'Gieo' yêu thương nơi cửa bể

Đình Giang
Thanh Hóa
07/10/2024 09:00 GMT+7

"Nam ơi, lên đường nào!". Giọng anh Bảy thúc giục. 17 giờ 30, khi cái nóng của xã miền biển Ngư Lộc (Thanh Hóa) đã dịu, hai người đàn ông trạc 40 tuổi lại đóng cửa tiệm tranh, lọc cọc trên chiếc xe đạp cũ kỹ lượm nhặt ve chai, đồng nát…

Thoáng qua, ai cũng nghĩ cái nghề đồng nát hẳn "hốt" ra bạc, ngay cả cánh mày râu, sức dài vai rộng cũng tranh thủ để làm!


anh Bảy tất bật sau một ngày đi nhặt phế liệu

Anh Bảy tất bật sau một ngày đi nhặt phế liệu

ẢNH: Đ.G

Có mặt, ngỏ ý xin một buổi theo chân cùng các anh. Vậy là chiều hôm đặc biệt ấy, có 3 người đàn ông, rong ruổi trên 3 chiếc xe đạp hành nghề ve chai, đồng nát…

Chiếc xe anh Nam, anh Bảy mượn cho tôi tốt hơn, đạp nhẹ, cũng ít tiếng lọc xọc hơn. Xe của anh Nam, phía sau có một chiếc thùng xốp với dòng chữ: "Xin tặng cho mình lon chai vỏ nhựa để tặng hoàn cảnh khó khăn! Mình xin chân thành cảm ơn!", bên hông là 2 chiếc bì treo lủng lẳng.

Xã biển Ngư Lộc là một trong những địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước. Đất chật, người đông nên những con đường, ngõ ngách ở đây cũng mang đặc trưng nhỏ, hẹp.

Anh Nam nói: "Người đi trước, người đi sau. Hẹn nhau một chỗ rồi chia ra mà đi".

Tôi không thạo đường nên theo anh Nam. Anh Bảy thì rẽ hướng khác. Vừa đi anh vừa ngó nghiêng, nhìn vào những túi rác trước cổng các gia đình xem có lon chai nhựa nào bỏ không, để lượm.

Thực tế, việc lượm nhặt thì ít mà người dân gọi cho thì nhiều. Nhất là các quán xá đồ ăn, đồ uống...

Hôm nay, anh Nam nói chỉ đi trong xã cho gần. Khách (tôi) đỡ mệt!

Sau 40 phút, anh Nam dẫn tôi vào quán nước chè ven đường, bảo là của nhà chị họ: "Nghỉ làm cốc nước, chờ anh Bảy rồi mình lại đi tiếp!".

Anh Nam  ngoài cùng bên trái

Anh Nam - bìa trái được bà con ủng hộ, dành nhiều tình cảm quý mến

ẢNH: Đ.G

Gọi là quán nước cho sang, chứ cái góc con hẻm nho nhỏ chỉ trưng được chiếc ô dù, kê được cái bàn và vài ba cái ghế nhựa là hết. Ấy thế mà đông khách lắm! Chỉ nhờ bán nước chè và vài ba đồ lặt vặt, thu nhập của bà chủ quán góa phụ này nuôi cả một gia đình với 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn.

Nhấp ngụm trà, tôi tò mò hỏi anh về lý do lựa chọn công việc ý nghĩa này. Anh Nam cho hay: "Việc thu gom ve chai, phế liệu bán lấy tiền hỗ trợ người nghèo tại địa phương vừa ý nghĩa lại bảo vệ môi trường. Đây cũng là việc phù hợp với sức của mình, nó cũng giúp mình tập thể dục nâng cao sức khỏe".

Thời gian đầu, anh Nam nhớ, đi đến đâu lượm nhặt ve chai người dân cũng tò mò, dò hỏi đến đó. Nhiều câu hỏi thú vị, như chị Hiền 30 tuổi, xóm trên chẳng hạn. Sau khi cho hai anh chiếc can nhựa thì không quên vỗ vai, dò hỏi:

- Hai anh làm một tháng thu nhập được bao nhiêu? Có lẽ em cũng bỏ làm công nhân theo nghề các anh cho nó thoải mái cái đầu!

Hay trường hợp bà Liên 57 tuổi, xóm dưới, sau khi cho cái gác-đờ-bu của chiếc xe đạp hoen rỉ, thì tỉ tê:

- Hỏi thật hai chú làm nghề này thu nhập được không. Tuổi tôi chả nơi nào nhận việc, đi bóc tôm cho mấy hộ dân trong xóm mà thù lao chẳng được là bao!

Bên cạnh đó, cũng có không ít sự mỉa mai:

- Sức dài vai rộng đi làm cái nghề nhặt ve chai.

- Chắc mấy gã đang mơ làm "đại gia đồng nát" đây mà!".

Chẳng lý giải nhiều, hai người đàn ông vẫn cứ mỉm cười mà gắn bó với nghề, với những câu rao dõng dạc: "Cô - dì - chú - bác, ai đồng nát, ve chai… cho xin làm từ thiện!".

Có người nói, mua rẻ người ta còn không bán, chứ xin xỏ thì ai cho! Quả vậy, những ngày đầu bắt tay công việc đi nhặt ve chai, phế liệu gây quỹ từ thiện, anh Nam, anh Bảy có khi cả tuần, sản lượng ve chai, đồng nát thu lượm được, bán chỉ được vài chục nghìn đồng. Khi ấy, hai anh lại động viên nhau: "Thôi thì, ít mình làm ít, nhiều ta làm nhiều!".

Vậy là với số tiền mấy chục nghìn đồng ấy, hai anh đem mua muối mắm, dầu ăn hỗ trợ cho hộ dân neo đơn, khó khăn.

Tiếng lành đồn xa, khi người dân biết việc làm ý nghĩa ấy thì việc lượm nhặt ve chai cũng trở nên thuận buồm xuôi gió hơn. Lượm nhặt thì ít mà bà con ủng hộ thì nhiều, đặc biệt là các nhà hàng, quán xá…

Sau gần 2 giờ đồng hồ cùng trải nghiệm công việc thiện nguyện cùng các anh, sản lượng của tôi chỉ non nửa thùng xốp vỏ chai nhựa, chủ yếu tôi lượm nhặt được. Riêng anh Nam, anh Bảy thì chở không hết phế liệu.

Trở về tiệm tranh, chúng tôi khuân những "chiến lợi phẩm" vào căn nhà kho - vốn được sử dụng để chứa tranh ảnh nay kiêm thêm vai trò đựng phế liệu.

Vừa xong công việc, anh Nam ngỏ ý mời tôi đi cùng đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Thanh, cùng thôn Thành Lập, là hộ có hoàn cảnh khó khăn lâu nay đang được hai anh hỗ trợ, giúp đỡ.

Về hoàn cảnh chị Thanh, chị có chồng bị tâm thần, con gái thì mắc bệnh tim, lại gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc cha chồng đã già yếu nên rất khó khăn. Thùng đồ gồm gạo, nước mắm, mì chính… trị giá hơn 100.000 đồng, được các anh đóng gói cẩn thận. Anh Nam nói, thường thì các hộ gia đình khó khăn, cần gì mình sẽ hỗ trợ thứ đó, tùy theo khả năng.

Ví như, đầu năm học thường thì mình sẽ hỗ trợ tiền, hoặc xe đạp, sách vở cho các cháu đi học. Hộ có trẻ nhỏ thì hộp sữa, đôi khi là bịch tã lót. Hộ có người tàn tật thì chiếc xe lăn…

Căn nhà cũ của gia đình chị Thanh nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, có lẽ vợ chồng chị được thụ hưởng lại từ thời ông bà nội, đã rất lâu chưa tu sửa. Gặp chúng tôi, chị không giấu được sự nghẹn ngào khi lại được hỗ trợ.

"Mình có tuổi đi làm quần quật cả ngày cũng không đủ trang trải thuốc men cho chồng, con. Nhiều khi những nhu yếu phẩm như mắm, muối, dầu ăn… mình cũng không để ý, phó mặc có cũng được, không có cũng xong. Thấy hoàn cảnh gia đình, hai em đã nhiều lần đến giúp đỡ. Thực lòng, tôi cảm kích vô cùng", chị Thanh nghẹn ngào.

Chiếc thùng đựng ve chai

Chiếc thùng đựng ve chai

ẢNH: Đ.G

Khi bắt đầu công việc này, các anh không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè nhưng đến nay, những việc làm thiện lành ấy đã được gia đình, người dân tin tưởng ủng hộ và dành nhiều tình cảm quý mến. Nói về mục tiêu sau này, anh Nam chia sẻ: "Địa phương mình còn nhiều hoàn cảnh khó khăn lắm. Để giúp hết được người dân mình chỉ là hạt cát nhỏ, cần sự chung tay từ các cấp, ngành địa phương. Song sẽ nỗ lực để việc làm này ngày càng ý nghĩa, hiệu quả hơn".

Người ta vẫn nói "gieo yêu thương sẽ nhận lại yêu thương", kể từ ngày các anh được nhiều người biết đến, việc kinh doanh, buôn bán của tiệm tranh đá quý cũng trở nên đắt khách hơn.

Với tôi, trước khi rời xã biển Ngư Lộc đã có buổi hàn huyên cùng ông Trần Văn Sỹ, Trưởng thôn Thành Lập, về trường hợp của hai anh. Ông Sỹ không ngần ngại dành cho hai anh những lời khen ngợi có cánh: "Bên cạnh những công việc chính cho thu nhập lo gia đình, các anh còn tranh thủ thời gian để làm những việc có ý nghĩa. Nói thực, nhiều khi cấp chính quyền thôn, các hội đoàn thể còn chưa biết xoay đâu kinh phí để thăm nom, hỗ trợ người dân thì các anh đã đến thăm nom, chia sẻ tự bao giờ!".

Có thể nói, việc làm thiện nguyện ấy của anh Nam, anh Bảy không chỉ giúp cho những hoàn cảnh éo le, nghèo khó với đi phần nào sự khó khăn, mà còn là hành động đẹphành động đẹp góp phần lan tỏa tình yêu thương trong thế hệ trẻ thanh thiếu niên.

 'Gieo' yêu thương nơi cửa bể- Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.