(TNTS) Không chỉ người già mới mắc chứng sa sút trí tuệ. Căn bệnh mà người ta hay gọi nôm na là đãng trí tấn công cả những người chưa kịp già.
|
Một bà mẹ gửi email tới hộp thư sức khỏe băn khoăn: tôi 38 tuổi, hai con, khoảng hai năm trở lại đây trí nhớ sa sút nghiêm trọng; đôi khi chẳng nhớ tên người quen, gọi tên vật dụng nhà bếp cũng rất khó khăn. Một trường hợp khác phàn nàn, có lúc đang nói giữa chừng chợt quên mất cái ý kế tiếp định nói, quên tiệt luôn, không nhớ lại được; đôi lúc quên những từ rất thông dụng, vật vã một hồi mới nói được một ý rất đơn giản.
Đem chuyện này đi hỏi bác sĩ chuyên khoa, chúng ta có câu trả lời: đấy là biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ.
Sa sút trí tuệ là gì ?
Theo bác sĩ Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM, sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm mức trí tuệ đã đạt được từ trước. Bệnh nhân sẽ bị giảm trí nhớ, giảm khả năng xét đoán, giảm khả năng giao thiệp, định hướng không gian và thời gian, ngôn ngữ, tư duy nhận thức, hành động; ảnh hưởng nặng nề đến chức năng và chất lượng cuộc sống. Sa sút trí tuệ còn làm người bệnh thay đổi tính tình. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, người bệnh sẽ không thể tự chăm sóc được bản thân.
Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu của các chứng bệnh sa sút trí tuệ, chiếm tới khoảng 70%. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến các phần não kiểm soát hoạt động suy nghĩ, trí nhớ và ngôn ngữ. Biểu hiện đầu tiên của Alzheimer là giảm trí nhớ. Theo giới y khoa, sự xuất hiện các mảng amyloid bất thường và các đám rối sợi thần kinh trong tế bào não được xem là nguyên nhân gây chết tế bào não và teo não trong bệnh Alzheimer. Yếu tố nguy cơ của bệnh này bao gồm: gia đình có cha mẹ bị bệnh, lớn tuổi, giới nữ, học vấn thấp, tăng cao Appolioprotein E-4 bất thường, chấn thương đầu, chế độ ăn uống không hợp lý, cao huyết áp và tiểu đường.
Một nguyên nhân nữa là sa sút trí tuệ mạch máu, xảy ra sau tổn thương não do bệnh lý mạch máu não gây ra. Dạng này thường xảy ra đột ngột và tiến triển dần với các biểu hiện như giảm trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn tiêu tiểu và vụng về khi thực hiện các động tác. Sa sút trí tuệ mạch máu thường xảy ra ở người bị tai biến mạch máu não, người bệnh tiểu đường và cao huyết áp không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả.
Ngoài ra, cũng có thể xuất phát từ các bệnh lý thoái hóa não như Parkinson, ngộ độc kim loại, một số bệnh nhiễm trùng. Bên cạnh đó, một số bệnh lý tổng quát như sốt cao, cơ thể bị mất nước, thiếu vitamin và suy dinh dưỡng, tác dụng phụ của thuốc, bệnh lý tuyến giáp, nghiện rượu hoặc chấn thương đầu nhẹ cũng có thể gây ra sa sút trí tuệ, theo bác sĩ Võ Văn Tân.
Làm sao phát hiện ?
|
Tùy thuộc vào loại bệnh và giai đoạn bệnh mà bệnh nhân có thể có một số biểu hiện khác nhau, chẳng hạn như bị mất trí nhớ gần, là tình trạng người bệnh quên luôn một chuyện mới xảy ra và không nhớ lại được. Người bệnh gặp khó khăn trong việc thực hiện các công việc quen thuộc. Bác sĩ Tân cho biết người bệnh có thể quên những từ đơn giản, hoặc sử dụng từ không đúng nghĩa. Các triệu chứng khác gồm có: rối loạn định hướng, giảm khả năng đánh giá, có các vấn đề khó khăn rõ rệt về tư duy, quên vị trí đồ vật, thay đổi khí sắc, thay đổi cá tính, mất tính chủ động...
Theo bác sĩ Võ Văn Tân, các triệu chứng sớm của sa sút trí tuệ rất khó nhận biết nhưng nếu bạn nghi ngờ mình hay người thân có những dấu hiệu của bệnh thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Đừng nghĩ đó là các dấu hiệu bình thường rồi để bệnh tiến triển nặng thêm. Chẩn đoán sớm là một bước quan trọng để có các biện pháp phòng ngừa và điều trị hợp lý.
Phòng và chữa trị
Bác sĩ Võ Văn Tân cho biết gìn giữ sức khỏe tốt là điều cần thiết để giúp bộ não hoạt động lâu dài. Chẳng hạn, kiểm soát huyết áp kỹ lưỡng, kiểm soát đường và cholesterol trong máu, ăn uống lành mạnh, uống các thuốc đa sinh tố và thuốc chống ô xy hóa là một số cách để phòng ngừa sa sút trí tuệ. Một khẩu phần ăn lành mạnh sẽ bao gồm rau xanh, thực phẩm giàu acide béo omega-3 (như cá hồi) và một số loài cá sống ở vùng nước lạnh như cá bơn, cá thu; các loại hạt đậu và dầu thực vật, một số loại quả có màu vỏ sậm như dâu, mận, nho đỏ... Người bệnh không nên ăn nhiều mỡ động vật, thịt đỏ, thức ăn nhanh, đồ rán hoặc nướng, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm được chế biến kiểu công nghiệp và không hút thuốc, không lạm dụng rượu bia.
Tập thể dục đều đặn giúp giảm tới 50% nguy cơ tiến triển của bệnh sa sút trí tuệ, theo các nghiên cứu mới nhất. Tùy theo lứa tuổi và điều kiện sức khỏe mà mỗi người có thể chọn cho mình hình thức tập luyện phù hợp như đi bộ, chạy chậm, đạp xe, chơi các môn thể thao đối kháng. Thời lượng tập luyện nên đảm bảo 30 phút mỗi ngày với ít nhất 5 ngày trong tuần.
Luyện trí nhớ thường xuyên bằng các phương pháp như học tập cái mới, giải câu đố, ô chữ... cũng giúp não bộ hoạt động tốt hơn. Bên cạnh đó, bạn cần luôn giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc, ngủ sâu để não bộ nghỉ ngơi và phục hồi chức năng. Tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, hướng đạo sinh, trò chơi nhóm cũng rất hữu ích.
Những biện pháp trên nhằm phòng ngừa nguy cơ, làm giảm quá trình tiến triển của bệnh, hỗ trợ điều trị bệnh. Khi phát hiện dấu hiệu bị bệnh, bệnh nhân cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng cách, không tự ý chữa trị bằng những phương thuốc được quảng cáo là “bổ não”, “tăng cường trí nhớ”... bởi hiệu quả của chúng thường không như quảng cáo, đôi khi sử dụng không đúng cách lại làm bệnh nặng hơn, bác sĩ Tân khuyến cáo.
Bình luận (0)