BOT Sông Phan lại 'vỡ trận', phải xả trạm

13/01/2018 09:54 GMT+7

Khoảng 9 giờ 40 ngày 13.1, trước tình trạng ùn ứ càng lúc càng nghiêm trọng, BOT Sông Phan đã phải xả trạm.

Sáng 13.1, hàng trăm phương tiện đã tập trung phản đối tại Trạm thu phí Sông Phan (H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), khiến giao thông ùn ứ trên Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn xã Hàm Minh, Hàm Cường (H.Hàm Thuận Nam).
Hỗn loạn ở BOT Sông Phan sáng 13.1 Ảnh: Duy Phương
Khoảng 9 giờ 40 ngày 13.1, trước tình trạng ùn ứ càng lúc càng nghiêm trọng, BOT Sông Phan đã phải xả trạm.
Ghi nhận ban đầu tại BOT Sông Phan, một số người dân địa phương cho biết khi nghe tin Bộ GTVT đồng ý chủ trương giảm 50% giá vé qua trạm, họ vẫn không đồng tình. Người dân địa phương yêu cầu miễn phí hoàn toàn vì họ không lưu thông qua cầu Đồng Nai, địa phận tỉnh Đồng Nai, trên Quốc lộ 1.
Theo ghi nhận của CTV Thanh Niên, chiều lưu thông TP.HCM - Phan Thiết đã được xả trạm. Tính đến 10 giờ 15 (ngày 13.1), chiều lưu thông Phan Thiết - TP.HCM cũng đã được xả. CSGT Công an H.Hàm Thuận Nam đã có mặt tại Trạm thu phí BOT để điều tiết giao thông.
Những tài xế phản đối BOT Sông Phan chủ yếu là người dân địa phương, tài xế chuyên thu mua thanh long cho các vựa thanh long trên địa bàn xã Hàm Minh, Hàm Cường, vốn thường xuyên lưu thông qua BOT Sông Phan.
H.Hàm Thuận Nam được mệnh danh là thủ phủ của thanh long. Đa phần các vựa thanh long nằm trên địa bàn huyện này. Hoạt động canh tác, thu mua, vận chuyển thanh long ở đây rất sôi động. Thị trường chủ yếu của thanh long H.Hàm Thuận Nam là Trung Quốc, gần đây mở rộng sang thị trường Mỹ, Canada.
Đến 11 giờ 30 cùng ngày, barie BOT Sông Phan hướng Phan Thiết - TP.HCM lại đóng, lượng xe cộ ngay lập tức bắt đầu ùn ứ. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trực tiếp có mặt tại BOT Sông Phan lúc này đã kiên quyết yêu cầu quản lý trạm phải xả trạm để đảm bảo lưu thông.
Đến 12 giờ, BOT Sông Pham xả trạm lần thứ 2.
Vừa đóng trạm, BOT Sông Phan đã phải xả trạm lần thứ 2 trong sáng 13.1 Ảnh: Quế Hà
Trước đó, chiều 10.1, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo Sở GTVT và UBND H.Hàm Thuận Nam khẩn trương lên danh sách các phương tiện của người dân gần trạm thu phí BOT Sông Phan để trình Tổng cục đường bộ VN và chủ đầu tư phê duyệt giảm giá vé.
BOT Sông Phan xả trạm trong sáng 13.1 Ảnh: Quế Hà
Ngày 9.1 Tổng cục đường bộ VN đã trình phương án giảm giá cho phương tiện gần trạm BOT Sông Phan và được Bộ GTVT có văn bản đồng ý.
Theo công văn (số 281) của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký ngày 9.1, thì các chủ sở hữu xe ô tô có hộ khẩu ghi đúng trên đăng ký ở xã Hàm Minh và Hàm Cường (bao gồm cả các hộ của thị trấn Thuận Nam ở cách trạm không quá 5 km) sẽ được giảm giá vé là 50%.
Đối với loại ô tô kinh doanh có trụ sở tại hai xã Hàm Minh và Hàm Cường thì được giảm 40%. Riêng xe buýt được giảm 100%.
Theo một lãnh đạo Sở GTVT Bình Thuận, ban đầu chủ đầu tư chỉ đồng ý theo phương án giảm 50% cho xe không kinh doanh và 25% cho xe kinh doanh. Nhưng sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị “giảm đến mức thấp nhất có thể”.
Đây là phương án để đảm bảo phương án tài chính của nhà đầu tư thu phí trong vòng không quá 25 năm.
Trạm thu phí BOT Sông Phan do Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư, thu phí cho dự án nâng cấp và mở rộng QL1 đoạn Đồng Nai - Bình Thuận.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam yêu cầu BOT Sông Phan xả trạm
Trong sáng 13.1, ông Phạm Văn Nam đã làm việc với công an, chính quyền H.Hàm Thuận Nam và chủ đầu tư BOT Sông Phan.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam yêu cầu BOT Sông Phan xả trạm trong sáng 13.1 Ảnh: Quế Hà
Ông Nam yêu cầu khi tắc nghẽn giao thông kéo dài đến 1 km là trạm phải xả ngay, đồng thời H.Hàm Thuận Nam phải chỉ đạo các lực lượng giữ an ninh trật tự. H.Hàm Thuận Nam cần gửi ngay danh sách, số lượng ô tô được giảm phí để cơ quan chức năng phê duyệt.
Ông Nam cũng yêu cầu Công an tỉnh Bình Thuận vào cuộc xử lý những hành vi cố ý gây rối.
Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.