Buồn rồi mai nhớ vui - Truyện ngắn dự thi của Trương Văn Tuấn

06/10/2024 09:00 GMT+7


Buồn rồi mai nhớ vui - Truyện ngắn dự thi của Trương Văn Tuấn- Ảnh 1.

MINH HỌA: VĂN NGUYỄN

1 Nhà chờ bệnh viện. Chính xác là một mái hiên lớn, có đặt nhiều ghế đá, ghế inox. Nhà chờ này dành cho thân nhân của ba khu: Hồi sức tích cực - lầu 3, Phẫu thuật - lầu 4; Khoa sản - lầu 5. Thân nhân không được đứng lúm xúm trước phòng bệnh, phòng mổ gây chật chội, nhốn nháo và căng thẳng, mà tất cả phải ngồi chờ ở đây.

Bởi, nên gọi là nhà chờ.

Khu vực nhà chờ có hai màn hình ti vi lớn, liên tục chạy những dòng chữ thông báo kiểu:

Nguyễn Văn B. - 1947 - Đang mổ

Cao Thị V. - 2001 - Đẻ xong

Trần Thị Th. - 1967 - Mổ xong

Thi thoảng trên màn hình cũng phát những đoạn video ngắn, hướng dẫn cách sơ cứu khi trẻ đuối nước, hoặc hóc dị vật. Trên hai bức tường - là phần lưng của căn tin và nhà vệ sinh - cũng dán nhiều mẩu thông tin: Đề phòng trộm cắp, Giờ thăm - vệ sinh cho bệnh nhân, Số điện thoại đường dây nóng… Nhưng khu vực được chú ý nhất là chỗ chiếc bàn nhỏ của nhân viên bảo vệ: cứ ít phút điện thoại bàn lại reo lên, cả không gian 90 mét vuông gần như nín thở chờ xem thông báo từ lầu nào truyền xuống, cần gặp ai, gặp để làm gì. Chỗ cái bàn nhỏ đó có ba nhân viên bảo vệ - hai trẻ một trung niên - thay phiên nhau
trực 24/7. Mỗi người có phong cách phát loa khác nhau. Một cậu trẻ thì lúc nào cũng ngồi thẳng lưng, mắt mơ hồ buồn, khi bật micro thì luôn có chữ dạ đầu câu:

- Dạ người nhà bệnh nhân Bùi Minh Th., khoa hồi sức, mang theo một bịch tã.

Rồi cậu đảo mắt quan sát coi có ai phản ứng không, sau đó mới thả lỏng người tựa lưng vào ghế.

Cậu trẻ còn lại thì tay lúc nào cũng cầm điện thoại di động quay ngang, dán mắt vào màn hình. Hễ có thông báo thì giọng the thé, gồng hơi như hét vào mặt:

- Người nhà ông Bùi Văn R. NGƯỜI NHÀ ÔNG BÙI VĂN R. ĐÂU? Có sao không lên tiếng?!

Người bảo vệ tuổi trung niên thì hay khoe là đang làm MC đám cưới kiêm chụp ảnh sự kiện. Phong cách gọi tên của ông cũng rất nghệ thuật, tạo kịch tính và tâm lý cho người nghe, khiến người ta "muốn rớt cái tim ra ngoài".

- Mời người nhà sản phụ - ngưng tầm hai giây - Võ Thủy H. - ngưng tầm hai giây - sinh xong, lên nhận em bé.

Mỗi lần ông ngắt quãng, thân nhân lại run rẩy, nín thở chờ đợi.

Ở đây, người nhà sản phụ thì chờ đợi thường không quá hai ngày, mỗi lần nghe gọi thì hầu như chỉ là tin vui: sinh xong, lên nhận em bé.

Người nhà của bệnh nhân chờ mổ thì cũng chờ ngắn thôi: mổ thận, mổ ruột thừa, sắp xương, khối u lành tính… Cứ chờ vài giờ đến một ngày là xong, hễ nghe gọi tên là đồng nghĩa với việc đùm túm đồ dùng chuyển người xuống trại.

Lực lượng phải chờ đợi lâu nhất ở đây là người thân của bệnh nhân đang nằm ở khoa hồi sức tích cực. Bệnh nhân - đa phần là người già - vào đó thì như bước vào thế giới khác, thế giới hôn mê, dây trói, trần truồng, ống dẫn, máy thở… Không hứa trước khi nào ra - ra vì hồi phục hay ra để kịp trút hơi thở tại nhà. Và cũng có người chẳng kịp về nhà.

Nên ở đây có người chờ một tuần, có người chờ vài tháng, có người chờ hơn một năm. Nhà đông thành viên thì thay nhau trực nhưng cũng có người đơn chiếc, chọn bệnh viện là nhà, hơn một năm rồi chưa rời nhà chờ. Một ngày hai lần lên lau mình cho người thân, còn khi có gì bất thường thì bác sĩ, điều dưỡng sẽ gọi.

Dù ở bao lâu thì khi được gọi tên tim vẫn cứ run lên lệch nhịp. Lên thay tã? Lên ký tên đồng ý đặt thêm ống? Lên làm thủ tục đưa về? Lên thay ga giường vì ông nội giãy giụa đứt dây, tuột ống?... Một ngày gọi nhiều lần cũng lo, hai ba ngày không gọi cũng bất an.

Khi người nhà sản phụ ré lên hò hét chạy đi đón con, người nhà bệnh nhân khoa hồi sức cũng bất giác thở mạnh. Khi bà mẹ chồng liên tục điện thoại cho họ hàng gần xa, mở loa ngoài tiếng vang vang khoe cháu nội tui nặng ba ký tư, thì những người con chăm mẹ hàng tháng trời ít ngủ thường phải bịt tai gục đầu.

Nhưng thân nhân họ ít khi khóc cạnh giường bệnh hay ở chỗ ngồi chờ. Họ chỉ ngồi khá lâu trong nhà vệ sinh, rồi giật mình chạy ra vì loáng thoáng nghe bảo vệ gọi mình.

Chỉ có đêm giao thừa, họ ngồi ở nhà chờ, ngước lên bầu trời nhìn pháo hoa tung tóe, họ nghĩ đến người nhà mình đang nằm bất động, trần truồng trong phòng hồi sức, liệu có nghe tiếng pháo nổ, có thấy ánh sáng lấp lánh ngoài cửa sổ, có cựa quậy ú ớ đòi về nhà. Và họ rì rầm trong miệng: mình à, hôm nay là 30 tết, sáng mai là mùng một, mình nằm đây 51 ngày rồi đó. Rồi họ cúi mặt lau nước mắt lấp lánh pháo hoa giao thừa.

Ông chú vừa đi ra ngoài trở vào hỏi anh:

- Có nghe tên bà Lê Thị M. không?

- Dạ chưa - Anh trả lời kèm cái lắc đầu cho đảm bảo rằng ông chú tiếp nhận đúng câu trả lời giữa không gian đang rì rào tiếng người.

2 Hôm nay có bà cụ người nhỏ nhắn, cứ liên tục lại hỏi người bảo vệ: kêu chưa chú. Ông trả lời đến lần thứ ba thì bắt đầu gắt:

- Ngồi yên đi! Khi nào xong người ta mới gọi!

Những người ngồi cạnh cũng dịch sang bên nhường chỗ cho bà.

Bà chờ ông đang mổ ở lầu 4.

Chiếc áo khoác ngoài đã sờn của bà cứ xệ xuống vì chứa đến bốn cái điện thoại cũ. Chắc của ông hai cái, của bà hai cái, do con cháu xài xong thì cho lại. Chốc chốc bà lại móc điện thoại ra xem có ai gọi không.

- Sao bà không bỏ bớt ở nhà đi?

- Sợ tụi nó gọi không được.

Nỗi sợ đó trói buộc bà với bốn cái điện thoại cũ. Cả một sáng sang tận trưa không ai gọi nên bà nhờ người ta xem xem điện thoại có mất chuông không. Thực ra nếu con cháu muốn gọi thì không được số này sẽ gọi số kia, còn không muốn gọi thì bà sở hữu bao nhiêu cái điện thoại cũng vậy thôi. Cái hy vọng có ai đó sẽ gọi thường ngày không khiến bà thấy nặng nề với mấy cái điện thoại cũ trong túi, riêng hôm nay bà vừa chờ cuộc gọi từ nơi xa xôi nào đó vừa chờ ông trên phòng mổ nên đến chiều thì lưng còng của bà bắt đầu chới với. Bà hứng nước nóng ở cái máy nước công cộng, khi đầy bình thì không biết làm sao cho nó dừng lại, bà hoảng hốt kêu cứu. Được "cứu" xong, bà lại ngồi dưới đất, tựa vào tường mắt thiêm thiếp, ướt nhẹp buồn tủi.

3 Cái chốt cửa nhà vệ sinh lại hư và rơi đâu mất. Không biết đây là lần thứ mấy anh thay rồi. Cũng đơn giản: một cái khoen, đoạn dây kẽm hoặc chiếc đũa là thành cái chốt mới. Nhà vệ sinh thành nơi sang trọng và quý giá đối với những người nuôi bệnh lâu ngày như anh: nơi tắm giặt, rửa bát đũa, một chút riêng tư và ngâm rửa tinh thần bầm dập của mình dưới vòi sen tự chế.

4 Ban ngày, người nuôi bệnh phải ngồi ngay ngắn ở nhà chờ, thu xếp vật dụng cá nhân gọn gàng, không được nằm đó gây chật chội, mất thẩm mỹ. Đến đêm, họ mới được trải chiếu, mở ghế xếp, chuyển sang nằm chờ. Ở giữa, có nhóm chị em đang thì thào tính chuyện hậu sự:

- Trong đây là hai bộ đồ mới, khi người ta gọi, phải mặc vô cho mẹ liền.

- Nhét tiền này vô túi áo của mẹ… Phải gọi tên mẹ, tuổi, địa chỉ nhà luôn nghen. Để mẹ theo về.

- Hồi mẹ chị Thủy mất, không kịp làm gì hết. Giờ lúc nào chỉ cũng nằm mơ, thấy mẹ chỉ trần truồng, đi lang thang không biết đường về, không có tiền xài…

Mỗi lần nghe những chuyện tâm linh kiểu vậy, hơi thở anh như có ai buộc chặt lại, phải chật vật một lúc mới tháo ra được.

5 Người phụ nữ tầm 55 tuổi tên là Thìn. Có thể chị trẻ hơn nhưng do chị xấu nên trông chị già. Mũi chị to, mặt vuông, người chị cũng to, vai ngang và rộng. Chị không phải người ở lâu nhất nhưng là người hai lần liên tục ở lại nhà chờ.

Lần đầu tiên là chị nuôi mẹ chồng, từ lúc bệnh nhẹ đến sang bệnh nặng rồi vô hẳn phòng hồi sức cách ly.

- Chồng mày không nuôi, sao mày phải nuôi?

Người ta hỏi vậy, chị cũng không biết vì sao. Chồng chị có người khác, chị biết, nhưng vẫn hì hục chăm mẹ chồng suốt một năm - chắc chị sĩ diện với con cái, ráng làm tròn vai để nêu gương cho con cái sau này. Mẹ chồng vừa mất thì chồng chị cũng quyết thôi nhau, để hắn đón người mới về.

- Mẹ chồng có để lại gì cho mày không?

Hồi chưa bệnh nặng bà hay bảo nếu sau này khỏe lại sẽ cho chị ít vàng, còn nếu bà mất sẽ về phù hộ cho chị trúng số.

- Vậy bà có về báo mộng cho mày thấy số không?

- Dạ không, em chỉ nằm mơ thấy chồng cũ đi với vợ mới thôi.

Hồi đấy hắn cảm ơn chị, thề thốt sau này nhà chị có khó khăn thì hắn sẽ giúp lại. Lời thề còn mới tinh, nhưng giờ chị nuôi ba ruột sáu tháng trời chưa thấy hắn đến thăm.

- Em cũng giả bộ than, nhờ cái này cái kia, mà ổng nói bên nhà vợ đang bận đám giỗ, để nói sau.

- Chắc nhà vợ nó chết hết, nên lần nào điện thoại cũng gặp ngay lúc đám giỗ - Cả nhóm phụ nữ che miệng cười hí hí.

- Nhiều cái cũng buồn hén!

- Thôi kệ, buồn rồi mai nhớ vui - tiếng ai đó trong góc nói ra.

Chị Thìn nuôi ba ruột một mình, lâu lâu có các anh chị, con cháu ghé thăm, gửi lại chút tiền. Lần nào cũng hỏi những câu tương tự:

- Ủa, Thìn có mua thuốc bôi bên ngoài không, sao lưng ba lở hết rồi?

- Cái thuốc con nói, cô mua cho ông chưa?

- Nhớ bóp chân, trở mình cho ba nha!

Chị Thìn gật gật, ừ ừ, có có. Rồi họ về. Chị lấy tờ giấy gấp đôi trong túi ra ghi lại: ngày mấy ai góp bao nhiêu tiền, chị mua gì đó bao nhiêu tiền.

Cả nhóm phụ nữ chìm vào giấc ngủ.

Sáng nay người ta không thấy chị Thìn nằm kế bên. Bảo vệ nói hồi bốn giờ bác sĩ kêu chị Thìn lên.

Một người đi từ nhà vệ sinh vào thông tin thêm:

- Nó nhắn tin nói ông cụ kịp về tới nhà, được nửa tiếng mới mất.

Mọi người im lặng, thu dọn và xếp đồ gọn vô một góc.

Hay có kiểu như thế, người nhà được gọi đi, cứ tưởng đi thay tã, ai ngờ là để làm thủ tục đưa người nhà về. Sáng không thấy đâu, hỏi ra mới biết. Vì khẩn cấp, người ta có thể bỏ lại chiếc chiếu, đôi dép, mớ đồ dùng… Cái ba lô cũ rách của chị Thìn còn lại trên ghế đá, nằm cạnh là bịch tã của ông cụ. Mở ba lô ra thì thấy cũng không có gì quý: hai bộ đồ, cái bánh bao ăn một nửa, ba miếng băng vệ sinh, mấy viên thuốc nhức đầu, chai dầu gió… Đến chiều thì cô lao công đem đi dẹp. Không ai mắc công quay lại lấy mấy món đồ như thế, chẳng còn quan trọng nữa.

6 Anh ngồi nhìn nhà chờ một lát rồi rời đi. Anh hứa đây là lần cuối anh trở lại nhà chờ - cách đây mấy năm người ta đã gọi anh rồi.

Trong cái giây phút đó chỉ có mình anh chạy lo giấy tờ. Anh chạy đi vài bước rồi quay lại hôn lên trán người thân - cái trán lúc đó không hiểu sao lại thơm một cách kỳ lạ - rồi anh chạy đi, rất khẩn trương vì sợ không kịp. Nhưng đúng là không kịp thật.

… Anh đứng thật lâu ở nhà xe, anh bật gác chân xuống và lầm rầm gọi tên người thân.

- … Mẹ ơi, mình về nhà… Nếu còn đây thì lên xe về nhà, về có con cháu, có cơm ăn…

***

Cũng không rõ là người ta sau khi chết thì có linh hồn hay không. Nhưng thực ra, cái còn mắc kẹt lại ở nhà chờ bệnh viện chính là tinh thần của người nuôi bệnh. Người bệnh bên trong, thân nhân bên ngoài với những mòn mỏi, bất lực, tiếc nuối và ám ảnh vì chứng kiến cảnh người thân mình đau đớn, vật vã. Có những cuộc gọi, tin nhắn cầu cứu gửi đi nhưng không được hồi đáp - họ cô đơn, tổn thương và hờn tủi. Ngày đó, tháng đó, năm đó có những giá trị bị rạn vỡ và rơi rớt ở trước phòng bệnh. Con người của những ngày tháng ở nhà chờ chưa được chữa lành, và đó mới là điều còn đang vật vờ ở hành lang bệnh viện chứ không phải linh hồn của người chết.

Anh chạy đi, nghe văng vẳng câu nói đêm qua: … Buồn rồi mai nhớ vui! 

Buồn rồi mai nhớ vui - Truyện ngắn dự thi của Trương Văn Tuấn- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.