Sau khi Thanh Niên đăng loạt bài Lỗ hổng hình thành công ty “ma” vào giữa tháng 7.2020, cuối tháng 8.2020 Tòa soạn tiếp nhận đơn kêu cứu của anh T.H.Q.H (32 tuổi, quê Long An, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) về việc mình bỗng dưng trở thành giám đốc một công ty “ma”. Anh H. nhờ báo phản ánh, đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc ngăn chặn kịp thời kẻ xấu giả mạo giấy tờ thành lập công ty làm ăn phi pháp, nhằm tránh những hệ lụy pháp lý có thể phát sinh.
Gần 30 lần đi cầu cứu vẫn chưa được giải quyết
Theo nội dung đơn kêu cứu của anh H., tháng 4.2020 anh chuẩn bị giấy tờ để làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, khi kiểm tra lại thông tin cá nhân trên website của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) thì phát hoảng thấy mình đang đứng tên giám đốc Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ XNK DTL (viết tắt Công ty DTL). Chưa hết, một thời gian sau, anh H. còn phát hiện mình là thành viên góp vốn (2,475 tỉ đồng) của Công ty TNHH truyền thông sự kiện quảng cáo quốc tế Sài Gòn Group (viết tắt Công ty Sài Gòn Group).
“Trước đó, khoảng tháng 10.2019, tôi bị mất CMND (cấp ngày 25.8.2017). Sau đó, tôi về quê Long An trình báo, làm lại CMND mới và được cấp ngày 15.11.2019. Tôi đang làm việc ở một ngân hàng tại TP.HCM nên rành rẽ trong việc tra cứu thông tin, nhờ vậy mới phát hiện vụ việc”, anh H. kể.
Cuối tháng 4, anh H. làm đơn trình báo vụ việc đến Sở KH-ĐT TP.HCM; Chi cục Thuế Q.12 (nay gọi là Chi cục Thuế khu vực Q.12 - H.Hóc Môn) nhờ can thiệp. Riêng Công an Q.12, khi anh đến nộp đơn trình báo thì đơn vị không nhận, mà đề nghị phải có văn bản từ Sở KH-ĐT TP mới giải quyết.
Đến ngày 18.5, anh H. nhận được công văn của Sở KH-ĐT TP gửi cho Công an Q.12. Trong đó có nội dung đề nghị: “Trường hợp hồ sơ đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 29.4.2020 của Công ty DTL là giả mạo, đề nghị Công an Q.12 có kết luận và nêu rõ “nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 29.4.2020 của Công ty DTL là giả mạo”; trường hợp không có cơ sở kết luận nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 29.4.2020 của Công ty DTL là giả mạo, đề nghị Công an Q.12 nêu rõ lý do và có kết luận, gửi Phòng đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT) để có cơ sở phản hồi cho ông T.H.Q.H”.
|
Anh H. cho biết tính đến ngày 13.9, anh đã đến UBND Q.12 và Chi cục Thuế Q.12 mỗi nơi 2 lần, Công an Q.12 khoảng 10 lần nhờ can thiệp, song các đơn vị đều hướng dẫn đến Sở KH-ĐT TP để nhờ giải quyết, xử lý vụ việc. Trong khi đó, anh “đi lên, đi xuống” Sở KH-ĐT TP khoảng… 15 lần để trình báo, cũng như hỏi về kết quả, xin hướng dẫn giải quyết vụ việc thì cán bộ Sở trả lời phải đợi kết quả xử lý, phản hồi của Công an Q.12 (!?). Rốt cục, đến nay anh vẫn đang bị làm giám đốc trong hoang mang, lo lắng.
Bất lực tự truy vết công ty “ma”
Sau khi tiếp nhận đơn kêu cứu, cuối tháng 8.2020, PV Thanh Niên cùng anh H. trực tiếp tìm tới các địa chỉ công ty anh bỗng dưng bị làm giám đốc, góp vốn tiền tỉ để xác minh. Sau một buổi dò tìm, hỏi người dân địa phương về địa chỉ Công ty DTL (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi trụ sở chính: 18/1A đường QL1A, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM) thì ai được hỏi cũng lắc đầu, không biết địa chỉ này. Về địa chỉ của Công ty Sài Gòn Group (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi trụ sở chính: 636/114 Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12) cũng nhận được kết quả tương tự như trên.
Chúng tôi đến trụ sở UBND P.Đông Hưng Thuận (Q.12) đề nghị cán bộ phường xác thực trên địa bàn liệu có tồn tại 2 địa chỉ của 2 công ty nói trên không. Cán bộ tiếp chúng tôi xác nhận: “Mấy công ty này chắc là công ty “ma” rồi. Giờ anh lên Sở KH-ĐT TP.HCM, số 32 Lê Thánh Tôn (Q.1) để họ giải quyết cho. Vì họ là đơn vị cấp cái này chứ quận cũng không được cấp nữa. Anh lên đó trình bày là có ai đó mạo danh, lấy thông tin của mình lập công ty. Qua kiểm tra, tôi khẳng định ở cấp quản lý địa phương, các địa chỉ này không có. Bên Sở họ dễ quá, ai nói địa chỉ “ma” nào họ cũng cấp hết, chẳng cần phải chứng minh địa chỉ đó có thật hay không”.
Trước đó, anh H. cho biết đã tìm đến địa chỉ cũ của 2 công ty trên ở đường Bình Thới (Q.11) và đường Lê Văn Khương (Q.12) trước khi dời về P.Đông Hưng Thuận, nhưng đều không thể tìm ra địa chỉ. “Giờ địa chỉ họ ghi ở P.Đông Hưng Thuận cũng là địa chỉ “ma” nên tôi chẳng biết tìm họ ở đâu để làm rõ ngọn ngành”, anh H. ôm đầu thất vọng khi ra khỏi P.Đông Hưng Thuận và lo lắng: “Hơn 4 tháng nay, tôi mòn mỏi chạy đôn chạy đáo khắp nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, cả gia đình tôi cũng mệt mỏi theo, nhưng cách làm việc của các cơ quan chức năng thực sự làm tôi nản. Họ đùn đẩy cho nhau giải quyết, trong khi họ có thẩm quyền, nghiệp vụ để xác minh. Đến nay, mọi thứ vẫn chưa có chuyển biến gì. Tôi kiến nghị các cơ quan chức năng phải thu hồi giấy phép kinh doanh ngay, không để 2 công ty trên hoạt động. Vì ai biết họ đang buôn lậu, mua bán hóa đơn hay thực hiện hành vi bất chính nào? Nếu những điều đó xảy ra thì ai sẽ gánh chịu?”. (còn tiếp) T.R
Hai công ty “ma” tiếp tục đổi địa chỉ trụ sở chính
Mặc dù cuối tháng 4.2020 anh H. đệ đơn cầu cứu cơ quan chức năng ngăn chặn hoạt động của 2 công ty “ma”, đồng thời nhiều lần lên xuống đề nghị xử lý, nhưng không hiểu sao các công ty này vẫn được cơ quan thuế làm thủ tục dời địa chỉ. Theo tài liệu cán bộ Chi cục Thuế khu vực Q.12 - H.Hóc Môn cung cấp cho anh T.H.Q.H, thì 2 công ty “ma” liên quan đến anh đã có thông báo chuyển địa chỉ.
Cụ thể, ngày 21.7, Chi cục Thuế khu vực Q.12 - H.Hóc Môn có thông báo gửi Chi cục Thuế Q.2 về việc chuyển địa điểm kinh doanh đối với Công ty DTL từ địa chỉ 18/1A đường QL1A (P.Đông Hưng Thuận, Q.12) đến số 12/8 đường số 21 (P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2). Ngày 5.8, Chi cục Thuế khu vực Q.12 - H.Hóc Môn tiếp tục có thông báo gửi Chi cục Thuế Q.Bình Tân về việc chuyển địa điểm kinh doanh Công ty Sài Gòn Group từ địa chỉ 636/114 Nguyễn Văn Quá (P.Đông Hưng Thuận, Q.12) đến số 7/134/92/1 Liên khu 5 - 6 (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân).
|
Công ty “ma” buôn lậu, bán hóa đơn giá trị gia tăng…
Liên tục thời gian gần đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều băng nhóm tội phạm sử dụng công ty “ma” để buôn lậu, mua bán hàng cấm, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng… Điển hình:
- Tháng 7.2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM) phát hiện Công ty TNHH thương mại và sản xuất Stewardesses (số 558/66/27 Bình Quới, P.28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhập hàng lậu nên ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM điều tra. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định địa chỉ công ty này, kể cả người đại diện pháp luật, đều không có thật.
- Ngày 20.8, Công ty TNHH kinh doanh nông nghiệp Nghĩa Phát (địa chỉ 136/4 Lê Lợi, H.Hóc Môn, TP.HCM) mở tờ khai xuất khẩu 6 container hàng thức ăn gia súc, thuế suất xuất khẩu 0%. Phát hiện dấu hiệu bất thường, Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam - Tổng cục Hải quan phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP.HCM cho dừng thông quan, kiểm tra. Kết quả, toàn bộ 6 container là phế liệu nhôm, gồm vỏ lon bia, nước ngọt; có thuế suất xuất khẩu 25%. Mở rộng điều tra, hải quan phát hiện tại địa phương không có công ty trên đăng ký hoạt động, địa chỉ đăng ký là… nhà dân.
- Ngày 26.8, Công an TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Sơn (51 tuổi, ngụ TP.Thanh Hóa), để điều tra hành vi lập công ty “ma” nhằm buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng, gây thất thu hơn 1,3 tỉ đồng thuế nhà nước.
|
Bình luận (0)