‘Bóng ma’ lạm phát lịch sử 40 năm qua có thực sự đáng sợ?

13/02/2022 11:29 GMT+7

Những lo lắng, thậm chí sợ hãi đã xuất hiện nơi các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khi Mỹ công bố lạm phát tăng lên mức kỷ lục 40 năm qua và Fed có thể sẽ “ra tay” tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Nỗi sợ trong ngắn hạn

Báo cáo của Mỹ vào cuối tuần qua, cho thấy giá tiêu dùng trong tháng 1.2022 đã tăng 7,5% so với một năm trước đó và đặc biệt lạm phát cơ bản (không bao gồm các mặt hàng thực phẩm và năng lượng) đã tăng 6%. Cả hai chỉ số lạm phát này đều tăng ở mức cao nhất trong 40 năm khiến thị trường chứng khoán đã có những phiên chao đảo. Kết thúc tuần, cả 3 chỉ số chính trên phố Wall đều giảm điểm, qua đó chấm dứt chuỗi hai tuần tăng điểm trước đó. Trong đó, chỉ số Nasdaq giảm mạnh nhất với mức giảm 2,2% trong cả tuần, tiếp đến là chỉ số S&P 500 với mức giảm 1,8% và chỉ số Dow Jones với mức giảm 1%.

Nhà đầu tư đang lo ngại về áp lực lạm phát
n.t

Trên thực tế, người Mỹ đang rất lo lắng về lạm phát và họ cũng sợ “bóng ma” lãi suất cao hơn. Và câu hỏi mà nhà đầu tư đang nóng lòng muốn biết hiện tại là: Các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ phản ứng như thế nào tại cuộc họp chính sách của họ vào tháng tới, họ sẽ tăng lãi suất bao nhiêu %.

Dẫu vậy, theo nhiều khảo sát và báo cáo, dường như nỗi sợ này chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Theo kết quả khảo sát được công bố ngày 11.2 của Đại học Michigan (Mỹ), chỉ số niềm tin tiêu dùng sơ bộ của người dân Mỹ, cho thấy kỳ vọng về lạm phát trong thời gian dài vẫn tương đối “yên ắng”. Họ kỳ vọng mức tăng trung bình 3,1% hàng năm trong vòng 5 - 10 năm tới. “Đây là mức cao như kỳ vọng lạm phát dài hạn vào đầu năm 2009, nhưng không tăng vọt so với mức dự báo 2,3% của họ vào tháng 2 năm 2020, ngay trước khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xảy ra. Và xem xét xu hướng của người tiêu dùng thì 3,1% dường như không phải là cao”, báo cáo này nêu rõ.

Có áp lực nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Mặc dù lạm phát đang gây lan rộng ở khắp nơi nhưng tại Việt Nam, mới đây báo cáo của Ngân hàng HSBC đánh giá, lạm phát nhiên liệu tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, đẩy số liệu lạm phát tháng 1 lên 1,9% so với cùng kỳ 2021, song giá lương thực thực phẩm vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát do nhu cầu còn chưa tăng. "Mức này không cho thấy một rủi ro đáng kể cho Ngân hàng nhà nước Việt Nam vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ", báo cáo khẳng định.

HSBC cũng cho rằng, trong khi tình hình lạm phát ở nhiều nước ASEAN như Thái Lan và Singapore bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều người, lạm phát nhiều khả năng "không phải mối lo lớn" với Việt Nam năm nay. Ngân hàng này dự báo lạm phát bình quân 2022 của Việt Nam từ 2,7% lên 3% và khẳng định rủi ro không đáng kể.

Thực tế, ngay tuần lễ “khai xuân” chỉ số Vn-Index vẫn trụ vững. Thống kê giao dịch trên sàn HOSE tuần qua, chỉ số VN-Index có 4 phiên tăng điểm và 1 phiên giảm điểm duy nhất ngày cuối tuần 11.2. Mức cao nhất và mức thấp nhất trong tuần lần lượt tại 1.512,88 điểm và 1.491,78 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index tăng 22,75 điểm, tương ứng tăng 1,5% so với cuối tuần trước và kết thúc tuần tại mức 1.501,71 điểm.

Giá nhiên liệu tăng mạnh gây áp lực lên lạm phát
reuters

Báo cáo của Công ty chứng khoán Everest (EVS) đánh giá có một số yếu tố tác động tiêu cực lên lạm phát. Đầu tiên là nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng trở lại mức trước đại dịch, giá cả các mặt hàng chính trong rổ CPI như: lương thực thực phẩm, giáo dục, y tế, du lịch… tăng trở lại trong khi nhóm giao thông tiếp tục duy trì áp lực nửa đầu năm 2022 khi giá dầu tiếp tục neo ở vùng cao (trên 80 USD/thùng).

Ngoài ra, chính sách tài khóa mở rộng với việc đẩy mạnh đầu tư công, miễn giảm thuế sẽ kích thích nhu cầu tiêu sắm của người dân, gây áp lực cầu trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa vẫn đang duy trì ở mức cao. Đây là các nhóm các sản phầm đầu vào phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa và thường có độ trễ 6 tháng trước khi phản ánh lên giá sản phẩm cuối. Do đó EVS dự báo áp lực này sẽ mạnh dần trong năm 2022.

Khối phân tích nhận định lạm phát tăng cao sẽ khiến các nhà tạo lập chính sách cân nhắc việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, mặt bằng lãi suất có thể tăng trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, Chính phủ cũng có những công cụ đủ mạnh để kiềm chế lạm phát như: hỗ trợ giá điện bán lẻ, thực phẩm thiết yếu, bình ổn giá xăng dầu… Do đó, EVS kỳ vọng CPI chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ và Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% đã đề ra.

Về tác động của lạm phát tới lãi suất, Công ty chứng khoán KBSV cho rằng: “Chúng tôi đánh giá mặt bằng lãi suất huy động, vốn đang ở mức thấp, nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong năm 2022 do lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn nhằm duy trì tính cạnh tranh”. Mức tăng, theo KBSV nhiều khả năng sẽ tương đối thấp (trên dưới 0,5%), tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%. Diễn biến này sẽ có những tác động tiêu cực nhất định đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán nhưng chưa ở mức đáng lo ngại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.