Tiếng khóc của con Pyeng lúc mau lúc thưa, rỉ rả như giọt nước đổ sau nhà khiến bụng ông Uếch như có bàn tay con gấu đang cào. Hết dỗ ngọt rồi nạt nộ, cái tai nó vẫn như nước đổ lá môn. Kiểu này chắc là "bị" với thằng Tặng như cái mồm thầy cúng Rơ Mah Chênh đang rỉ rả khắp làng rồi. Ấy cũng là tại cái việc thằng Tặng làm khiến ông không thể không tin được. Thế mới biết bụng con người ta thật khó dò. Một lúc nghĩ cạn giờ hối lại thì rìu đã chém vào cây. Chịu phạt vạ của làng không là gì, chỉ sợ con Pyeng xấu hổ làm liều. Hơn sáu mươi mùa rẫy, ba lần bắt vợ mới có được nó. Nó mà làm sao thì ông chỉ có nước về với làng ma…
Ông bà xưa vẫn nói, người hay gặp xui là tại Yang cho cái vía yếu. Chẳng biết có phải không nhưng Uếch thì cho là tại mình mê tiếng chiêng, tiếng đàn nên vợ con đứt nối mấy đoạn cũng từ đó mà ra… Được tám mùa rẫy, đứng còn thấp hơn cái gốc cây cụt ngoài rẫy mà đã biết đánh chiêng, biết làm đàn goong, t'rưng rồi. Chẳng thể nhớ từ đó phải bao nhiêu đêm con mắt, cái tai không ngủ; bao nhiêu ngày ngón tay, cái chân không yên để có một ngày người ta thấy nước mắt chảy trong bụng, muốn tìm đường đi về phía mặt trời khi nghe Uếch cất tiếng chiêng, gảy tiếng đàn. Với người Jrai, những thứ đó như ngọn gió qua rừng, nước mát từ con suối, ai cũng có quyền được hưởng. Nhưng dù không ai mang đến cho hột lúa, trái bắp thì Uếch vẫn được dân làng quý trọng. Uống rượu làng, Uếch được mời chỉ sau già làng. Thế nên không nói sai, đám con gái ai cũng thích bắt Uếch. Hồi đó còn tục con gái, con trai tối đến ngủ nhà rông. Luật làng rất nghiêm, thế nhưng nhiều cô cứ muốn bị phạt vì Uếch. Có lẽ vì mải ngắm cây hoa mà Uếch đã quên ngắm một bông hoa. Bdo bắt Uếch lúc mười bảy mùa rẫy. Bdo đẹp, làm rẫy giỏi, thế là xứng với Uếch. Thế nhưng không biết sao Uếch lại không ưng lắm. Không ưng người ta mà cũng không chối mới kỳ. Thế nên dù vợ chưa khi nào nói tiếng to, chưa khi nào đập bếp thì Uếch vẫn thấy như người không đói cũng ăn, say rồi cũng phải uống. Uếch không biết như thế có làm nên tội không nhưng Yang đã phạt Uếch: Bdo mắc bệnh, được hai mùa rẫy thì về với ông bà…
Năm mùa rẫy lang thang như cơn gió hết làng này qua làng khác, lấy hội hè làm vui, lúc đầu Uếch đã không nghĩ đến chuyện bắt vợ lại nhưng sao tiếng đàn cứ dần nhạt; tiếng chiêng như không phải của mình. Già làng nghe thấy bảo: Phải bắt lại vợ cho mày thôi. Con Dích có khi hợp với mày đấy!
Dích ở làng Ngo. Dích đẹp, chắc thế nên Yang cứ bắt Dích khổ mãi. Đời chồng đầu không biết đau gì, chết. Bắt lại chồng nữa, cũng lại chết. Mà chết vì cái không đâu, đi bắt cua bị rắn cắn. Hai lần chồng, ba đứa con, người ta sợ nhưng Uếch nghĩ: Cái vía Dích không hợp với người này nhưng hợp với người khác thì sao? Dích quả cũng hợp với Uếch nhưng chỉ phần này thôi: ham nghe Uếch đàn. Cái hay không bù lại được cái dở làm biếng. Ông bà nói "đàn ông biếng không nên nhà, đàn bà biếng không nên bếp". Nghĩ cũng tội cho Dích. Không muốn bỏ Uếch nên Dích kiện già làng. Lần trước Uếch bỏ vợ vì cả hai cùng thuận nên không phạt. Lần này thì một người muốn một người không. Nhưng già làng đã bảo: Lỗi to là do con Dích chớ thằng Uếch đã khổ vì vợ con nhiều rồi, có muốn thế đâu. Phạt làm gì cho nó thêm khổ!
Lại phải gói ghém ra đi, buồn quá là buồn! Tìm đến già làng uống rượu cho nguôi bụng, già làng thở dài: Cái vía mày đến thế thì cũng chịu thật… Nhưng rồi một lúc như chợt nhớ ra, già làng bảo: À, tao nghe bên làng Gà có con Blúp mới chết chồng đó. Hay mày cố một lần nữa coi?
Mới nghe Uếch đã muốn cười. Hai lần bắt vợ không nên, gần sáu mươi mùa rẫy lại còn bắt nữa, cũng phải thấy xấu hổ chứ! Nhưng mà ngẫm lời già làng về cái khổ tuổi già ốm đau một mình, chết về làng ma một mình, thì cứ tìm đến chơi nói chuyện coi sao… Chà, Blúp đời sao buồn như cây lúa không mưa. Bắt chồng từ năm mười tám, giờ đã ba chục mùa rẫy vẫn không con cái. Là tại chồng Blúp. Về ở với nhau chưa đầy con trăng thì bỗng nhiên bị thần kinh, cứ đi lang thang trong làng, chán thì về phá nhà. Không biết làm sao, Blúp phải nhờ người xích vào cột nhà. Ngày thui thủi một mình lên rẫy, chiều về lại lặng câm như cái bóng, Blúp chịu buồn khổ hết mười hai mùa rẫy thì chồng sinh đau rồi về với làng ma…
Blúp nhỏ hơn Uếch gần ba mươi mùa rẫy. Thì cũng có sao cái chuyện đó! Cái chính là Blúp muốn có Uếch. Blúp nói: Đời Uếch đã khổ nhiều, đời Blúp cũng khổ nhiều, đến với nhau mới biết thương nhau. Đường trước mắt còn dài, đi một mình làm sao… Nghe Blúp nói thật chẳng khác gì người bị trói được ai lấy dao cắt dây cho. Cơn gió đời Uếch vậy là đậu lại nơi Blúp. Cứ tưởng cái vía yếu từ giờ sẽ bỏ Uếch, nào ngờ nó cứ như chờn vờn ám miết không tha. Khi con Pyeng được bốn mùa rẫy thì Blúp đau. Không biết bệnh gì mà lạ, trong ngực cứ như có con gõ kiến mổ rồi ho ra máu. Thầy cúng Rơ Ma Chênh đến lấy quả trứng gà đập ra đổ vào chén, qua đảo lại một lúc rồi bảo: Thế này là vợ mày bị con ma rừng nó ăn trong ruột, phải đập bò cúng cho nó ra ngoài thì mới hết được! Chẳng chần chừ, Uếch cho đập hai con bò, thêm một con heo, chục ghè rượu để thầy cúng. Xong việc, ngoài tiền công, Uếch còn phải tạ một gùi lúa to nữa, vậy mà xem ra con gõ kiến mổ trong ngực vợ lại nhiều hơn. Hỏi, thầy bảo: Vợ mày bị con ma rừng ăn đã lâu, phải cúng thêm nữa thì nó mới chịu. Nhà mày có của, lo gì.
Có lẽ nhà chỉ còn cây cột nếu Uếch không liều đưa vợ lên bệnh viện huyện. Hóa ra Blúp bị bệnh lao. Bác sĩ nạt: "Sao không đi viện sớm?". Được ba con trăng thì Blúp về với làng ma. Cũng từ đó làng Gloong không còn ai nghe tiếng đàn, tiếng chiêng Uếch nữa…
***
Ông Uếch biết nó từ hôm ở nhà ông Lui. Hôm đó ông Lui làm cái lễ mừng sức khỏe. Đám người già không sao nói chuyện được vì bọn trẻ làm ồn quá. Chẳng là vì chúng nó khoái tài của hai đứa bộ đội biên phòng. Quay phải cái đầu gà hơn chục "cang", hai đứa vẫn cứ tỉnh bơ. Đứa ít tuổi tên là Tặng xem chừng còn giỏi hơn. Cứ hết một cang nó lại ngửa mặt lên nóc nhà khà một hơi rồi "bắn" ra một câu bằng tiếng Jrai. Khoái quá, có đứa bốc cả doi thịt mỡ trong nồi cà đắng thả vào miệng nó. Phải ai quen mới ăn được món này, vậy mà nó cứ "ực" một cái như không…
Mấy ngày sau thì gặp nó như gặp người làng. Là vì đồn giao cho nó cắm làng làm dân vận mà. Gặp bữa, nhà nào mời nó cũng ăn. Cá nhét ống treo gác bếp, chuột khô nấu lá mì… thức gì nó cũng ăn được khiến ai cũng thích. Bọn thanh niên vốn đã khoái giờ càng khoái nó hơn. Thấy nhà chỉ hai cha con, nó xin ông cho làm nơi họp thanh niên. Ngày lên rẫy, cứ tối đến là chúng nó tập trung lại tập đàn, tập hát rồi bàn việc làm ăn. Chuyện uống rượu say nhè, gây gổ nhau bớt hẳn. Con Pyeng từ đó cũng thay đổi. Hồi trước trên rẫy về nó chỉ biết lui cui với cái bếp. Nhiều hôm đi ngủ cái chân lấm đất mà cũng biếng rửa. Ấy thế mà bây giờ đầu tóc nó khi nào cũng ướt như chải nước, hai má như hơ lửa. Thật cứ như Yang thay cho vía khác! "Pyeng nó muốn bắt anh Tặng đó chú Uếch ơi!". Nghe bọn con trai nói vậy, ông chỉ cười, bụng nghĩ: Được vậy thì tốt quá. Tốt cho nhà mình mà còn tốt cho cái làng Gloong này nữa. Nhưng mà hỏi thì con Pyeng cứ cười giấu, chẳng biết thế nào mà đoán. Thầy Rơ Mah Chênh cứ gặp ông là lại bảo: "Tao nghe con Pyeng nó muốn bắt thằng Tặng. Đừng có tin mấy thằng Juan nhé. Nó giả vờ ưng để làm con gái người ta có bầu rồi trốn. Chuyện đó tao thấy chán con mắt rồi. Đuổi thằng đó đi chớ lửa đã cháy đến nóc nhà thì đổ nước không kịp đâu". Ông nghe chỉ cười. "Chẳng là tại nó mà không ai mời ông cúng thuốc thư nữa chớ gì?".
Cái thuốc thư của thầy Rơ Mah Chênh mất thiêng, chuyện là thế này: Hôm đó ông Bdêng đi uống rượu về. Đến gần làng thì gặp bà Then đi ngược lại. Hơi rượu làm ông Bdêng muốn đùa nên vỗ mạnh vào vai bà Then mà cười: "Mạnh khỏe chớ?". Bà Then khoặm mặt, cố tránh mà không kịp. Chẳng phải Bdêng làm gì quá đáng mà bởi khá lâu rồi, thầy cúng Rơ Mah Chênh nói ông có thuốc thư. Đang vừa đi vừa lo, bỗng nhiên bà Then thấy nổi cơn đau bụng. Không ăn gì lạ, sao lại đau thế này? Thôi, chắc mình bị lão Bdêng bỏ thuốc thư rồi. Cái chân không bén đất, bà Then về nói để chồng hay…
Ông Bdêng bị thầy cúng Rơ Mah Chênh nói có thuốc thư, chuyện bắt đầu từ cái cọc rào. Rẫy Bdêng với Rơ Lan Bê ở sát nhau. Thấy cái cột lâu ngày đã mục, Bdêng chặt cây khác thay vào, thế nào lại cắm chệch chỗ cũ mấy gang tay. Bê ngang qua thấy vậy bảo: Rẫy mày rộng mà cái bụng mày chật, định ăn cắp đất tao nữa sao? "Chà, mình chỉ vô tình mà nó nói mình là thằng ăn cắp!", không kìm được, Bdêng chửi lại: "Cái lưỡi mày thích nói trắng thành đen, thế nào Yang cũng bắt mày chết cho coi!".
Tức lên thì nói cho hả giận, nào ngờ Bê chết thật!
Bê đau bệnh gì không biết nhưng không chịu đi bệnh viện, cứ ở nhà cúng. "Thằng Bê bị bệnh thật nhưng lâu rồi mà có chết đâu. Chỉ là Bdêng bỏ thuốc thư nó mới chết mau như vậy thôi" - nghe thầy cúng Rơ Mah Chênh nói thế, họ hàng Bê tin ngay. Không cãi lại được, Bdêng phải đền cho nhà Bê ba con bò, thêm một con heo để thầy Rơ Mah Chênh cúng… "Không bị bỏ thuốc thư, sao bỗng dưng bị đau bụng?". Chỉ nghe vợ nói thế, Hơt, chồng bà Then lập tức chạy đến nhà thầy Rơ Mah Chênh hỏi. Không sai! Hơt kêu thêm mấy người bà con cầm gậy đến nhà Bdêng. Không dám kêu, không dám chống, Bdêng cứ ngồi mà chịu trận. Nghe tiếng kêu, Tặng lập tức chạy đến. Bị mấy gậy vào người nó mới lôi được ông Bdêng ra. Rồi nó cùng mấy đứa thanh niên cấp tốc đưa bà Then đi bệnh viện. Bà bị đau ruột thừa. Mổ được mười ngày thì bà Then mạnh khỏe về nhà. Rơ Mah Chênh bị bà chửi từ chiều đến lúc con gà lên chuồng mà không dám nói lại lời nào…
Sau việc đó Tặng được coi chỗ dựa của làng. Thế mà bỗng dưng nó lại có quyết định ra quân! Làng Gloong ai cũng thấy như nhà mình bỗng vắng một người. Buồn nhất là bọn thanh niên. Tặng mà về, dự định đưa cây điều thế cây lúa rẫy biết làm sao... Làng này đất đai rộng cả mấy tiếng hú nối nhau nhưng toàn pha cát, từ đời ông bà chỉ trồng mỗi cây lúa rẫy. Thế nên hột lúa cứ như biết chạy. Mới tuốt lúa chưa được ba con trăng, làng đã có người đói rồi. Hột lúa chạy về đâu ai mà chẳng biết. Cái áo, cái quần, cả đến chiếc kẹo, cái bánh cho con cũng hột lúa. Mà hột lúa thì mỗi lúc một gầy. Nắng gió bao đời đã vắt kiệt đất rồi. Hột lúa chạy đi, con ma theo đến. Ai cũng biết nhưng chẳng ai biết phải làm gì. Tặng bàn với bọn thanh niên đưa cây điều ghép về trồng thử. Thiếu tiền mua cây giống, nó xin đồn hỗ trợ. Vậy là ba
héc ta cây điều ghép ra đời. Tính chưa được hai mùa rẫy đã cho bông bói. Thành công rồi! Mừng quá, bọn thanh niên nhất trí với nhau mùa mưa năm đến nhà nào cũng phải có một héc ta điều. Thiếu vốn, thằng Tặng nói sẽ có cách. Vậy mà bây giờ nó ra quân thì việc chắc bể chớ còn gì!
Thế nên buổi họp ở nhà ông hôm đó không đứa nào buồn nói. Tặng đến, ngạc nhiên quá hỏi. Biết rõ, nó phì cười: "Tôi có về quê đâu mà các bạn lo. Tôi sẽ ở lại đây làm ăn cùng các bạn". Cả đám ngớ ra nghĩ nó nói đùa. Tặng kể cho bọn thanh niên nghe: Nhà có năm chị em nhưng chỉ mình nó con trai. Thế nên ông già nghe nó muốn ở lại đã giẫy lên không chịu. Rồi khi nghe nói giờ đồn biên phòng và làng Gloong khiến chân nó không đi được, chỉ muốn ở lại đây làm ăn thì ông già nổi giận đùng đùng, nói nếu không chịu về sẽ từ mặt. Tặng buồn lắm nhưng nó tin rồi ông già sẽ hiểu… Bọn thanh niên nghe vậy thì nhảy lên reo hò muốn sập cả sàn nhà. Rồi lập tức chúng đi bắt gà về, làm ngay một bữa rượu mừng… Đấy, chuyện đến như thế mà ai ngờ được nó bỏ trốn, mất tăm như hòn đá ném xuống vực sâu…
***
Không chịu nổi bàn tay con gấu đang cào trong bụng nữa rồi, ông Uếch thấy phải đến nhà thằng Dem hỏi thử. Mới ba con trăng trước, cha mẹ thằng Dem làm cái lễ nhận Tặng làm con nuôi. "Cháu cũng đang nóng trong bụng đây. Anh Tặng đi cũng có nói gì với cháu đâu" - thằng Dem nói, giọng bực bội. "Đến thằng em mà nó cũng giấu, chắc là trốn thật rồi". Người như bị rã từng đốt xương, ông đứng lên lững thững đi về. Da trời đã chuyển màu xanh tái mà cái nắng như vốc lửa giữa mùa khô vẫn còn váng vất. Mùi nắng hanh heo khô giòn tỏa ra trên mỗi lối đi, mỗi chiếc cầu thang nhà nứt nẻ. Làng hôm nay sao bỗng dưng vắng, muốn thấy một người quen để vào chơi mà chẳng có ai. "Lại phải về chịu trận với tiếng khóc của nó thôi" - ông cố nén tiếng thở dài khi nhận ra mình đã đến sân nhà.
Nhưng vừa dợm bước chân lên cầu thang, ông bỗng đứng sững như bị ai ném hòn đá: Kia chẳng phải là tiếng thằng Tặng? Nín thở, ông nhón chân đến dưới gầm sàn buồng con Pyeng xem nó nói gì… Tiếng con Pyeng: "Sao anh đi mà không chịu nói với ai để người ta đồn lung tung?". Thằng Tặng: "Thì anh bị bất ngờ mà, lúc đó có gặp người quen nào để nhắn đâu". Rồi thằng Tặng kể… Thì chuyện là thế này: Hôm đó nó lên huyện xem giá cây giống thì tình cờ gặp anh bạn thân ở quê. Anh này có vốn khá, vào Bình Phước kinh doanh hạt điều và giờ là ông chủ có tiếng trong đó. Biết ý định trồng cây điều của Tặng, anh mừng nói: Nếu dân làng chịu trồng điều, anh sẽ cung cấp cây giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Để chắc chắn, anh hứa sẽ lên ký hợp đồng với xã… Rồi sẵn xe, anh kéo luôn Tặng vào Bình Phước thăm cơ ngơi cho biết. "Còn người ta thì ngày nào cũng đổ nước mắt" - tiếng con Pyeng. "Thôi, giờ anh đền" - thằng Tặng cười. Rồi tiếng đấm tay thùm thụp của con Pyeng: "Bỏ cái tay ra coi".
"Lão Chênh ơi là lão Chênh! Chuyện như thế mà lão mang cái mồm đi khắp làng nói lung tung". Máu dồn lên mặt, ông rút soạt thanh củi định đến nhà cho lão một trận. Vừa dợm bước lại nghĩ thôi. Rồi làng sẽ trị tội lão ta… Nhưng mà đang vui thế này phải làm gì nhỉ? Chợt nhớ cái đàn goong của ông tháng trước bọn thanh niên đã đem sửa lại. Chà, từ lúc con Pyeng mới được hơn bốn mùa rẫy tới giờ mới cầm đến nó đây!
"Ông già hôm nay làm sao thế nhỉ?". Tiếng đàn vừa bật lên ông đã nghe tiếng con Pyeng thì thào: "Đang không lại mang đàn ra chơi. Mà xưa nay có thấy ông chơi đàn bao giờ. Hay tại già rồi nên sinh trái tính…".
Bình luận (0)