Cách ra đề thi học sinh giỏi ngữ văn lớp 12 của TP.HCM đã "chạm" vào những suy tư, thao thức của học sinh vốn có sự rung cảm tinh tế với đời sống hiện tại. Chẳng hạn như ở câu 1: "Tôi và khoảng cách thế hệ. Tôi và khủng hoảng bản sắc. Tôi và sự đối diện với ChatGPT nói riêng và công nghệ nói chung. Và tôi, sẽ hành xử ra sao giữa đời này?".
"Tuổi 18 chông chênh"
Đây không phải lần đầu tư duy ra đề của quý thầy cô "chạm" vào cảm xúc của tôi. Bởi lẽ cách đây không lâu, tôi từng bắt gặp một đề văn độc đáo của các thầy cô ở TP.HCM trong kỳ thi học sinh giỏi. Đề thi này được "treo" bằng một câu day dứt: "Tuổi 18 chông chênh!".
Còn đề ngữ văn năm nay luận về chữ và đời, về những bộn bề cuộc sống, với câu hỏi rất mở, nhưng không ít phần suy nghiệm.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin càng ngày càng "lùa, lướt" học sinh đi, đề văn này được ra như níu giữ các em lại. Trong quá trình làm bài, các em có thể nhận diện chính mình, với một suy nghĩ, một sự chín chắn, một cách nhìn nhận tỉnh táo hay một cách hành xử đúng đắn trước một sự việc xảy ra, hay một diễn biến mà có thể nhiều lần, với một ý định nào đó, được lái đi theo cách của những người muốn lái dư luận theo cách của mình!
Tôi không nhằm ca ngợi, nhưng tôi cảm phục, tâm đắc trước cách nhìn nhận của quý thầy cô với cảm xúc, trình độ và tin tưởng với học sinh lớp 12.
Một thế hệ học sinh giỏi văn có thể chuyển tải những nghĩ suy, cảm xúc và "dẫn hướng" hay bằng tình cảm gửi gắm của mình trong bài viết có thể ảnh hưởng đến những người trẻ khác để bước đi đúng hướng.
Đó là một sự trân trọng thế hệ trẻ, khi ra một đề văn đúng với những khía cạnh có thể "dội" vào thao thức của các em hằng đêm, hằng ngày bởi đang đứng trước những chông chênh của tuổi 18. Có thấu hiểu và cảm thông, có chia sẻ và lặn sâu vào tâm tư ấy, mới có thể ra đề như vậy!
Đời và chữ
Đọc đi đọc lại nhiều lần đề văn gây xôn xao này, tôi nghiệm ra vài điều: thứ nhất, là chuyện "tôi và bạn bè đồng trang lứa", thứ hai là "tôi và khoảng cách thế hệ" và thứ ba là "tôi và câu chuyện lựa chọn nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập".
Cả ba khía cạnh chiều sâu thời gian và sự đồng đại của không gian hay cách đối xử ấy đều đặt cá nhân trong một sự phân thân rất lớn. Áp lực tự thân đôi khi khiến những học sinh ở tuổi 18 phải phấn đấu không ngừng nghỉ.
Các em sẽ phải đối diện với bao thứ mà ở tuổi ấy đáng ra phải được hồn nhiên. Nhưng không, vòng xoáy áp lực khiến các em phải lâm vào một cảnh ngộ khó có thể giãi bày với phụ huynh hay thầy cô giáo. Vì vậy, các em nhận ra rằng có một kênh để chia sẻ điều này, là bạn bè (có thể quen thân, biết mặt hay không quen thân, không biết mặt) trên không gian mạng.
May mắn là từ quý thầy cô ra đề văn, học sinh có thể đặt vào trang giấy những dòng chữ suy nghĩ của mình. Như vậy, mục tiêu của cuộc thi không chỉ dành cho học sinh giỏi môn ngữ văn, mà còn là câu hỏi lớn cho một lứa tuổi, mà người lớn phải thấu cảm được. Con chữ học sinh viết ra có thể chưa kết tinh hết những gì các em nghĩ, nhưng các em đã "đánh động" với cộng đồng về bản thân mình giữa nhiều chiều kích của xã hội hôm nay.
Bụi vàng chất lọc giữa đời
Nếu tôi nhớ không nhầm thì câu chuyện dẫn ra trong đề là trích từ truyện ngắn Bông hồng vàng của Pautovsky, một câu chuyện mang tính ẩn dụ rất cao, khiến cho ai đọc và suy ngẫm về cuộc đời vẫn nhớ.
Tuy nhiên, dù trải qua tháng năm dài, dù những biến động có lớn lao gì chăng nữa, thì giá trị nhân văn và ý nghĩa truyền thụ cảm xúc của Pautovsky vẫn nguyên vẹn. Hãy đọc lại một đoạn trích dẫn ông viết, để thấy sự tinh tế chọn lựa khi ra đề của quý thầy cô: "Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lứa sao trong một vũng nước đêm-tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng"…
Những câu trích ấy cộng với phần trên, khi xác định bản ngã trung tâm (tôi) ở câu 1 phải phân thân, như đã phân tích, không hề khiên cưỡng. Và bởi vì vậy, nó đã gợi ra một trường liên tưởng rất lớn với người viết và cộng đồng, không chỉ là những học sinh giỏi ngữ văn của TP.HCM, mà còn mở hướng suy nghĩ đến học sinh cùng trang lứa.
Vì vậy, riêng cá nhân mình, tôi xin cảm ơn quý thầy cô đã tư duy, suy nghiệm và bắt kịp tâm tư của một lứa tuổi, để ra một đề văn hay như vậy!
Bình luận (0)