi sẽ chỉ tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất là chuẩn bị tốt nhất để cầu thủ trẻ sớm đôn lên đội 1. Thế giới đội 1 không phải của tôi, mà là vô vàn công việc gắn liền với các đội trẻ từ U.13, U.15, U.17, U.19 và U.21. Tôi thường xuyên xem xét, thảo luận cùng các HLV tuyến trẻ, các bộ phận chuyên môn, hậu cần, lắng nghe ý kiến của họ về giáo trình, chuẩn bị trước và sau mỗi trận đấu... Những hành động này nhằm phục vụ kế hoạch dài hơi cho Học viện Bóng đá trẻ CLB Viettel. Mục tiêu của tôi là sẽ giúp CLB Viettel tạo ra một hệ thống chiến thuật, phong cách chơi bóng kế thừa xuyên suốt từ đội 1 xuống các lớp trẻ. Từ đó, mở ra lộ trình rõ ràng để cầu thủ trẻ đến đội 1 nhanh và hiệu quả nhất”.
Ở cấp độ quốc gia, VFF sau nhiều năm loay hoay đã tìm được đúng người là GĐKT Yusuke Adachi vào đúng việc. Ông sẽ khảo sát toàn diện bóng đá Việt Nam, đi đến các CLB để trao đổi, học hỏi để nắm bắt toàn diện bức tranh đào tạo trẻ Việt Nam...
Linh Nhi
|
Bình luận (0)