Bức ‘Việt Nam nữ sĩ’ của danh họa Lê Phổ bán đấu giá hơn 13 tỉ đồng

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
28/08/2022 20:59 GMT+7

Trong phiên đấu giá của nhà Sotheby’s diễn ra chiều ngày 28.8 tại Singapore , bức Việt Nam nữ sĩ ( Vietnamese Lady ) của Lê Phổ được bán 570 ngàn USD, khoảng hơn 13 tỉ đồng.

Theo nhận định của Sotheby’s: tác phẩm Việt Nam nữ sĩ của Lê Phổ là hình ảnh tiêu biểu cho kỹ thuật điêu luyện vô song của ông trong việc xử lý lụa để vẽ. Với hình ảnh cô gái trẻ mặc áo dài trắng, đang hướng ánh nhìn về phía người xem, bức ảnh cho thấy khả năng của Lê Phổ trong việc thể hiện vẻ đẹp của sự 'thần bí nữ tính' một cách tinh tế. Việt Nam nữ sĩ vẽ vào năm 1938, là một trong số tác phẩm đầu tiên của họa sĩ được ca ngợi.

Là họa sĩ được đào tạo bài bản, một trong những sinh viên tốt nghiệp đầu tiên của École des Beaux-Arts de l'Indochine tại Hà Nội, Lê Phổ nhận được sự dạy dỗ thành công của các nghệ sĩ nổi tiếng người Pháp như Victor Tardieu và Joseph Inguimberty. Cùng với Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm và Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ là một phần không thể thiếu của làn sóng nghệ sĩ tiên phong - những người đã hình thành nên bản sắc sáng tạo mới, khác biệt. Phong cách của họ kết hợp những gì đã học về thẩm mỹ Pháp với kỹ thuật và chủ đề Việt Nam. Đây là những nghệ sĩ phát triển cách tiếp cận mới, mở ra hướng mới trong lịch sử nghệ thuật của đất nước họ”.

Bức Việt Nam nữ sĩ của danh họa Lê Phổ có kích cỡ 23,5 x 28,5 cm

Sotheby’s

Lê Phổ (1907-2001) nhanh chóng trở nên nổi tiếng nhờ những nét vẽ quyến rũ về cuộc sống, được thể hiện theo một phong cách thực sự riêng biệt. Năm 1932, ông nhận học bổng theo học tại École des Beaux-Arts ở Paris, nơi có thể tận mắt chứng kiến ​​những tác phẩm nghệ thuật bậc thầy của Pháp. Cách mô tả cuộc sống bình dị của họa sĩ đại diện cho hội họa Việt Nam từ thế kỷ 19 đến đầu những năm 1940, một thời kỳ vẫn còn nguyên vẹn sự đô hộ của thực dân Pháp. Năm 1937, Lê Phổ rời Việt Nam giữa lúc chiến tranh bùng nổ và phát triển sự nghiệp tại Paris, ở lại châu Âu cho đến cuối đời.

Việt Nam nữ sĩ được vẽ một năm sau khi ông di cư đến Paris, thời điểm sự nghiệp đang chớm nở. Tại Pháp, Lê Phổ thấy mình đang ở tâm điểm của thế giới nghệ thuật, nơi nhiều nhà sáng tạo khao khát đổ về đây để say sưa với “tự do văn hóa”. Cùng với nhiều nghệ sĩ nước ngoài và trong nước, ông thấy mình đang thuộc về dòng chảy sôi động của hội họa và nghệ thuật ở một nơi đầy cơ hội.

Năm 1938, cùng năm với tác phẩm này ra đời, ông tổ chức buổi triển lãm riêng. Đây là bước đi đầu tiên của ông hướng tới sự nghiệp hội họa thành công vang dội ở châu Âu. Sau đó, ông tổ chức các cuộc triển lãm ở Algiers (1941), Paris (1945), Brussels (1948), San Francisco (1962) và New York (1963). Tác phẩm của ông đã vượt qua ranh giới địa lý - minh chứng cho ảnh hưởng quốc tế. Lê Phổ nhanh chóng trở thành hiện thân cho tiếng nói của người Việt tại hải ngoại.

Sự điêu luyện về tranh lụa của Lê Phổ được thể hiện rõ trong tác phẩm Việt Nam nữ sĩ. Ông sử dụng bảng màu tinh tế, mỏng manh bổ sung cho vẻ đẹp của lụa, mang lại cho bức tranh sự thanh tao. Nét vẽ của Lê Phổ và cách sử dụng màu đặc tả, gợi lại nguyên lý của tranh mực Trung Quốc truyền thống. Tác phẩm Việt Nam nữ sĩ mang vẻ đẹp vượt thời gian, như mở cánh cửa vào cuộc sống bình dị của tầng lớp tinh hoa Việt Nam, soi rọi quá khứ quý giá nghệ thuật Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.