Bỗng dưng nhận được tiền, cẩn thận tài khoản bốc hơi

Thanh Xuân
Thanh Xuân
06/11/2022 16:57 GMT+7

Trò chuyển tiền nhầm rồi nhờ chuyển lại để móc sạch tài khoản của chủ thẻ đang được kẻ gian tận dụng tối đa nhằm lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin. Một loạt nhà băng đang cảnh báo khách hàng cảnh giác trước các chiêu trò này.

Lừa đảo qua hình thức cho vay

Một người tên Đ.C.Đ (Cà Mau) giả mạo nhân viên Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Thủ đoạn của người này là đánh vào tâm lý cả tin, nhu cầu vay vốn nhanh chóng. Trước đó, SHB Finance chỉ ra 3 thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, điện thoại và không gặp trực tiếp. Kẻ gian lừa đảo qua app, website bằng một dạng đường link rút gọn, nhấp vào đường link sẽ xuất hiện nội dung của SHB Finance.

Các thao tác đăng ký hồ sơ khoản vay online được lưu lại nhằm truy vấn toàn bộ thông tin cá nhân để đối tượng lừa đảo tiến hành liên lạc và trao đổi trực tiếp. Không những vậy, nhóm lừa đảo còn lập ra cả tổng đài trực và tư vấn khách hàng vay từ 50 - 600 triệu đồng, lãi suất cố định 0,7%/tháng và không cần thế chấp. Sau khi hướng dẫn hồ sơ vay, đối tượng yêu cầu người vay chuyển tiền vào các tài khoản mà chúng chỉ định cùng với lời hứa số tiền này sẽ được hoàn trả lại cùng với số tiền vay.

Người dân thận trọng với những lời mời chào vay tiền qua mạng xã hội

ngọc thắng

Cũng đánh vào tâm lý của người đang cần tiền, kẻ lừa đảo giả mạo nhân viên Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), nhắn tin qua mạng xã hội mời vay tín chấp từ 50 - 100 triệu. Để hoàn thành thủ tục và được giải ngân, đối tượng yêu cầu khách hàng phải chuyển khoản ứng trước một khoản tiền tương đương với 10% giá trị khoản vay.

Lại có trường hợp, kẻ gian dùng sim rác liên hệ mời vay vốn qua Zalo, Facebook. Sau đó gửi các tin nhắn có nội dung liên quan đến khoản vay đã được giải ngân, tạo các văn bản giải ngân giả, có logo ngân hàng và gửi bưu cục chuyển phát nhanh đến khách hàng.

Sau khi khách hàng nhận được bưu phẩm thì đối tượng yêu cầu chuyển tiền trước nhiều lần phí với nội dung bảo hiểm khoản vay, chi phí khác nhằm kích hoạt tiện ích giải ngân trực tiếp vào tài khoản của khách hàng. Sau khi chiếm đoạt tiền thành công, đối tượng lừa đảo đã tiến hành chặn/hủy kết bạn với khách hàng trên ứng dụng Zalo/Facebook, chặn số liên lạc.

Cũng lợi dụng nhu cầu vay vốn, kẻ gian sau khi hoàn tất thủ tục vay nhưng thông báo với khách hàng đã nhập sai thông tin rồi đưa ra 2 phương án xử lý: nộp tiền phí chỉnh sửa vào tài khoản của chúng chỉ định, sau khi giải ngân sẽ chuyển lại cả số tiền này; hoặc đến ngân hàng chỉnh sửa lại. Thường thì địa chỉ chỉnh sửa kẻ gian đưa ra khác địa bàn tỉnh để người dân lựa chọn cách 1. Sau khi khách hàng chuyển tiền thành công, đối tượng lừa đảo liền chặn số liên lạc.

SHB Finance cho hay, công ty hỗ trợ khoản vay cho khách hàng hoàn toàn không mất phí và nhân viên không được phép thu hộ, đóng hộ bất kỳ khoản tiền nào nên tất cả các các hình thức hỗ trợ vay vốn yêu cầu khách hàng đóng trước khoản phí bảo hiểm, phí chỉnh sửa thông tin trên hợp đồng vay, phí kích hoạt giải ngân, phí xóa nợ xấu… đều có dấu hiệu lừa đảo bất thường, khách hàng phải đặc biệt lưu ý để tránh những mất mát tài sản.

Ăn cắp thông tin cá nhân, chuyển nhầm tiền

Thủ đoạn lừa đảo chuyển nhầm tiền rồi yêu cầu người nhận trả lãi cao thường nhắm vào những người nhẹ dạ, cả tin. Theo đó, kẻ gian sẽ chuyển nhầm một khoản tiền vào tài khoản người dùng. Sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ giả danh là nhân viên thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ chủ tài khoản yêu cầu trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với mức lãi suất rất cao.

Tương tự, đối tượng xấu cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người nào đó rồi liên hệ giới thiệu mình đang sống tại nước ngoài và muốn được nhận lại số tiền đã chuyển khoản nhầm. Để trả lại số tiền, người nhận tiền chuyển nhầm phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Sau khi điền xong thông tin, số tiền trong tài khoản của người nhận sẽ bị rút hết.

Khi nhận một số tiền của người lạ, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) khuyến cáo người dân nên liên hệ với ngân hàng để xác minh khi có nghi ngờ lừa đảo. Tuyệt đối không sử dụng số tiền này vào việc chi tiêu cá nhân cũng như không chuyển hoàn vào một tài khoản khác khi chưa có kết quả xác minh, hướng dẫn của ngân hàng hoặc cơ quan chức năng. Khách hàng không cung cấp thông tin bảo mật như: Mật khẩu truy cập tài khoản, Mật khẩu giao dịch một lần (OTP) cho bất cứ ai (kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng) và dưới bất cứ hình thức nào. Đồng thời cảnh giác với các yêu cầu truy cập đường link website, đăng nhập cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân.

Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, vay tiền ở các tổ chức khác hoặc các ứng dụng cho vay trực tuyến.

PVcomBank khuyến cáo, ngân hàng không yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền để chứng minh tài chính. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai để tránh bị các đối tượng lừa đảo sử dụng vào các mục đích trái phép; không truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website chưa xác thực. Đồng thời không nạp tiền, chuyển tiền cho người lạ với nội dung để mở thẻ tín dụng, vay vốn ngân hàng hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ khác…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.