Tắt tiếng thường không phải triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên lại gây khó chịu và là nguyên nhân khiến ngày tết thiếu trọn vẹn.
Ăn hạt có tắt tiếng?
Tắt tiếng có phải do ăn hạt dưa, hạt hướng dương, hạt điều, hạt dẻ…? Thực tế những loại hạt này không gây tắt tiếng. Tuy nhiên lớp vỏ lụa và hàm lượng lớn chất béo (dầu) từ những loại hạt này là yếu tố kích thích gây ho, dẫn đến tình trạng viêm thanh quản, kết quả là khàn giọng và tắt tiếng.
Khi thấy bản thân có triệu chứng ho nhiều và tắt tiếng sau khi ăn các loại hạt này, bạn nên dừng lại, uống nước ấm, có thể súc miệng. Sau đó, nên ăn những loại thức ăn ấm, mềm, hoặc lỏng, hạn chế nói to… để niêm mạc họng được làm dịu, giảm sự kích thích và thanh quản có thời gian hồi phục.
Bên cạnh đó, sử dụng siro ho thảo dược hoặc mật ong cũng là cách để làm dịu những kích thích, giảm cơn ho và giảm dần triệu chứng tắt tiếng.
Uống nhiều nước đá có tắt tiếng?
Uống nước lạnh nhiều có thể gây viêm họng. Bên cạnh đó các loại nước đá bán ngoài đường có thể được sản xuất từ nguồn nước thiếu vệ sinh, thậm chí là nước chứa vi rút hay vi khuẩn, Vì vậy khi uống nước đá, có thể bị vi rút hay vi khuẩn tấn công gây ra viêm họng và viêm thanh quản.
Khi có triệu chứng viêm họng sau uống nước đá như ho nhiều, khàn giọng hay tắt tiếng, bạn nên thực hiện các biện pháp sau để họng và thanh quản giảm kích thích, giảm sưng và giảm đau:
Ngưng nước đá, nước lạnh và uống nước ấm, uống từng ngụm nhỏ và uống đủ nước mỗi ngày; trẻ em thì theo cân nặng còn người lớn thì khoảng 2 lít nước mỗi ngày.
Hạn chế nói, hạn chế khóc và tuyệt đối hạn chế la hét.
Vệ sinh miệng sạch sẽ bao gồm đánh răng, dùng bàn chải lưỡi, súc miệng nước muối, nước súc miệng hoặc sử dụng các loại bình xịt miệng. Tuy nhiên với nước súc miệng và bình xịt miệng, nên sử dụng trong thời gian họng đau và tắt tiếng, không nên dùng hằng ngày sẽ gây mất cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng.
Đeo khẩu trang khi ra đường, tránh xa khói bụi hay thuốc lá.
Ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt nhóm vitamin như vitamin C từ cam, chanh, ổi, xoài…
Nói quá nhiều có tắt tiếng?
Trong những ngày tết, bộ phận phát âm bị "quá tải" do vui chơi, la hét, hát hò hay chỉ là nói quá nhiều.
Sự "quá tải" này khiến bộ phận phát âm bị nhạy cảm vì hoạt động quá nhiều, không có thời gian nghỉ ngơi hồi phục và dễ bị viêm nhiễm. Thậm chí khi xuất hiện triệu chứng tắt tiếng thì việc thì thầm cũng khiến các màng rung dao động mãnh liệt không thua kém gì hét to.
Vì vậy khi đã khàn tiếng, tắt tiếng, việc đầu tiên cần làm là im lặng để họng và thanh quản có thời gian nghỉ ngơi hồi phục.
Để giữ gìn giọng nói sau tết, bạn không nên nói chuyện nhiều và liên tục quá một giờ và không nói ở khoảng cách quá xa… Khi có triệu chứng tắt tiếng, bạn nên ngay lập tức hạn chế nói chuyện và kết hợp những phương pháp làm dịu cổ họng và thanh quản như nêu trên.
Khói nhang có gây tắt tiếng?
Hít nhiều khói nhang, có nguy cơ gây ra tình trạng viêm thanh quản với cơ chế tác động không thua gì thuốc lá.
Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng với khói nhang, hoặc hít phải những loại nhang làm từ nguyên liệu có nguồn gốc không rõ ràng, độc hại hay tẩm quá nhiều hương hiệu, sẽ gây ra tình trạng kích thích niêm mạc đường hô hấp, gây ho. Từ đó, làm tổn thương đường hô hấp, trong đó có thanh quản, gây viêm thanh quản và khàn tiếng, thậm chí tắt tiếng.
Với người có cơ địa dị ứng hay dễ bị kích ứng bởi khói nhang, tốt nhất nên đeo khẩu trang khi ra ngoài dịp tết, hạn chế ở trong phòng kín đang có thắp nhang, môi trường sống nên thông thoáng sạch sẽ, đặc biệt phòng ngủ nên có dòng gió thổi ra vào. Thực hiện các biện pháp làm dịu cổ họng và giảm phù nề hay viêm thanh quản như đã nêu ở mục một và hai.
Những nguyên nhân khác
Những nguyên nhân khác gây ra tình trạng tắt tiếng dịp tết còn có:
Đồ chiên rán chứa rất nhiều dầu mỡ là tác nhân kích thích ho, nhẹ thì khàn tiếng, nặng thì tắt tiếng.
Thời tiết lạnh và khô hanh vào dịp tết, cũng như việc du xuân vào thời điểm thời tiết không thuận lợi khiến tình trạng viêm mũi họng hay viêm thanh quản thường xuất hiện. Thêm vào đó, không khí quá khô hanh khiến đường hô hấp xuất hiện đờm bảo vệ xung quanh và làm cản trở phát âm.
Thức khuya và sinh hoạt thiếu điều độ là nguyên nhân gián tiếp gây viêm thanh quản. Khi cơ thể thiếu ngủ và thiếu dưỡng chất sẽ làm suy giảm sức đề kháng và dễ mắc những bệnh cơ hội như cảm cúm, nhiễm vi rút cúm hay vi rút, vi khuẩn gây ra tình trạng viêm đường hô hấp khác; khiến thanh quản bị viêm do sự tấn công của các tác nhân trên.
Dị ứng, bên cạnh dị ứng khói bụi, thuốc lá hay khói nhang như đã nêu trên thì mùa xuân là mùa của những bệnh lý dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản. Những bệnh lý dị ứng xuất hiện sẽ đi kèm với các triệu chứng như ho, hắt hơi, sổ mũi, sặc… đối với những người có cơ địa dị ứng, những triệu chứng này xuất hiện nhanh chóng và dai dẳng, kích thích gây viêm thanh quản và tắt tiếng dịp tết.
Viêm thanh quản do vi rút, vi khuẩn
Tết đến, các địa điểm như siêu thị, rạp chiếu phim, những địa điểm công cộng hay thậm chí tại nhà, là nơi tập hợp nhiều người, là điều kiện vô cùng thuận lợi lây lan vi rút và vi khuẩn. Những tác nhân gây bệnh này thâm nhập vào cơ thể qua các lỗ tự nhiên mà điển hình và thường gặp nhất là đường mũi họng và gây ra viêm thanh quản khiến khàn tiếng, hay tắt tiếng.
Để phòng tránh, lời khuyên của bác sĩ dành cho bạn:
- Hãy uống nhiều nước, sinh hoạt đều đặn, ăn uống đúng giờ và phong phú tất cả các nhóm thực phẩm.
- Tiêm phòng đầy đủ và ưu tiên hai loại vắc xin cần tiêm ngừa chính là vắc xin cúm và vắc xin phế cầu.
- Nếu bạn có thể xác định được nguyên nhân gây tắt tiếng của bản thân thì không nên hút thuốc lá, hạn chế nơi có chứa nhiều tác nhân gây dị ứng; đeo khẩu trang và vệ sinh sạch sẽ cơ thể cũng như môi trường sống để giảm thiểu tác nhân gây dị ứng.
Bình luận (0)