Mạo danh cả Công an!
Ngày 3.12.2017, anh Trương Nguyên Thọ (24 tuổi, quê Trà Vinh, sống tại Q.Bình Tân, TP.HCM) mua điện thoại di động nhưng thiếu tiền nên vay tín chấp của một công ty tài chính, mỗi tháng trả 1,243 triệu đồng.
Đến kỳ trả tiền thứ 3, chưa kịp trả thì anh nhận được các cuộc điện thoại đòi nợ. Ba mẹ, anh chị của anh Thọ ở quê cũng bị người lạ gọi điện chửi mắng, bắt trả nợ thay khiến anh bị gia đình trách móc, giận hờn. Người đòi nợ còn gọi cho giám đốc công ty anh Thọ làm việc để đòi nợ khiến giám đốc đề nghị anh làm đơn xin thôi việc, không để những người đòi nợ tìm đến công ty.
tin liên quan
Bà mẹ 85 tuổi nhờ công an xử lý con trai vì bị đánh đập, dọa giếtChưa hết, sau đó anh Thọ nhận tin nhắn: “Yêu cầu bị can Trương Nguyên Thọ đến công an TP.HCM để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài sản vào lúc…”.
Vốn không hiểu biết pháp luật, cộng với việc liên tục bị khủng bố tinh thần nên anh Thọ cho rằng đó là tin nhắn do Công an TP.HCM gửi. Đúng ngày giờ được đề cập trong tin nhắn, anh Thọ có mặt tại trụ sở Công an TP.HCM. Tuy nhiên, anh Thọ không được cho vào vì không có thư mời hay giấy triệu tập.
Ra về, anh Thọ tiếp tục nhận tin nhắn: “Cơ quan thi hành án tỉnh TP.HCM yêu cầu bị can Trương Nguyên Thọ lúc 12 giờ ngày 27.5.2018 có mặt tại nhà để tiến hành cưỡng chế tài sản thu hồi toàn bộ nợ”. Tới đây thì anh Thọ thắc mắc: “Tôi chẳng biết mình bị tòa tuyên án từ khi nào mà đã bị thi hành án, mà sao thi hành án vào lúc 12 giờ trưa? Đã vậy còn có cơ quan thi hành án tỉnh TP.HCM?”.
Cả người không hề vay tiền như anh Trình Thành Thông Thái (ngụ Q.8, TP.HCM) cũng nhận được tin nhắn từ số điện thoại 01697591762 với nội dung: “Ngân hàng cảnh cáo lần cuối! Trước 21 giờ ngày 4.5.2018 Trình Thành Thông Thái chưa thanh toán hoặc thanh lý toàn bộ số tiền. Yêu cầu tất cả đối tượng trên HĐ chuẩn bị (hộ khẩu, CMND) trình diện Tòa án TP.HCM. P.Điều tra PC46, lúc 8 giờ ngày 5.5.2018. Vắng mặt xem như chống đối, thách thức cơ quan chức năng. Công an kinh tế có biện pháp...”.
Anh Thái lo lắng: “Lúc trước có một nhân viên của công ty tài chính gì đó tư vấn cho tôi. Tôi có gửi bản photo CMND và hộ khẩu cho người này nhưng sau đó tôi quyết định không vay. Không biết có phải họ lấy giấy tờ của tôi rồi tự làm hồ sơ vay hay không mà tự dưng tôi nhận được tin nhắn này”.
|
Xử lý hình sự nếu gửi thư rác, đe dọa người khác
“Việc vay tín chấp và không có khả năng chi trả, không bỏ trốn thì không đủ yếu tố cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nên không thể bị khởi tố rồi trở thành bị can, bị cáo”, luật sư Ngô Thái Tùng Thư (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết.
Về việc đòi nợ bằng cách khủng bố tin nhắn, điện thoại, luật gia Hồ Đặng Lâu, Phó giám đốc Công ty luật Đà Giang (TP.HCM), cho biết chỉ có đơn vị cho vay mới được phép gửi thư, tin nhắn nhắc nợ. Những tin nhắn như đã nhắn cho anh Thọ, anh Thái xuất phát từ một cá nhân nào đó với nội dung hù dọa được xem là thư rác theo quy định tại điều 3, Nghị định 90/2008.
Ngoài ra, việc nhắn tin sử dụng những lời lẽ đe dọa, quấy rối có thể bị xử phạt hành chính theo điều 66 Nghị định 174/2013. Nếu nhắn tin đe dọa, xúc phạm khiến người nhận tin nhắn hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí đến tính mạng thì tùy mức độ mà người nhắn tin phải chịu trách nhiệm bồi thường hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Ngô Thái Tùng Thư, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 175 bộ luật Hình sự: phải có hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt.
|
Bình luận (0)