Bún cù kỳ, bề bề là gì mà nhất định phải ăn ở Hạ Long?

15/02/2022 09:17 GMT+7

Người ta nói tới thành phố Hạ Long, Quảng Ninh phải ăn chả mực, không thì coi như 'phí cả thanh xuân'. Nhưng thế thôi chưa đủ. Ở đây còn có những món ngon lạ như bún cù kỳ, bún bề bề.

Tô bún hải sản ở Hạ Long thập cẩm với bề bề, tôm, chả lá lốt, đậu hũ chiên, nhiều người thích ăn tô khác với riêng bề bề, cù kỳ

Bảo vy

Vì sao lại “ngon lạ”, bởi ngon thì khỏi cần tranh cãi. Còn “lạ” thì nhiều thực khách lần đầu nghe cù kỳ, bề bề không biết đó là con gì mà lại mang đi nấu bún. Nó có khác gì bún riêu cua, hay bún cá đã trở thành phố biến khắp các vùng quê?

Con cù kỳ hay được gọi là con cua đá, con cùm vùm, con cum vum, không khó tìm thấy ở các chợ bán hải sản của Hạ Long. Con cù kỳ có thể nướng, hấp, phần thịt chủ yếu tập trung ở 2 bên càng, nhưng được cái thịt ngon, ngọt nước. Nó thích hợp nhất cho nấu bún, cùng với các loại hải sản khác như tôm, bề bề. Món bún hải sản này nhất định phải cho thêm chả cá, chả mực, chả lá lốt thơm lừng, kèm với dọc mùng (bạc hà), rau cần nước, xà lách, rau mùi xanh non mơn mởn.

Con cù kỳ hình thù kỳ lạ nhưng thịt ngon ngọt vô cùng khi nướng, hấp, hay nấu bún

bảo vy

Bún cù kỳ, bề bề ở Hạ Long ăn kèm với rau sống và măng muối ớt thì ngon thôi rồi

phong lữ

Còn bề bề nghe lạ, nhưng thực chất chính là cách gọi con tôm tích hay tôm tít ở các tỉnh phía Nam. Bề bề ở Hạ Long có nhiều loại, cỡ lớn, bơi lội tung tăng trong chậu, giá khá cao. Nhưng mang về nướng, hấp, rang muối, chiên bơ tỏi thì ngon "bá cháy bọ chét". Loại đã “ngất”, tức là dù không bơi, nhưng vẫn tươi rói, cỡ hai đầu ngón tay, vẫn không giảm đi độ ngon.

Nồi nước dùng của tô bún cù kỳ, bún bề bề được hầm bằng một bí quyết đặc biệt, với nước hầm từ xương và các loại hải sản, tôm khô, mực khô, cà chua, và chút giấm bỗng để ngọt lừ và chua nhẹ thanh thoát. Cù kỳ gỡ lấy phần thịt và đập bỏ vỏ cứng từ hai cái càng. Bề bề cũng lấy phần thịt và để nguyên con. Tất cả được xào với hành tỏi cho săn và thơm lừng, thấm gia vị.

Con bề bề (tôm tích) tươi rói

Và tô bún bề bề nhiều hải sản thơm lừng bốc khói ở Hạ Long khiến nhìn thôi là ứa nước miếng

bảo vy

Những ngày trời mùa đông lạnh buốt, các quán bún ăn sáng của Hạ Long tấp nập khách. Người ta vào quán, có thể tùy ý mà gọi một tô. Hoặc thập cẩm (tức là mỗi thứ một chút, bỏ thêm cả chả lá lốt và chả cá, chả mực, tôm). Hoặc bún cù kỳ, bún bề bề, hoặc chỉ lấy tôm.

Bún tôm được nấu phong cách của Hạ Long (và cả Hải Phòng nữa) có khi sẽ trở thành món bún tôm ngon nhất Việt Nam, nếu có một cuộc bình chọn. Bởi con tôm biển tươi rói, ngọt lừ, được hấp sơ, lột vỏ, xào cho săn chắc lại, dai thật dai. Khi thả tôm ấy vào tô bún nóng hổi nước dùng, xanh đẫm các loài rau nhiệt đới vừa giòn sừn sựt vừa tươi mát, nói thật ai đã ăn một lần, nhắc tới lại thấy ứa nước miếng.

Người ta thường nói tới đâu du lịch thì đừng quên ghé bảo tàng và chợ. Bảo tàng lưu giữ những gì từ quá khứ, còn chợ là nhịp sống, hơi thở của xã hội hiện đại. Được thay ở Hạ Long, cả hai điều ấy, đều to lớn, rất đáng để dừng chân, lạc bước.

Bảo tàng Quảng Ninh như một khối than đá khổng lồ nằm ngay bên đường bao biển Hạ Long, nhìn ra Vịnh Hạ Long kỳ vĩ. Các chợ Hạ Long 1, Hạ Long 2 (còn có tên là chợ Loong Tòong) ngay trung tâm thành phố, được quy hoạch rộng rãi và bạt ngàn hải sản khô và tươi, sẵn sàng đón du khách từ khắp mọi nơi.

Bún hải sản của Hạ Long đặc biệt bởi tôm, bề bề, các loại rau tươi rói, nước dùng thanh mát, chua dịu, vắt thêm chút quất (tắc) rất thơm

bảo vy

Cù kỳ và bề bề không xa lạ ở tất cả các chợ hải sản của Hạ Long, còn món bún được chế biến từ nó có thể không khó tìm, từ khu Giếng Đồn, Hòn Gai tới khu bán đảo Cái Dăm, Bãi Cháy, Giếng Đáy… Giá bán từ 35.000 đồng tới 50.000 đồng mỗi tô. Nhưng tiền nào của ấy.

Tôi ngỡ ngàng khi ghé quán bún cù kỳ trong khu bán đảo Cái Dăm. Ngoài cửa kính sáng choang đã dán sẵn giá 50.000 đồng/tô. Chủ quán bưng ra thì thực khách nữ khựng lại: “Sao nhiều thế!”. Một tô lớn. Sợi bún nhỏ mềm mại được chan đẫm nước dùng, bề mặt phủ đầy cù kỳ, bề bề, tôm bóc nõn, mực tươi cắt khúc, chả cá, chả lá lốt, rau cần, dọc mùng, hành lá, cà chua thơm bát ngát.

Ngồi trước một tô bún hài hòa cả về mặt màu sắc, kích thích cả thị giác và khứu giác, tôi và rất nhiều du khách trẻ chẳng thể nào bình tâm quá 1 phút để cầm chiếc điện thoại lên chụp ngang chụp dọc món ăn nữa. Nào thì mạnh dạn xúc thêm mấy muỗng măng muối ớt giòn sừn sựt ở trong hũ thủy tinh ra, vắt thêm chút quất (tắc) vào, thả thêm miếng ớt. Ngon quên cả lối về.

Măng ớt trong những tiệm bún hải sản của Hạ Long, Quảng Ninh thật hào phóng, đúng kiểu “của nhà trồng được”. Măng không kiếm có khó tìm, vào các mùa mưa xuống, những cây măng nặng vài ba ký được bán giá chỉ mười mấy ngàn đồng một cây. Lột vỏ, thái miếng vuông, luộc chín, rồi ngâm với muối, ớt, tỏi, đường. Món ăn kèm này tốn cơm, tốn cả bún bề bề, bún cù kỳ kinh khủng khi vừa ăn vừa xuýt xoa.

Tô bún hải sản ở quán ăn Hải Phòng trên đường Nguyễn Cư Trinh, Q.1, chẳng thể nào bằng món ăn được ăn ở quê nhà, nhưng cũng giúp người ta vơi đi nỗi nhớ hương vị thân thuộc

bảo vy

Ở Sài Gòn, những ngày thèm nhớ bún hải sản, tôi thường ghé tiệm đặc sản Hải Phòng trên đường Nguyễn Cư Trinh, Q.1, đoạn ngay từ ngã 3 Nguyễn Trãi - Nguyễn Cư Trinh xẹt qua. Quán lúc nào cũng đông, đặc biệt những ngày đầu năm mới, khi thời tiết thì nóng nảy như một cô gái đang giận người yêu và người ta thì đã chán ngán thịt gà, thịt kho trứng suốt một mùa dài trong tết.

Không có cù kỳ, chỉ có bún bề bề, bún tôm, bún cá và bánh đa đỏ đúng kiểu Hải Phòng. Nhưng phần nào, hương vị món ăn miền Đông Bắc cũng khiến người ta vơi đi nỗi hoài niệm quê hương. Tình yêu thường đi qua cái dạ dày. Và khi người ta đang yêu da diết nơi nào, thì dạ dày hẳn là cũng đang cồn cào lên vì nhớ...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.