Từ tác giả đến độc giả, phá bỏ những thành trì sợ hãi
Có một bức tường ở giữa trang sách ra đời từ nỗi ám ảnh của Jon Agee trước những chiếc rãnh sách (gutter) mà anh gọi là “thứ sẽ nuốt chửng trang đôi đẹp đẽ của tôi”. Đối với nhiều họa sĩ minh họa, rãnh sách chính là thách thức, là mối bận tâm phiền toái vì tranh vẽ của họ - nhất là các tranh dàn trải thành trang đôi, sẽ bị đứt gãy đau đớn ngay vị trí rãnh sách.
Cuối cùng thì Jon Agee cũng tìm ra cách đầy thông minh và sáng tạo để xử lý cái rãnh sách: Biến nó trở thành nhân vật trung tâm tạo vấn đề - một bức tường, trong tác phẩm Có một bức tường ở giữa trang sách của anh. Jon Agee không phải là họa sĩ đầu tiên biến nhược điểm của chiếc rãnh sách thành điểm độc đáo của một cuốn sách, trước đó Richard Byrne cũng đã tận dụng rãnh sách để tạo nên hiệu ứng hình ảnh thú vị trong Cuốn sách này vừa mới nuốt trọn con chó của tớ!, chú chó sẽ biến mất khi đi đến rãnh sách.
Điểm cộng của Có một bức tường ở giữa trang sách là không chỉ dừng ở việc mang đến cho độc giả một hiệu ứng thị giác mới lạ khi xem sách, nó còn tạo ra một hình ảnh ẩn dụ có sức mạnh tác động sâu sắc đến người đọc. “Bức tường” trong câu chuyện này là ẩn dụ cho những rào cản, giới hạn, thành trì mà chúng ta thường tự dựng lên để cố thủ bên trong và ẩn nấp khỏi nỗi sợ những thứ chưa biết hay những người lạ ở ngoài vòng tròn hiểu biết của ta.
Có một bức tường được dựng lên ở ngay rãnh sách, thẳng đứng từ dưới lên trên, chia cắt trang sách thành hai phía. Chàng hiệp sĩ tí hon là người sung sướng nhất với sự tồn tại của bức tường vì cậu được dạy rằng bức tường đang bảo vệ mình khỏi những thứ xấu xa, nguy hiểm ở phía bên kia.
Với những định kiến về thế giới bên kia bức tường và góc nhìn phiến diện, hiệp sĩ không thể nào nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của cuộc đời mình, thậm chí còn không kịp nhận ra nguy hiểm thực sự đang cận kề bên mình. Độc giả sẽ thích thú khi có thể khám phá ra toàn bộ sự thật - những chuyện đang cùng lúc xảy ra ở hai phía bức tường, trước cả nhân vật chính trong câu chuyện.
Có một bức tường ở giữa trang sách gợi cho người đọc nhớ lại “một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật chưa hẳn là sự thật”. Việc ta chôn chặt tri thức của mình quanh những định kiến hay dựng lên và cố thủ bản thân trong những thành trì bồi đắp từ nỗi sợ có thể bảo vệ được ta một thoáng nào đó, nhưng về lâu dài việc đó sẽ khiến ta tổn thương. Chưa kể, những bức tường, thành trì ấy sẽ cản bước chúng ta tìm đến chân lý, gông kiềm ta khỏi tình yêu khám phá cuộc sống qua nhiều chiếc lăng kính và xóa bỏ cơ hội để ta được tận hưởng những điều tốt đẹp hiện hữu bên ngoài vòng tròn an toàn của ta.
Jon Agee đã bước ra khỏi “bức tường” của mình - chiếc rãnh sách, để biến tác phẩm mới của anh thành một chiếc búa tảng giúp các độc giả của nó phá bỏ được những “bức tường” đang bao quanh họ…
Phá vỡ bức tường thứ 4 trong nghệ thuật
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Jon Agee chọn viết lời cho cuốn sách này ở ngôi thứ nhất, để chàng hiệp sĩ tự kể chuyện của mình cho độc giả. Việc sử dụng ngôi thứ nhất vừa tăng tính chủ quan của nhân vật, tạo mâu thuẫn kịch tính, gây cấn giữa phần lời và tranh cho câu chuyện, vừa tăng sự tương tác với độc giả nhờ nghệ thuật “phá vỡ bức tường thứ 4”.
“Bức tường thứ 4” là khái niệm trong kịch với 3 bức tường bao quanh sân khấu, hướng còn lại - “bức tường thứ 4”, chính là phía khán giả đang ngồi xem. Dĩ nhiên không có bức tường thật nào ngăn cách giữa sân khấu với khán giả, mà ở đây ám chỉ bức tường vô hình ngăn cách tác phẩm trên sân khấu và khán giả của nó. Khi diễn viên trên sân khấu có lời thoại hay cử chỉ, hành động tương tác với khán giả, ta nói họ đang “phá vỡ bức tường thứ 4”. Tương tự, khi một nhân vật trong sách nhìn thẳng vào độc giả, trò chuyện với độc giả hay yêu cầu độc giả cùng tham gia vào câu chuyện, đó là nó đang sử dụng nghệ thuật “phá vỡ bức tường thứ 4”.
Xuyên suốt cuốn sách, hiệp sĩ hành xử và trò chuyện với người đọc, mời gọi họ tham gia, đắm mình vào câu chuyện ly kỳ của chàng: “Để tớ nói cho mà nghe, thứ nguy hiểm hãi hùng nhất của phía bên kia chính là Ông Yêu Tinh”.
|
Một lần nữa, Jon Agee muốn “vượt tường”, phá vỡ rào cản vô hình giữa thế giới hư cấu của câu chuyện trên trang sách với thế giới thực tại của người đọc, đẩy trải nghiệm đọc sách tranh lên một tầm cao “không còn giới hạn” nào nữa.
Sách tranh vốn được xem là nghệ thuật của việc kể chuyện bằng hình ảnh. Vậy nên các họa sĩ sách tranh luôn nỗ lực tìm tòi sáng tạo để kể được câu chuyện tốt nhất bằng những tranh vẽ của mình. Trong Có một bức tường ở giữa trang sách có một trang đôi thể hiện rõ rệt sức mạnh kể chuyện của tranh vẽ. Nếu như từ đầu đến gần cuối cuốn sách, tranh vẽ được đóng trong những hình khối đầy ấn tượng thì ở trang cuối, khi hiệp sĩ đã bước qua “bức tường” của mình, tranh vẽ tràn ra khỏi trang sách, như thể tình yêu khám phá, sự phấn khởi trước một thế giới mới mà một người chưa từng biết đến đang nở rộ trên trang sách. Nó khiến tôi nhớ đến một trang trong Ở nơi quỷ sứ giặc non của Maurice Sendak, khi trí tưởng tượng của Max chạm đến đỉnh điểm, thế giới của quỷ sứ giặc non vượt ra khỏi giới hạn của trang sách.
Tờ The Sunday Times đã khen ngợi Có một bức tường ở giữa trang sách là “một cuốn sách đã chứng minh khả năng vô hạn mà chỉ vỏn vẹn vài con chữ và tranh vẽ có thể mang đến cho độc giả”. Phải, một khả năng vô hạn đưa người đọc vượt qua những giới hạn do chính họ đặt ra cho bản thân.
Bình luận (0)