Bốt lấy mẫu xét nghiệm Covid: Giúp nhân viên y tế đỡ cực, Việt Nam liệu nên thử nghiệm?

04/06/2021 19:05 GMT+7

Trước làn sóng tấn công của Covid-19 , vào giữa năm 2020, một bệnh viện tại Hàn Quốc đã sáng tạo phương tiện lấy mẫu xét nghiệm mới, được gọi là ‘xét nghiệm Corona kiểu bốt điện thoại’. Đây là một sáng kiến bảo vệ nhân viên y tế an toàn, thoát khỏi bộ đồ bảo hộ giữa nắng nóng khắc nghiệt như ở Việt Nam.

Thiết bị này trông giống như một bốt điện thoại công cộng, bao gồm các buồng nhỏ cùng với các thiết bị bảo hộ cá nhân và dụng cụ lấy mẫu. Một mặt, thiết bị được làm bằng kính với hai lỗ để lắp găng tay (có thể tháo rời) dùng một lần từ bên ngoài. Ba mặt còn lại được làm bằng nhôm.

Bản tin Covid-19 ngày 4.6: Dịch bệnh ở TP.HCM vẫn phức tạp, F3 "nhảy" dần thành F0

Giúp nhân viên y tế vừa an toàn vừa thoát nhịn ăn

Bốt xét nghiệm này cho phép nhân viên y tế kiểm tra bệnh nhân từ phía sau tấm nhựa hoặc kính. Bệnh nhân bước vào hộp. Bác sĩ sẽ lấy mẫu bằng cách ngoáy mũi và cổ họng bằng găng tay cao su dài đến cánh tay được tích hợp sẵn trên tấm kính. Toàn bộ quá trình chỉ mất 7 phút và bốt sau đó được khử trùng, thông gió.

Buồng SAFETY tại bệnh viện H Plus Yangji, Hàn Quốc

Ảnh: AFP

Bệnh viện H Plus Yangji (thủ đô Seoul, Hàn Quốc) gọi chúng là “Buồng kỹ thuật đánh giá nhanh và an toàn của bệnh viện Yangji”, gọi tắt là “SAFETY”.
Chủ tịch của bệnh viện Yangji, ông Kim Sang-il chia sẻ với AFP rằng các buồng xét nghiệm này nhỏ, dễ dàng khử trùng, khử khuẩn. Mỗi buồng chỉ nhận một bệnh nhân/lượt, không giống với các phòng áp lực âm nơi cùng một lúc nhiều người vào xét nghiệm.
Sáng kiến này được xây dựng dựa trên hình mẫu là các tủ an toàn sinh học hay hộp đựng găng tay cách ly, nơi mà các nhân viên phòng thí nghiệm thực hiện các thao tác thông qua tay áo cao su dài.

Bệnh nhân Covid-19 thứ 51 tử vong – Bệnh nhân 3153

Nhiều nước áp dụng

Tại Ấn Độ, bốt xét nghiệm đã có sự cải tiến so với tại Hàn Quốc. Thay vì người bệnh bước vào hộp thì tại đây, nhân viên y tế là người ở trong hộp và lấy mẫu cho người dân ngồi bên ngoài. Quá trình diễn ra không quá 5 phút.

Ki-ốt xét nghiệm virus Corona di động tại Ấn Độ

Ảnh: PTI photo (The Tribune)

Điểm cải tiến ở đây là nhân viên y tế không cần trang bị đồ phòng hộ dày, nóng trong hàng nhiều giờ liền. Nhân viên cũng không cần phải nhịn ăn, uống và đi vệ sinh vì tiết kiệm đồ phòng hộ. Thêm vào đó, khoảng cách giữa nhân viên và người cần xét nghiệm được đảm bảo. Và việc thay người, thay ca cũng được diễn ra một cách an toàn, trật tự. Vấn đề giảm thiểu tác hại môi trường cũng được đảm bảo khi các gian hàng giảm sử dụng đồ bảo hộ, khẩu trang và găng tay hơn so với việc xét nghiệm truyền thống.

Covid Box được tái chế từ những bốt điện thoại cũ ở Thái Lan

Ảnh: Bangkok Post

Theo The Economic Times, chi phí cho mỗi bốt xét nghiệm vào khoảng 15.000 - 20.000 rupee, tương đương từ 4 - 6 triệu đồng. Bốt xét nghiệm này di dộng. Nó có thể được vận chuyển trên xe và đến bất cứ địa điểm nào. Nó đặc biệt hữu hiệu cho việc thu thập mẫu ở các điểm thời tiết nóng và trạm kiểm soát biên giới. Điều quan trọng là vấn đề an toàn, là sau khi lấy mẫu để an toàn cho những người tiếp theo nhân viên y tế ấn xuống một cái bơm chân để xịt xà phòng khử trùng ra bên ngoài bốt kể cả trên găng tay để đảm bảo an toàn cho người dân đến lấy mẫu. 
Chính quyền quận West Singhbhu, bang Jharkhand (Ấn Độ) thiết lập một đơn vị thu nhập mẫu tại Bệnh viện Chaibasa Sadar. Ở Kerala, ki-ốt lấy mẫu di động này được đặt tại một bệnh viện của chính phủ. Trung tâm thu thập mẫu xét nghiệm Covid-19 cũng đã khai trương tại bệnh viện quận Ghaziabad, bang Uttar Pradesh. Theo Business Standard, Giám đốc Y tế Ghaziabad Asmita Lal cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu thử nghiệm trên quy mô lớn với trung tâm thu thập mẫu “bốt điện thoại”.

Tại Việt Nam, nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm phải mặc đồ bảo hộ kín mít

ẢNH: HUY ĐẠT

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, nhân viên y tế Việt Nam tiếp xúc trực tiếp với người được lấy mẫu 

ẢNH: GIA HÂN

Bộ Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số Thái Lan cũng triển khai biến các bốt điện thoại cũ thành các ki-ốt xét nghiệm Covid để tránh nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và giải quyết tình trạng thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân. Bốt xét nghiệm có tên COVID Box. Trong đợt đầu tiên, 50 bốt được xây dựng tại những bệnh viện được lựa chọn. Bên trong hộp được trang bị quạt áp suất dương kèm thiết bị lọc. Chi phí làm mới bốt điện thoại cũ vào gần 1.000 baht (hơn 700.000 đồng).
Các quốc gia trên đã từng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid. Việc áp dụng kiểu xét nghiệm "bốt điện thoại" đã giúp họ đẩy nhanh quá trình xét nghiệm, truy vết và chữa trị đồng thời giảm tải gánh nặng đáng kể cho nhân viên y tế. Ở Việt Nam hiện nay, đội ngũ y bác sĩ đang căng mình chiến đấu với dịch bệnh chủng biến thể Ấn Độ trong thời điểm nắng nóng, nhiệt độ quá cao. Đây sẽ là một giải pháp đáng để Việt Nam nghiên cứu áp dụng cho đội ngũ y tế tuyến đầu, đang ngày đêm xông pha tuyến đầu. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.