Hai ông già trong con phố nhỏ - Truyện ngắn dự thi của Trâm Oanh

Trâm Oanh
Đồng Nai
10/10/2024 16:00 GMT+7

Đang là mùa hạ, mới sáng sớm nắng đã gay gắt. Chín giờ, đủ để nắng xô bồ, hung hãn giần giật chạy và điên cuồng nhảy múa. Một mùa hè nắng nóng đặc biệt khắc nghiệt.

Mặt đường nhựa bụi mù và như bốc khói; nhà ở mặt tiền, chỉ cần hé cửa là thấy ngay mùi khét lẹt của nhựa đường bị nung chảy xộc vào nhà.

Giữa trưa đứng bóng, không một ngọn gió, nắng im phăng phắc, trút lửa. Cây xanh hai bên đường ủ rũ, khép tán lá tối đa để chống chọi với nắng. Từ trong nhà nhìn cố định một điểm, chỉ một lát sẽ thấy không gian như rung rinh, rung rinh; cảm giác người, vật đi dưới nắng bị bẻ gấp khúc, cong cong và nhìn một hồi, thấy mắt mình bắt đầu hoa lên. Nắng, nóng là vậy nhưng công việc vẫn không thể dừng lại. Mỗi sáng sớm, dòng người vẫn hối hả trên mọi nẻo đường phố, nhà chỉ còn những người già.

Hai ông già, già cóc, dáng vẻ bên ngoài hoàn toàn trái ngược, ước chừng đều gần chín mươi và cùng xuất hiện trong khu phố vào những ngày hừng hực nóng. Ông già Nam bộ là dân Cù Lao Phố, ngày trước ông làm tài xế cho Quân đội Quốc gia, có cô con gái làm nghề hớt tóc, trang điểm ngay đầu hẻm. Ông còn có con trai là Việt kiều Mỹ, ông gọi là thằng Đen.

Ông già Bắc bộ rõ là dân Hà Nội, trước ông đi dân công hỏa tuyến chiến dịch Điện Biên Phủ rồi gia nhập đoàn Giải phóng quân, ông có con trai cũng theo binh nghiệp của cha. Ông còn có một con trai khác bị nhiễm chất độc da cam, mỗi khi gọi tên đứa con thiệt thòi, giọng ông lại chùng xuống, đầy trìu mến: thằng Dioxin.

Ngày đầu, ông Hà Nội nhìn ông Cù lao, thấy thân hình béo núc lại chuyên ở trần, cặp mắt híp lại vì các túi thịt mi trên và mi dưới mắt đã dầy lên khiến hai mí mắt chụm vào nhau. Bước đi rề rà chậm chạp, lúc nào cũng kè kè điếu thuốc lá cháy dở trên môi và nhâm nhi cà phê không phân cữ. Ban ngày, ông già to lớn kê chiếc ghế gỗ to xù, ngồi trước cửa, thi thoảng đi ra đi vào trong hẻm, gặp ai qua lại cũng gật đầu nhè nhẹ chào.

Ngày đầu, ông Cù lao thấy ông Hà Nội ấn tượng: người gì mà nhỏ thó quắt queo; coi chừng tính tình cũng dễ… nhỏ nhen à nha. Bằng chứng là lúc nào cũng lui cui mấy chuyện đâu đâu: quét tước, dọn dẹp, trồng trọt, sửa sang. Đặc biệt là "sở thích" mỗi sáng sớm, khi những cánh cổng còn im ỉm khóa đã thấy ông già nhỏ bé xách cây chổi đi quét hè phố; hết phố, dường như chưa "đã tay", ông già còn đi vào con hẻm quét tiếp, cho dù nhà nằm rành rành mặt phố mới.

Cả hai ông già chỉ có một mình, con cháu bận việc tối ngày hoặc ra khỏi nhà từ lúc sáu giờ ba mươi để tránh kẹt xe. Bởi vậy, cả ngày hai ông già đều tha thẩn vào ra. Cũng muốn gặp nhau nhưng còn giữ ý, chưa giao lưu. Họ là người "phía bên kia", nghe mang máng vậy, sợ say chuyện, lỡ miệng nói hố lại thành… già mà còn làm đau lòng nhau.

Hai ông già trong con phố nhỏ - Truyện ngắn dự thi của Trâm Oanh- Ảnh 1.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Đại lễ mùng 2.9 năm nay được nghỉ những bốn ngày. Nhưng hôm ấy chẳng hiểu sao con, cháu hai nhà đều đi vắng. Sáng sớm, ông Hà Nội hí húi kiếm cờ để treo. Nhớ quá thời dân công hỏa tuyến, hơn bảy mươi năm đã qua, vẫn nghe âm hưởng hò kéo pháo rộn trong lòng. Và việc treo cờ gắn kết hai ông già lại.

Ông Hà Nội thấy chỗ treo cờ có gắn một đoạn ống tuýp sắt nơi cổng lớn nhưng ông không thể với tới. Ông đi bộ đội giải phóng quân, hạnh phúc nhất là được nhìn lá cờ tung bay trên vị trí cao nhất, ngạo nghễ và tự hào. Cái cột nơi cánh cổng ngày thường tưởng là thấp, giờ có việc cần mới thấy vời vợi cao. Loay hoay một hồi ông vẫn không biết làm sao. Ở nhà ông cái thang tre là thứ bắt buộc phải có còn ở đây thì chịu, ông nhìn ra đường nhưng người và xe vẫn vun vút đi. Ông nhìn về phía nhà ông Cù lao, hy vọng.

Lúc ấy ông Cù lao đang ngồi uống cà phê sáng như mọi ngày. Chợt thấy ông Hà Nội băn khoăn vào ra, ông Cù lao tiến lại làm quen rồi tình nguyện giúp ông bạn già treo cờ. Nhà ông Cù lao có cái ghế gỗ cao, rất chắc; hai ông già khệ nệ khiêng ra, đặt ngay trước cổng. Ông Cù lao vịn hai bên chân ghế lắc lắc để thử độ cân bằng. Lắc một chặp, hình như ông lão không đủ tự tin trèo lên. Tự nhiên ông Hà Nội lo cho ông Cù lao, ông ấy to lớn thế, lại tính trèo lên ghế, lỡ có chuyện gì. Vậy là ông xung phong làm người trèo leo dù về tuổi tác ông hơn ông Cù lao đến sáu tháng.

Ông Cù lao cười nheo nheo, tui với anh treo cờ vần công nha anh. Anh treo cờ làm tôi cũng lây niềm tự hào của người dân nước Việt. Mà bên tôi, bên anh chỉ cách nhau một đoạn phố, hà cớ gì bên anh có, tôi không. Anh nhỏ lại lanh lẹn lẹ làng, anh treo cờ, tui giữ ghế. Họ vui vẻ làm theo sự phân công. Xong việc nhà ông Hà Nội, hai ông già lại kéo sang nhà ông Cù lao. Họ giúp nhau treo hai lá cờ trên vị trí trang trọng nhất, cao nhất trước cửa nhà. Hai lá cờ phần phật bay trong nắng sớm.

Câu chuyện hậu treo cờ nổ giòn ngay sau đấy và rỉ rả sang suốt những ngày sau, lúc thì ở ga-ra nhà ông Cù lao - giờ chuyển thành anh Bẩy - lúc lại chuyển sang gốc cây mận già nhà ông Hà Nội - giờ chuyển thành anh Năm. Nếu như ông Năm tập pha cà phê mời bạn thì ông Bẩy đi mua trà Thái Nguyên về pha trong bình đất nung mời khách sang chơi. Ai say sưa với câu chuyện của người ấy, cứ nói, cứ kể và nghe luẩn quẩn loanh quanh kiểu nhớ đến đâu kể đến đấy nhưng xâu chuỗi lại vẫn là một câu chuyện đời mạch lạc, hai ông già chẳng cần quan tâm đến chuyện mình từ hai chiến tuyến, cứ thản nhiên kể câu chuyện nằm lòng của mình.

Ban đầu, ông Năm cũng tự ái vì ông bạn gọi bộ đội giải phóng ngày xưa là Việt cộng, có khi lại gọi là "mấy chả trong rừng" nhưng biết chẳng có ác ý gì nên lại thấy hay hay.

Ban đầu, ông Bẩy buồn buồn khi ông bạn già say chuyện gọi lính Cộng hòa, nhưng hết ngày rồi hết tuần, họ thành đôi bạn tâm đồng, say nhau như trẻ mới yêu, cùng say sưa tái hiện những ngày đã được gọi tên thành "lịch sử".

Hai ông già trong con phố nhỏ - Truyện ngắn dự thi của Trâm Oanh- Ảnh 2.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Ngày trước tui là tài xế xe tải cho quân đội quốc gia, hòn tên, mũi đạn nhiều vô kể. Xe tui chở lương thực, thực phẩm và thiết bị y tế mà chẳng hiểu sao chiến tranh nó chừa mình ra. Tôi có thằng con lai, bà ấy lượm về lúc chúng tôi đã có năm đứa con nhằm khi tôi đi vắng cả tháng trời. Cái hình hài đen thủi đen thui như thể con mèo đen nằm quơ quào chân tay trong thùng giấy và oe oe khóc làm bà ấy động lòng trắc ẩn. Tây hay ta, da đen hay da vàng thì lúc mới chào đời cũng khóc oe oe ông ạ. Đời trớ trêu, thiên hạ nó đồn tôi lái xe cho Tây, bà ấy lấy Tây đen sinh ra thằng con da màu. Cái thằng hình hài Tây nhưng ở với mình lâu ngày nó mang máu Việt. Nói thiệt, lúc đi về thấy thằng nhỏ đen nhức mắt nằm trong nhà tui chỉ muốn mang bỏ đâu đó. Nhưng bà ấy kêu mến tay mến chân, thương nó giọt máu từ bên kia đại dương dạt qua mà không người thừa nhận. Nó biết thân phận nên dễ tính, chắc dễ như con mẹ nó. Nó lớn lên cũng khổ, vì cái hình hài đen đúa của nó. Nhưng bầy con tôi biết thương, coi nó như ruột thịt và bảo vệ nó. Ông ở đây, tết này nó về, tui kêu nó hát cải lương cho ông nghe. Nghe Tây hát cải lương, hát điệu buồn phương Nam nhả câu nhả chữ luyến láy, lên cao xuống thấp y tài tử nó đã lắm ông à - ông Bẩy khoe, hơi kiêu kiêu.

Nó đen đúa nhưng con vợ đẹp, nó lấy vợ vào cái thời người ta nhớn nhác bỏ quê bỏ xứ ra đi tìm miền đất hứa. Con nhỏ và gia đình nó máu mê xuất ngoại, nên xả thân nhào vô, thằng Đen thì sướng bằng lên tiên còn gì. Sang bển, mới ấm chỗ thì nó đi lấy chồng khác. Nó lấy con mình vì mục đích riêng của nó, tiếc làm gì ha ông? Tôi nghe đâu mấy chị em thằng Đen mở chuỗi thương hiệu gì đó, sẽ tạo lập cơ sở vững chắc để chờ một ngày nào đó thằng Đen hồi hương. Thấy nó thương nhau như máu mủ ruột rà, tui với bà ấy mừng lắm, ông à. Giờ tui chỉ mong nó kiếm được đứa thương nó thiệt tình mà làm bạn nhưng thấy nó còn lơ đễnh lắm...

Cuối năm bảy lăm, gia đình tui đi kinh tế mới, trừ con gái lớn vẫn ở lại thành phố. Được cấp đất đai, tập sản xuất, khổ dữ dằn nhưng dần dần cũng quen rồi tích cóp tiền bạc mở rộng diện tích. Nhà mình con đông mà, nông dân không đất lấy gì mà sống. Nay thì đất đai nhà tui cỡ địa chủ rồi, chừng nào sắp xếp được, tôi xin mời ông về quê chơi.

Ông Năm hay nói về thằng Dioxin. Nó sinh năm 1978, nhỏ nhất trong 5 đứa con tôi. Hồi bà ấy sinh ra, nó cũng lành lặn khỏe mạnh như bao đứa khác và kịp học hết lớp năm. Nó là đứa sáng dạ nhất. Rồi thời gian biến nó thành người có đời sống thực vật. Thằng Dioxin ở lại nhà với hai thân già. Nhưng thằng này cũng biết thương mẹ, thương cha, cũng biết nề nếp, nếu không hai cái thân già biết xoay xở thế nào. Hồi nó đổ bệnh rồi liệt giường, vợ chồng tôi đau buồn mãi, mình có làm việc gì thất đức để con mình phải gánh chịu như thế. Nhưng nghĩ lại thì tại chiến tranh, chiến tranh có cho và có lấy đi của người ta nhiều thứ. Sai lầm của tôi, của thế hệ những anh bộ đội vào Nam như tôi là biết mình nhiễm chất độc hóa học mà vẫn sinh đẻ thêm con cái. Mà đúng ra thời ấy mình không hiểu cái thứ thuốc hóa học ấy nó khủng khiếp đến thế.

Tôi với bà ấy ở nhà trông nom thằng Dioxin và nhận "lương" của các anh chị nó gửi. Chúng nó cũng áy náy vì không giúp được bố mẹ chăm em nhưng con mình nó có cuộc sống của nó mà mình cũng còn sức khỏe. Thời chúng nó còn bé, mình không chăm bẵm được thì giờ già chăm con bù lại. Ông Năm tự an ủi thế nhưng mắt rân rấn làm cho ông bạn già mắt mũi cũng lèm nhèm theo.

Ừa, chiến tranh mà, ông Bẩy gật gù. "Chúng ta đều đã già rồi - ông Bẩy nói với giọng điệu trầm ngâm, mắt nhìn xa lắc - Nếu tôi sinh ngoài Bắc, anh chào đời trong Nam biết đâu anh lại có thằng Đen còn tôi có thằng Dioxin!". Hai ông già tưởng tượng, mủm mỉm cười rồi rũ rượi ho, rồi lại nhẩn nha cười mãi.

Trời thương cho mạnh khỏe, đến đại lễ Quốc khánh kỷ niệm chín mươi năm thành lập nước, rồi kỷ niệm bảy mươi lăm năm giải phóng Điện Biên, tôi và anh sẽ ra Hà Nội. Nay anh có bạn ngoài Hà Nội rồi, chỉ cần hai tiếng đồng hồ, chúng ta sẽ có mặt ở thủ đô. Còn lên Điện Biên Phủ đã có đường bay nối liền Sài Gòn - Điện Biên. Mình đi cho thỏa chí tang bồng lần cuối anh Bẩy ạ - ông Năm "rủ rê" y như thời tuổi trẻ ham chơi. Tôi sẽ dẫn anh đi thăm Hà Nội, đầu tiên là con đường gốm sứ dọc triền đê sông Hồng, để anh sẽ thấy cái duyên của gốm Bát Tràng quê tôi cũng chẳng thua gì gốm Cù lao xanh ngọc của đất Biên Hòa quê anh…

Cứ vui vẻ, thuận hòa vừa nhẹ lòng mình, vừa làm gương về tình làng nghĩa xóm cho cháu, cho con. Cứ như thế, biết đâu mai này người đời sẽ mãi còn nhắc nhớ về một tình bạn già, phía đầu con hẻm mang số 43, con phố có hai ông cụ già.

Hai ông già trong con phố nhỏ - Truyện ngắn dự thi của Trâm Oanh- Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.