Cầu thủ VN vướng vào bán độ, cờ bạc, ma túy... vốn không phải mới! Dù mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng những sự cố như vậy cứ lặp đi lặp lại, cho thấy trong công tác giáo dục, quản lý cầu thủ, chúng ta còn chưa chú trọng đúng mức các giải pháp phòng ngừa, dù rằng không chắc mọi giải pháp đều mang lại hiệu quả tuyệt đối. Đó là những giải pháp về giáo dục văn hóa; là môi trường, đời sống bóng đá lành mạnh; là trang bị kỹ năng, bài học để hỗ trợ cầu thủ tự rèn luyện, trau dồi bản thân.
Ai vốn sinh ra cũng đều tồn tại hành vi bản năng. Vì vậy giáo dục, uốn nắn chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng nên nhân cách mỗi người. Từ đó tăng cường dạy dỗ, nâng cao việc học văn hóa, trang bị kiến thức cho cầu thủ trẻ khi họ bước vào sự nghiệp là giải pháp thật sự căn cơ.
Bên cạnh đó, xây dựng đời sống bóng đá với môi trường tích cực, lành mạnh thông qua các giải pháp quản lý, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, kiểm soát sự lây lan hành vi xấu xí, độc hại... trong giới cầu thủ cũng là biện pháp mà các cấp quản lý cần hết sức chú trọng. Nếu không sẽ chẳng có cha mẹ nào dám cho con em theo nghiệp bóng đá. Điều này vô hình chung sẽ khiến dư địa tuyển chọn bị thu hẹp, tài năng bóng đá bị hạn chế.
Qua đây, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) hay đơn vị được VFF giao tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp VN (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN - VPF) cần tính đến việc trang bị hệ thống kiểm tra (test) chất cấm như nhiều nơi trên thế giới đã làm. Dù tốn kém thế nào thì nhà tổ chức vẫn phải hành động cho kỳ được, giống như việc mang công nghệ VAR đến với V-League vậy. Bởi làm bóng đá chuyên nghiệp thì tất yếu phải tiến tới chuẩn hóa các điều kiện tổ chức, thi đấu, chứ không thể bị động rơi vào tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".
So với trước, ngày nay cầu thủ VN sống được với nghề. Họ có thu nhập tốt, thậm chí tiền bạc rủng rỉnh hơn nên kèm theo nguy cơ sống hưởng thụ, buông thả. Vì vậy, cầu thủ VN phải biết tiết chế bản thân, rèn luyện nhân cách, đạo đức nghề nghiệp mới gọi là khôn ngoan, nhằm bảo vệ mình trước mọi cám dỗ. Với cầu thủ nổi tiếng, thậm chí phải biết sống có trách nhiệm trước cộng đồng vì hành vi của họ ảnh hưởng lớn đến người hâm mộ, nhất là giới trẻ.
Nhưng quan trọng hơn, phía sau họ còn có gia đình, người thân - những người dễ tổn thương nhất khi con em mình bị trượt dài, sa ngã... như cái cách mà một vài cầu thủ đội Hà Tĩnh vừa vướng vào "cái chết trắng".
Thành ra, xây dựng nhiều lớp "phòng ngự" để giúp cầu thủ tăng sức đề kháng trước cái xấu, cái độc hại thông qua các giải pháp tổng hợp như trên là điều mà những người có trách nhiệm nên làm ngay. Ngăn ngừa cầu thủ nhiễm thói hư tật xấu cũng giống như tiêm đủ liều lượng vắc xin phòng bệnh thì may ra mới hạn chế phần nào những vụ việc đáng tiếc làm xấu đi hình ảnh bóng đá nước nhà.
Bình luận (0)