Bớt xông xênh, dân mê hàng hiệu Trung Quốc chấp nhận 'cũ người mới ta'

La Vi
La Vi
03/10/2022 09:03 GMT+7

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại do đại dịch Covid-19 , nhu cầu thắt chặt chi tiêu và sống giản dị hơn đang thúc đẩy sự phát triển của thị trường đồ hiệu đã qua sử dụng . Các công ty khởi nghiệp như ZZER đang gặt hái nhiều lợi ích.

Một năm trước, mua sắm đối với Wang Jianing là đứng xếp hàng tại các cửa hàng đồ hiệu quốc tế để tìm mua túi xách trong bộ sưu tập mới nhất.

Nhưng giờ đây, cô nhân viên văn phòng này đang tìm những sản phẩm cao cấp tại một cửa hàng bán đồ hiệu đã qua sử dụng thuộc "chợ" ZZER.

Wang Jianing cho biết: "Số tiền tôi tiêu chắc chắn sẽ ít đi rất nhiều trong năm nay, nhưng tôi vẫn là tôi - không thể kiểm soát được thú vui mua sắm. Vì vậy tôi nghĩ rằng cách thức kinh doanh đồ cũ này rất tuyệt vời".

ZZER bắt đầu hoạt động trên nền tảng trực tuyến vào năm 2016. Tên thương hiệu này có nghĩa là "only two", nghĩa là hàng hóa đã qua sử dụng. Sau đó, ZZER bắt đầu mở cửa hàng ở Thượng Hải và Thành Đô vào năm 2021, và hiện đang tìm thêm mặt bằng ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến.

Wang Jianing đang lựa túi xách ở cửa hàng bán đồ hiệu secondhand ZZER

reuters

Tăng trưởng kinh tế suy giảm ở Trung Quốc, cùng với tác động của đại dịch Covid-19, đang tạo ra cơ hội cho những người khởi nghiệp như Zhu Tainiqi.

Và xu hướng mua sắm đồ hiệu secondhand không chỉ xuất phát từ việc phải thắt chặt chi tiêu. "Về phía người gửi hàng, khi nền kinh tế chậm tăng trưởng, họ sẽ nghĩ rằng tại sao không bán những món đồ xa xỉ đang bỏ không ở nhà nhỉ?".

Nhà đầu tư mạo hiểm 33 tuổi cho biết số lượng người gửi hàng để bán ở ZZER đã tăng 40% trong năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nền tảng đang có 12 triệu thành viên và dự kiến sẽ bán 5 triệu sản phẩm cao cấp trong năm nay.

Đối với một tín đồ mua sắm như Isabel Shi, sự thay đổi thói quen tiêu dùng xuất hiện sau khi Thượng Hải bị đóng cửa vài tháng.

"Niềm đam mê mua đồ của tôi giảm đi. Cứ nghĩ xem, suốt 3 tháng ở nhà tôi cũng chỉ cần mặc pijama thôi mà", chị Isabel Shi cho biết.

Xu hướng này chỉ ra sự thay đổi quan trọng trong thị trường đồ hiệu trị giá 74 tỉ USD của Trung Quốc, nơi phân khúc đồ cũ chậm phát triển so với các thị trường khác như Nhật Bản và Mỹ.

Điều này một phần là do sở thích có đồ mới nhưng sợ mua phải hàng giả. Xu hướng này cũng có thể đặt ra thách thức cho chiến lược ưu tiên Trung Quốc của các nhà sản xuất hàng cao cấp lớn trên thế giới, khi nhu cầu mua sắm giảm tại thị trường này.

Tuy nhiên, bà Iris Chan, trưởng bộ phận phát triển khách hàng của công ty tư vấn Digital Luxury Group, tin rằng phân khúc hàng cao cấp vẫn sáng cửa.

"Nhìn chung, thị trường cao cấp ở Trung Quốc vẫn được dự đoán là sẽ phát triển, cho dù đó là bán đồ mới hay đồ đã qua sử dụng. Tôi nghĩ có lẽ tầng lớp trung lưu, thể hệ trẻ có lẽ sẽ không mua nhiều đồ xa xỉ mới trong thời điểm mà họ phải cân nhắc rất nhiều về túi tiền của mình", bà Iris Chan cho biết.

ZZER và các nền tảng bán đồ cũ khác như Feiyu, Ponhu và Plum đều là các thương hiệu nội địa. Mỗi nền tảng đã thu hút hàng chục triệu đô la từ các quỹ đầu tư mạo hiểm vào năm 2020 và 2021, nhằm cải thiện đảm bảo mua bán hàng chính hãng.

Theo công ty tư vấn iResearch vào cuối năm ngoái, thị trường đồ hiệu secondhand của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ 8 tỉ USD (năm 2020) lên 30 tỉ USD vào năm 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.