- Nhìn kìa!
Cả bọn nhìn theo tay người vừa nói và sững sờ khi bắt gặp một cảnh tượng lạ: dưới bãi biển hoang sơ phía xa xa, có một người đàn bà khỏa thân đang chơi đùa trên cát. Tấm thân của chị ta đẹp đến nao lòng nhưng mái tóc rối bù và hành vi thì không được bình thường cho lắm. Chị ta cứ đuổi theo con sóng rồi thỉnh thoảng cười ré lên.
Trời sắp mưa, nhóm bạn nhanh chóng thu xếp đồ đạc để vào trú mưa trong ngôi chùa gần đó. Bất chấp mọi chuyện, ngoài kia, người đàn bà vẫn thản nhiên nghịch cát. Lần này, chị ta còn ôm vào lòng một cái túi ni lông hình như trong đó đựng vài bộ quần áo của ai đó bỏ quên rồi khóc nức nở. Mặc trời mưa xối xả, chị ta vẫn một mình ngoài bãi biển. Mưa rửa trôi hết những vệt cát trên người chị để lộ một làn da trắng mịn. Một cậu nam sinh trong nhóm là sinh viên trường Mỹ thuật không bỏ lỡ dịp may hiếm có bèn đem giấy bút ra vẽ. Chỉ một loáng sau, một bức tranh hoàn thành trong vẻ mặt tâm đắc của chàng nghệ sĩ trẻ.
Trời vẫn mưa và người đàn bà vẫn đứng dưới mưa ra chiều thích thú. Lần này, chị ta đang tắm mưa.
Bây giờ thì sự tập trung của đám thanh niên lại là bức vẽ. Nhìn người đàn bà hoang dại trong tranh, họ thì thầm bình luận. Có người lên tiếng nhận định: "Người đàn bà này chắc hẳn có điều gì đó uẩn khúc, nếu quan tâm và biết cách chữa trị thì bệnh chắc là khỏi. Khuôn mặt đẹp của chị ta trông hiền từ và mang một vẻ gì u uẩn".
Trời tạnh mưa, đám thanh niên chuyển sự tập trung từ bức tranh ra bãi biển và không còn nhìn thấy người đàn bà đâu.
Họ rời chùa vào những nhà dân gần đó. Khi họ hỏi về người đàn bà thì không ai biết gì về lai lịch của chị. Người ta chỉ nói rằng: đã nhìn thấy chị ta đến đây dăm hôm, khi thì chị đi xin ăn ở chợ, khi thì đi lang thang trong làng và tối về thì vào chùa tá túc. Có một điều lạ là hễ nhìn thấy trẻ con là mắt chị ta sáng lên, chạy lại đòi bồng và luôn miệng gọi: Con ơi! Con ơi!
Nhóm sinh viên trở về thị trấn. Nơi họ vừa rời đi là bãi biển Bình Ba, tuy không nổi tiếng nhưng sạch nên dân trong vùng vẫn thường đến đây nghỉ mát. Chưa có nhà hàng, khách sạn nên đám thanh niên vẫn đem lương thực, thực phẩm kèm theo và sau khi nô đùa trên bãi biển, họ tìm một nơi thích hợp tự nấu ăn rồi quây quần bên bữa ăn dã chiến.
Trước lúc chia tay, họ hẹn gặp gặp nhau ở quán cà phê Cây Xoài vào 8 giờ tối.
Quán cà phê Cây Xoài nằm ở trung tâm thị trấn. Vừa ăn cơm xong thì Hưng, chàng họa sĩ của nhóm đã vội vàng xin phép ba mẹ đến điểm hẹn. Mẹ Hưng nói:
- Sao mới đi khi chiều lại còn đi nữa hả con?
- Dạ, tụi con có việc cần bàn mẹ ạ.
Hưng là con thứ trong nhà. Ba Hưng đến từ một tỉnh miền bắc trung bộ. Ông đến đây lập thân và mang theo một cô con gái với người vợ cũ. Thấy ông hiền lành, chăm chỉ nên ông chủ xưởng nước mắm Vạn Hương rất quý. Hỏi về gia cảnh thì ông lảng tránh. Lâu dần, có vài cô trong xưởng cũng đem lòng thương anh chàng gà trống nuôi con tên Hiển này nhưng ông vẫn lạnh lùng không đến với ai.
Rồi một lần, cô con gái tên Mai của Hiển bị sốt cao. Căn phòng nhỏ gần xưởng mắm của hai bố con không có bàn tay người phụ nữ nên rất bề bộn. Hôm đó, con gái bà chủ tên là Hoài đi ngang qua ghé vào để xem cuộc sống của công nhân nhà mình như thế nào thì phát hiện ra Mai đang lên cơn sốt.
Thế là từ đó, Hoài để tâm đến hai bố con luôn. Hoài cũng có hoàn cảnh éo le khi lấy chồng được nửa năm chưa kịp có con thì chồng đột tử, cô về nhà cha mẹ đẻ phụ giúp ba trông coi xưởng nước mắm. Hoài thấu hiểu hoàn cảnh của từng người làm trong xưởng. Riêng anh chàng Hiển này thì Hoài gần như chẳng biết gì ngoài cuộc sống bày ra như vốn có.
Con người ta không phải là gỗ đá. Sự quan tâm chia sẻ của Hoài cũng làm Hiển động lòng. Trong một lần gặp Hoài, Hiển tâm sự: "Vợ chồng tôi lấy nhau sinh được cô con gái này thì gặp chuyện. Lần đó, tôi đi biển gặp bão, may sống sót dạt vào được một hòn đảo nhưng không nhớ gì. Được một gia đình nuôi ăn ngày ba bữa. Tôi ở lại phụ giúp gia đình họ làm lụng. Họ chỉ tôi làm thì tôi làm chứ không linh hoạt như trước. Được năm năm thì trí nhớ tôi dần dần hồi phục. Chủ nhà cho tôi tiền để tìm về quê. Chưa kịp mừng sự đoàn tụ thì biết vợ tôi đang có bầu với chính ông anh họ góa vợ. Tôi buồn chán nên đưa cô con gái vô lại gia đình đã cưu mang mình. Ở đó một độ thì tôi vô đây làm nước mắm để được thường xuyên gần con".
- Vậy gia đình cưu mang anh có gần đây không?
- Ở ngoài đảo Bình Ba đó cô chủ.
- Anh đừng gọi tôi là cô chủ, gọi tên là được rồi.
Một thời gian sau thì Hiển và Hoài chính thức là vợ chồng.
Từ đó đến nay đã là 20 năm. Hưng, cậu con trai chung của họ đã là sinh viên trường Mỹ thuật.
***
Nhóm bạn đã tề tựu đầy đủ ở quán cà phê Cây Xoài. Hưng lên tiếng trước:
- Tụi mình phải lên kế hoạch tìm hiểu và giúp người đàn bà trên bãi biển hồi chiều bình phục.
Hường, nàng "công chúa" nổi tiếng "chảnh" đáp trả:
- Ai rảnh thì người đó tự lo một mình đi nha. Riêng tụi này không rỗi hơi đi lo chuyện người khác đâu nha.
Nhưng Huyền, cô bạn gái thứ hai lại ủng hộ:
- Ý kiến của Hưng tốt lắm đó. Mình ủng hộ.
- Đề nghị biểu quyết.
- Bằng cách gì?
- Giơ tay.
- Đồng ý.
Kết quả biểu quyết là 4/6 người đồng ý và cả nhóm ra "nghị quyết":
- Bốn người đồng ý sẽ cùng nhau thảo luận lên kế hoạch hành động còn hai người không giơ tay thì tùy ý nhưng không được cản trở công việc của cả nhóm. Ngày mai bắt đầu vào việc. Trong dịp hè phải hoàn thành nhiệm vụ.
***
Làng chài Thủy Triều lại đón nhận một nhóm bạn thanh niên đến và đi mỗi ngày. Buổi sáng, họ đến, tự giới thiệu là sinh viên tình nguyện và bắt đầu tìm hiểu người đàn bà hôm nọ. Bắt đầu từ sự quan tâm nhỏ như việc ăn uống đến quần áo, đầu tóc. Sự quan tâm của họ đã làm hình ảnh người đàn bà thay đổi. Họ phát hiện ra người đàn bà thường lên cơn vào buổi chiều tà, khi đám trẻ ở điểm trường mầm non gần đó ra về qua nơi chị tá túc, nhìn những đứa trẻ được cha mẹ tay trong tay tình cảm thì chị lại khóc và sau đó là chị đi ra bãi biển gọi tên con. Còn thời gian còn lại, chị ta trông cũng không khác người thường nhiều lắm.
Phát hiện ra quy luật này, nhóm bạn trẻ bèn nhờ người dân trong làng giúp đỡ. Một đứa trẻ trong làng được thường xuyên đưa đến cho chị ẵm bồng. Chị thấy trẻ con thì vui hẳn lên. Chị chăm bẵm và nâng niu như là con ruột vậy. Người mẹ của đứa trẻ nghe theo lời đề xuất của nhóm bạn đã đồng ý cho chị về nhà mình trông nom đứa trẻ. Bởi thấy chị cũng không gây nguy hại gì cho con mình lại có người trông nom giúp nên chị đồng ý. Chồng chị đi biển dài ngày một tháng mới về cũng không ngăn cản.
Một tháng rồi hai tháng qua đi, cộng thêm với chuyên môn y khoa năm thứ 4 của một thành viên trong nhóm. Người đàn bà trên bãi biển đã dần dần hồi phục. Quá khứ của chị được tiết lộ. Tên của chị là Tâm, năm nay đã ngoài 40 tuổi.
***
Tâm lập gia đình từ năm 19 tuổi. Hai vợ chồng tuy khác làng nhưng cùng gắn bó với biển. Họ yêu nhau từ năm 17 tuổi. Hiển, người yêu của chị là một chàng trai hiền lành chăm chỉ. Họ tình cờ quen nhau trong một lần Tâm đi mua cá về làm nước mắm. Những thùng nước mắm của nhà Tâm làm ra đều được mẹ chở lên miền ngược tiêu thụ. Mỗi năm họ làm ra hàng trên nghìn lít. Hiển là con nhà nghèo, đông anh em trai nên đã phải lam lũ từ nhỏ.
Lần đó, sau một tuần đi biển, vì chủ thuyền không bán được cá nên phát cho thuyền viên mỗi người một tạ cá. Hiển đang lóng ngóng với mớ cá ngoài chợ thì Tâm đến. Không mặc cả gì, hai bên nhanh chóng trao đổi và Tâm còn nhờ Hiển mang cá đến tận nhà, và thế là họ quen nhau.
Những lần mang cá đến cho nhà Tâm cứ nhiều lên mãi. Lần đó, đến nhà Tâm mà chẳng thấy ai, nhìn qua khe cửa thấy Tâm đang thay đồ. Tấm thân gợi cảm của cô bạn hàng đã làm Hiển ngẩn người không nói được gì. Mãi đến khi Tâm cất tiếng thì Hiển mới chột dạ:
- Anh Hiển, anh đến lâu chưa?
- Vừa đến… - Hiển lúng túng không giấu được vẻ ngượng ngùng đỏ mặt.
Năm đó, Hiển mới 19 tuổi.
Đến năm 20 tuổi thì Hiển chính thức là chồng của cô bạn hàng tên Tâm 19 tuổi.
Ba năm sau, trong một lần đi biển thì Hiển gặp nạn.
Trận bão đó có mấy người làng mất tích. Hiển cũng nằm trong số đó. Khi đó, con gái họ đã hai, ba tuổi. Tâm khóc cạn nước mắt và suy sụp đi sau đó. Trong làng có người anh họ tên Tài là chủ tàu làm ăn khấm khá. Anh hơn Tâm mười tuổi. Trước đó, vợ anh mất vì ung thư. Cám cảnh cho cô em dâu họ sớm góa bụa, Tài vẫn để tâm giúp đỡ. Những lon nước mắm của Tâm được Tài cho cá về làm mà chưa phải trả tiền ngay. Rồi cái gì đến cũng sẽ đến. Bốn năm sau, họ làm bạn với nhau.
Khi Hiển tìm về làng chài và biết sự tình thì thất vọng ôm con ra đi. Tâm, vì cú sốc này mà sảy thai rồi không sinh con được nữa. Hai mươi năm sau, khi Tài bị tai biến mạch máu não qua đời thì Tâm trở nên trầm lắng hẳn. Chị lên đường đi tìm con và người chồng cũ. Tìm mãi không thấy con, chị hóa điên.
***
Một năm sau. Nhóm bạn sinh viên ở thị trấn Ba Lạch lại nghỉ hè. Họ tìm đến làng chài Thủy Triều thăm lại người đàn bà năm ngoái.
Một mái nhà nhỏ mới được dựng lên. Chị Tâm ở trong đó luôn bận rộn với những đứa trẻ. Chị nhận giữ trẻ cho các bà mẹ bận việc trong xóm.
- Chị không về lại quê nữa đâu. Chị ở đây mới nguôi ngoai được chuyện cũ.
- Hay là chị về giúp việc cho nhà em nghen.
Huyền, cô bạn gái trong nhóm đề nghị.
- Để hết năm nay chị tính. Vì sang năm thì chỉ có một cháu cần gửi chị trông nên chị cũng không làm đây lâu được nữa.
Lại thêm một năm nữa. Nhà Huyền đón nhận chị Tâm về giúp việc. Ba Huyền làm nghề nuôi tôm. Mẹ Huyền ốm nằm liệt giường đã hai năm nay. Có người về giúp việc, ba Huyền đỡ vất vả. Những vụ tôm trúng lớn làm cả nhà càng quý chị Tâm hơn.
Một năm sau thì mẹ Huyền mất. Trước khi nhắm mắt, bà nhắn nhủ Huyền: con phải coi chị Tâm như mẹ, mẹ đã nói với ba và chị Tâm rồi. Hai người đã đồng ý gá nghĩa với nhau để mẹ yên tâm không phải lo cho các con và ba con ở lại nữa.
***
Hưng và Huyền ra trường được hai năm thì dự định làm hôn lễ. Bây giờ, mẹ Tâm đã thay mẹ ruột quán xuyến việc nhà. Khi Huyền thông báo cho ba mẹ chuyện đại sự thì bên nhà Hưng cũng đã chuẩn bị sẵn.
Đám hỏi được tổ chức vào một ngày đẹp trời. Khi họ nhà trai bước vào thì ông Hiển và bà Tâm đã nhận ra nhau. Họ im lặng để cho mọi việc diễn ra như dự tính.
Và có lẽ, họ sẽ im lặng cho đôi trẻ sống trong hạnh phúc.
Bình luận (0)