Như Thanh Niên đã thông tin, Thanh tra Chính phủ vừa công khai kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015 - 2019 của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXH).
Kết luận đã chỉ ra nhiều sai phạm, khuyết điểm gây lãng phí ngân sách nhà nước cần phải được khắc phục chấn chỉnh và xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan.
Theo Thanh tra Chính phủ, 10 đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KHXH đều có sai phạm, khuyết điểm |
T.N |
Theo kết luận thanh tra, Viện Hàn lâm KHXH ban hành các quy chế quản lý khoa học nhưng nội dung có nhiều điểm bất cập, không hợp lý, dẫn đến các đơn vị cấp dưới không tiếp thu kịp thời, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Quy trình thực hiện nhiều đề tài không đúng quy định của luật Khoa học và công nghệ.
Cụ thể, trong 7 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và của Viện Hàn lâm KHXH nhưng được phê duyệt dưới dạng đề tài cấp cơ sở, cấp bộ và bố trí kinh phí để thực hiện không hợp lý; có 3 đề tài, nhiệm vụ không có đóng góp về khoa học cho xã hội; 37 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ do văn phòng chủ trì chưa được tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở trước khi nghiệm thu cấp bộ; 18 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ nhưng không nghiệm thu cấp bộ; 29 đề tài, nhiệm vụ trùng thời gian; 30 hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ không đúng thành phần; 55 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp bộ được giao cho cá nhân ngoài đơn vị chủ trì; 67 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở, nhiệm vụ khoa học cấp bộ của các đơn vị, căn cứ vào các quy chế quản lý khoa học do Viện Hàn lâm KHXH ban hành đã hết hiệu lực; 191 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở không đúng thành phần; 75 đề tài, nhiệm vụ nghiệm thu chậm tiến độ.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhiều tình trạng nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở bất thường trong cùng một ngày tại một số đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KHXH. Tình trạng này chưa hợp lý, dẫn đến chất lượng công tác nghiệm thu không đảm bảo.
Bao nhiêu là lãng phí!
“Trước giờ tôi cứ nghĩ đã là “viện hàn lâm” thì mọi việc đều hết sức khoa học, hàn lâm, là bậc thầy trong mọi việc, vậy mà ở viện này lại có “nhiều sai phạm, khuyết điểm gây lãng phí ngân sách nhà nước…”. Buồn quá!”, bạn đọc (BĐ) Văn Lợi chia sẻ.
Cùng quan điểm, BĐ Hoài Dũng cho rằng: “Đáng lo là nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tại viện kém chất lượng hoặc đề tài không có đóng góp gì cho khoa học, xã hội. Việc này tốn kém thời giờ và công sức của người làm và người duyệt, lãng phí bao nhiêu là tiền của nhà nước, nhất là ở đây lại là viện hàn lâm”.
Trong khi đó, nhận xét về “sức làm việc của hội đồng nghiệm thu”, BĐ T.T.Thanh cho biết: “Thật khó tin, tại Viện Nghiên cứu châu Âu, chỉ với một hội đồng đã nghiệm thu 18 đề tài trong ngày vào ngày 6.12.2016, 18 đề tài trong ngày 12.12.2017, 16 đề tài vào ngày 5.12.2018 và 15 đề tài vào ngày 25.11.2019… Sức làm việc này thế giới chắc cũng phải bái phục”.
Mong Viện Hàn lâm KHXH xứng đáng là viện hàn lâm
Nói về sai phạm, khuyết điểm tại Viện Hàn lâm KHXH, BĐ Trung Thông Lại bức xúc: “Thật đáng xấu hổ. Họ làm như là làm khoán cho xong công việc được giao, cuối cùng tạo ra được những học giả, thạc sĩ, tiến sĩ trình độ như thế nào… thì xin để mọi người phán xét”. BĐ thutranhvqlgd cũng cho rằng: “Theo kết luận thanh tra, không thể hiểu nổi tại sao cơ sở nghiên cứu, đào tạo có tên gọi hoành tráng như vậy mà có thời từng bị coi là “lò ấp” tiến sĩ. Than ôi...”. BĐ Dương Văn Tuấn đề nghị: “Nghiệm thu đề tài khoa học như robot thì cũng xin bái phục. Không biết có phải vì kinh phí duyệt cấp cho đề tài quá dễ dãi nên tranh thủ lấy số lượng để quyết toán? Kiểu này phải giao cho cơ quan điều tra làm rõ...”.
“Mong rằng từ kết luận của Thanh tra Chính phủ, những sai phạm, khuyết điểm của Viện Hàn lâm KHXH sẽ được xử lý dứt điểm; trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan sẽ được làm rõ và xử lý nghiêm khắc, để Viện Hàn lâm KHXH đi lên, xứng đáng là một viện hàn lâm”, BĐ Bình ý kiến.
* Đào tạo ra các thạc sĩ, tiến sĩ kiểu này mục đích để lấy oai chứ có mang lại ích lợi gì cho xã hội không?
Trần Văn Dân
* Nghe mà đau lòng quá, hằng năm tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng của nhà nước mà có đem lại được lợi ích gì cho xã hội, có xứng đáng nữa không?
thongnctq
* Nhiều nơi cứ sờ chỗ nào là chỗ ấy có vấn đề. Buồn thật nhưng phải làm mạnh, làm nghiêm thì đất nước mới tiến lên được.
phuongtung04380105
Bình luận (0)