Bông hồng màu da cam

28/05/2022 07:05 GMT+7

“Vết tích chiến tranh Hằn mùa đau tật bệnh Sót lại trong con Di chứng tàn cuộc Chất độc da cam Tháng năm tàn phá Thân hình vẹo vọ Chân tay vẹo vọ Trong con chiến tranh như chưa bao giờ ngừng lại Dẫu bao năm tiếng súng đã lặng chìm”

Đó là mấy câu trích trong một bài thơ mà tôi đọc được trong cuộc thi “Sống và hy vọng” do Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên, Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6), diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn tổ chức đầu năm 2021. Tuy bài thơ không đoạt giải nhưng đã để lại một cảm xúc rất sâu sắc trong tôi, nó đã vẽ nên khá đầy đủ và rõ nét chân dung của một người trong vô vàn những người Việt là nạn nhân của chất độc màu da cam.

Tác giả bài thơ, cũng chính là nhân chứng sống có tên Nguyễn Hữu Thịnh, sinh năm 1981, người làng Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng, H.Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đó là một chàng trai có đôi mắt rất tinh anh và nụ cười tươi sáng đầy thân thiện.

Đôi khi tôi tự hỏi điều gì đã tạo nên nụ cười và ánh mắt ấy ở một người khuyết tật khi mà cuộc sống hơn ba mươi năm nay gắn liền với chiếc xe lăn cùng những cơn đau hành hạ? Câu hỏi đó cộng thêm cái tình của một người đồng hương khiến tôi cứ không khỏi băn khoăn về Thịnh.

“Chiều quê thả giọt hoàng hôn

Bàn chân mùa gội đã thơm cánh đồng

Lúa vàng trải đến mênh mông

Pha vào từng ngọn mây bồng bềnh trôi”

Trước đó, có lẽ là vào khoảng cuối năm 2019, tôi đã biết đến cậu qua những bài thơ đăng trong một group văn chương mà tôi và cậu cùng sinh hoạt chung. Tôi cũng không thể ngờ những vần thơ bay bổng giàu hình ảnh như thế lại được viết nên từ một người chỉ mới học qua lớp 1 và vừa mới bước sang lớp 2 bậc tiểu học chưa được bao lâu.

Bước ngoặt định mệnh xảy đến khi Thịnh hơn 7 tuổi. Trong một giờ chơi, cậu đã bị ngất ngay giữa sân trường và lúc tỉnh dậy thì cuộc đời đã xoay 180 độ theo chiều hướng vô cùng nghiệt ngã.

Nguyễn Hữu Thịnh đã tự viết cuộc đời mình thành một bài thơ

tác giả cung cấp

Kết quả giám định y khoa xác nhận Thịnh bị nhiễm chất độc màu da cam ảnh hưởng từ người cha từng là bộ đội ở chiến trường miền nam. Tuổi thơ hồn nhiên cùng giấc mơ đến trường vĩnh viễn dừng lại trên chiếc xe lăn. Đã không ít lần Thịnh không muốn sống nữa vì bi quan và chán nản. Nhưng thật may tình yêu thương của những người thân trong gia đình đã níu giữ cậu ở lại.

Ai mà chẳng cảm thấy không vui khi đứa con thân yêu của mình gặp điều bất hạnh. Bố mẹ Thịnh cũng vậy, nhưng hơn hết họ hiểu cần phải là chỗ dựa tinh thần cho cậu có thể vượt qua những khó khăn. Họ lo sợ nhất một điều nếu ngày sau phải về với ông bà sẽ không còn ai chăm lo cho Thịnh nữa.

Có đôi lần tôi nói với cậu: “Lấy vợ đi để sau này có đứa con mà cậy nhờ”, Thịnh chỉ cười mà bảo: “Nếu em tự kiếm ra được nhiều tiền thì em sẽ lấy vợ thật đấy!”. Nghe thì như một lời bông đùa cho vui nhưng tôi nhận thấy ẩn chứa ở đó là một lòng tự tôn đầy nam tính.

Người có sức ảnh hưởng lớn nhất tới Thịnh chính là ông nội của cậu. Ông là một người có học ở làng. Cậu nói ông đã dạy cho cậu đạo làm người nhiều hơn là dạy chữ. Chính ông luôn ở bên cạnh để an ủi và chăm sóc cho đứa cháu tội nghiệp từng miếng ăn, giấc ngủ. Từ những câu chuyện kể về những tấm gương vượt khó, ví như thầy Nguyễn Ngọc Ký, ông đã gieo vào lòng cậu hạt mầm của nghị lực và niềm khao khát sống.

Tập thơ Khúc mùa

Nói thì chỉ trong vài câu nhưng quả thật hành trình ấy không hề dễ dàng đối với một người bị chất độc da cam hành hạ đến vẹo vọ cả hình hài. Chỉ một tay của cậu có thể cử động được nhưng cũng rất hạn chế, phát âm thì vô cùng khó khăn vì cơ mặt biến dạng. Nhưng cậu đã không đầu hàng trước những khó khăn ấy, hằng ngày chăm chỉ luyện tập với một lòng nhẫn nại vô bờ bến.

Cuối cùng thì cậu đã thành công khi có thể tự viết được, thậm chí là viết đẹp và nói được, dẫu không tròn tiếng nhưng cũng đủ diễn đạt cho người khác hiểu. Nhìn tập thơ viết tay cũ của cậu, ta phải gọi đó là một kỳ tích. Bởi lẽ, theo cậu chia sẻ, mỗi bài thơ người bình thường chỉ chép trong vòng 5 phút thì cậu phải mất cả một ngày ròng vì bàn tay cứ viết vài chữ là lại run và cứng đơ.

Vượt lên cả nỗi đau, những con người như Nguyễn Hữu Thịnh đã tự viết cuộc đời mình thành một bài thơ.

Thịnh ham đọc sách và tài sản lớn nhất của cậu là những cuốn sách. Việc đọc làm phong phú thêm vốn từ, bồi đắp cho mớ kiến thức còn rất sơ khai của cậu học sinh lớp 2, cũng là một yếu tố giúp cậu đến gần hơn với thơ. Khi số phận mình không thể thay đổi được thì đành phải chấp nhận một cách vui vẻ. Mình vui thì bố mẹ mới vui và những người xung quanh khỏi phiền lòng.

Thơ đã đem đến niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống của Thịnh. Đến nay, cậu đã sáng tác hàng ngàn bài thơ gồm nhiều thể loại, nhiều nhất là thể thơ lục bát. Một số đã được chọn lọc xuất bản thành những tập thơ: Thương lắm mai sau - NXB CAND năm 2010, Hoài khúc Tương Thi - NXB Hội Nhà Văn 2014, Gọi phía mùa thu - NXB Hội Nhà Văn 2017, Khúc mùa - NXB Thanh Niên 2019. Sắp tới cậu dự định sẽ còn in một số tập khác nữa.

Tôi đã có trong tay tập Khúc mùa của Thịnh. Thơ cậu đa phần dùng ngôn ngữ rất nhẹ nhàng, luôn mang những cảm xúc tích cực, không rên rỉ, thở than, bi lụy. Nỗi buồn nếu có thì cũng chỉ là những nỗi buồn trong trẻo trôi bồng bềnh như mây:

“Cà phê giờ ngắt đắng

Thèm hương vị nồng xưa

Mùa ngâu người xa vắng

Anh uống cả chiều mưa”

(trích trong bài Cà phê mùa ngâu)

Thịnh coi thơ là “điểm tựa của tâm hồn” mỗi khi gặp chuyện bế tắc muốn tìm lối thoát. Đôi khi cậu chia sẻ những tâm sự vào thơ như với người tri kỷ.

Chiến tranh đã qua đi mấy mươi năm trên dải đất hình chữ S này nhưng còn biết bao nhiêu người vẫn đang phải âm thầm chịu đựng nỗi đau do nó gây ra. Nhưng vượt lên cả nỗi đau, những con người như Nguyễn Hữu Thịnh đã tự viết cuộc đời mình thành một bài thơ. Cũng như những đóa hoa hồng, sinh ra là để điểm tô cho cuộc sống, những bông hồng thơ của cậu mọc lên tươi thắm từ cánh đồng nhiễm đầy chất độc hóa học dioxin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.