Bùng nổ thị trường hàng không: Cần giải quyết những 'nút thắt'

11/07/2019 07:48 GMT+7

Nút thắt hạ tầng, năng lực quản lý là một trong những lý do khiến không ít doanh nghiệp (DN) có đủ điều kiện nhưng vẫn “trầy vi tróc vẩy” cả gần thập niên vẫn không xin được giấy phép bay .

Đáng nói là đến thời điểm hiện tại, những nút thắt này vẫn loay hoay.
Đơn cử như trường hợp sân bay Tân Sơn Nhất, dù đã quá tải nhiều năm nhưng những dự án mở rộng, xây mới vẫn lòng vòng, chậm trễ không biết bao giờ mới có thể khởi công. Cả những hạng mục quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay như sửa chữa đường lăn, sân đỗ cũng bị “tắc” do vướng cơ chế. Sân bay Long Thành, được kỳ vọng giảm tải cho Tân Sơn Nhất, tạo bàn đạp phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam nhưng đã 3 năm sau khi Quốc hội thông qua báo cáo tiền khả thi, đến nay các thủ tục hành chính vẫn chậm trễ.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định chính sự chậm trễ thực hiện các công trình hạ tầng theo quy hoạch là khó khăn lớn nhất cản trở sự ra đời của các hãng bay. Trong đó, nguyên nhân chính không phải không có tiền mà là do bất cập về quan điểm, lằng nhằng về thủ tục.
“Ngay việc làm nhà ga T3 cho sân bay Tân Sơn Nhất, riêng chuyện để cho DN tư nhân hay DN nhà nước làm cũng đã tốn rất nhiều thời gian tranh cãi. ACV không phải không có tiền, nhưng để hoàn thiện xong “mớ” thủ tục hành chính thì cũng phải lòng vòng mất thêm nhiều thời gian nữa. Trường hợp sân bay Long Thành cũng tương tự, kêu gọi là biết bao DN sẵn sàng vào làm ngay, làm nhanh nhưng không có cơ chế. Nói vậy để thấy chính những bất cập về thủ tục, chính sách đang kéo lùi, tự trói sự phát triển của hàng không VN và trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý”, ông Lịch nói.
Liên quan đến vấn đề nhân lực cho ngành hàng không, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không - Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh bùng nổ hàng không có thể dẫn tới môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, vai trò điều phối từ cơ quan nhà nước là rất quan trọng. Nhà chức trách phải có chính sách, chủ trương quản lý sát sao, can thiệp, điều chỉnh các hãng mở chuyến bay phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đồng thời có sự linh hoạt, chủ động điều tiết để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không và có cơ chế, tạo điều kiện cho nhiều đơn vị huấn luyện phi công ra đời, chủ động đào tạo phi công trong nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.