Tháo nút thắt hạ tầng hàng không: 'Vỡ trận' nhân sự ngành hàng không

21/06/2019 07:31 GMT+7

Phi công làm việc quá thời gian quy định dẫn đến chậm, hủy chuyến bay hàng loạt, “chảy máu” chất xám... nhân sự ngành hàng không đang bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng.

“Cuộc chiến ngầm” giành giật phi công

Với tốc độ tăng trưởng “nóng”, nhu cầu phi công của các hãng hàng không đều tăng cao. Riêng Vietnam Airlines (VNA) hiện có gần 1.200 phi công, song nhu cầu phi công đến năm 2020 là 1.340 người, và cần đến 1.570 phi công vào năm 2025.
Không công bố số lượng phi công cụ thể, song nhu cầu nhân lực phi công của Vietjet và Bamboo cũng không hề nhỏ, đặc biệt khi 2 hãng này liên tục mở rộng đường bay và có kế hoạch bổ sung đội tàu bay. Với Bamboo, số lượng phi công nước ngoài đang chiếm 60% đội ngũ phi công của hãng này, một phần do chiến lược thuê ướt máy bay (kèm theo tổ lái) của hãng. Song tân binh này cũng đang ráo riết tuyển thêm phi công để phục vụ kế hoạch nâng đội máy bay lên 40 chiếc vào năm 2020.
Dù không chính thức thừa nhận nhưng “cuộc chiến ngầm” giành giật phi công giữa các hãng diễn ra rất khốc liệt khi hãng mới gia nhập thị trường đưa ra các mức lương thỏa thuận hấp dẫn để thu hút phi công của các đối thủ. Phát biểu tại một cuộc họp trước Thủ tướng mới đây, Tổng giám đốc VNA Dương Trí Thành cho biết, để đào tạo một phi công lái chính Airbus A320, A321 cần ít nhất 3 - 4 năm đào tạo cơ bản, với phi công lái Airbus A350, Boeing 787, công tác này kéo dài tới 7 - 8 năm. Thế nhưng từ khi thị trường hàng không có sự cạnh tranh mạnh hơn với sự tham gia của nhiều hãng hàng không, VNA đang phải đối diện với nguy cơ chảy máu chất xám do các doanh nghiệp mới sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút, “kéo” phi công của VNA. Và thực tế, theo lãnh đạo VNA, hãng này đã bị lôi kéo mất 30% đội bay.
Việc thiếu hụt phi công trong khi mạng lưới đường bay tăng mạnh cũng khiến tạo nên những áp lực nóng trong điều hành lịch bay của các hãng. Sự cố chậm hủy chuyến nhiều của Vietjet trong hai ngày 14 - 15.6 được Cục Hàng không xác định do phi công vượt quá giờ bay quy định. Cụ thể, Cục Hàng không đã kiểm tra thời gian làm nhiệm vụ, thời gian nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay của Vietjet theo quy định tại phần 15 Bộ Quy chế an toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.
Nhiều trường hợp phi công của Vietjet không tuân thủ đúng chế độ làm việc, nghỉ ngơi theo quy định, vượt quá quy định về thời gian tối đa phi công được phép làm nhiệm vụ bay trong 28 ngày là 100 giờ bay. Hãng này cho biết, do trong quá trình chuyển đổi và sử dụng hệ thống phần mềm phân lịch bay mới, đã gặp một số khó khăn trong công tác theo dõi dữ liệu, dẫn đến không kiểm soát tốt giới hạn thời gian làm nhiệm vụ bay của phi công.

Cần chủ động đào tạo phi công trong nước

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không - Trường đại học Bách khoa TP.HCM, nhận định: Việc thiếu hụt phi công tại VN bản chất là thiếu hụt nguồn cung về giờ lao động. Cụ thể, nhu cầu hành khách di chuyển bằng máy bay không tăng quá cao nhưng các hãng lại đua nhau mở chuyến bay rất nhiều. Máy bay thì có thể thuê thêm được nhưng số lượng phi công có giới hạn, lại bị khống chế thời gian bay tối đa trong 28 ngày (theo quy định tại phần 15 Bộ Quy chế an toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay), nên dẫn tới tình trạng thiếu phi công, phải gom chuyến, dẫn đến việc chậm, hủy chuyến gây bức xúc cho hành khách. Bên cạnh đó, cầu cao hơn cung, các hãng hãng không mới muốn mở rộng mạng bay sẽ sẵn sàng trả giá rất cao để gom phi công từ các hãng khác. Điều này không chỉ gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm xáo động thị trường hàng không mà còn vô hình trung tạo rất nhiều khó khăn, thậm chí đẩy các hãng hàng không đang kinh doanh ổn định với lượng phi công hiện hữu đứng trước nguy cơ “sập tiệm”.
“Tất cả các vấn đề trên đều cần vai trò điều phối quan trọng từ cơ quan nhà nước. Nhà chức trách phải có chính sách, chủ trương quản lý sát sao, can thiệp, điều chỉnh các hãng mở chuyến bay phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đồng thời có sự linh hoạt, chủ động điều tiết để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không”, ông Tống đề xuất.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), VN là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong một thập niên trở lại đây, tăng trưởng doanh thu trung bình 17,4%. Nhưng nghịch lý ở chỗ hiện trong nước chỉ có một trung tâm đào tạo phi công dân dụng (Bay Việt) được Cục Hàng không phê chuẩn. Dự kiến tới đây mới có thêm một trung tâm đào tạo mới của Bamboo, chính thức tuyển sinh cuối năm 2020.
Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng thị trường hàng không VN đang phát triển rất nhanh và việc hoàn thiện hạ tầng, hệ thống nhân sự là nhiệm vụ vô cùng cấp bách. Trong quá trình đó, cần phải có đầu tư từng bước, chủ động đào tạo phi công VN để giảm thiểu việc thuê phi công nước ngoài. Phi công Việt không chỉ giúp đáp ứng đủ nhu cầu thị trường hàng không thương mại mà có thể trưng dụng phục vụ mục đích an ninh quốc phòng. “Cần có cơ chế tạo điều kiện để các đơn vị trong nước trao đổi, hợp tác cùng các đơn vị huấn luyện, cơ quan cấp bằng quốc tế để chủ động việc đào tạo phi công VN ngay trong nước”, ông Tống đề xuất.

Có hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh

Theo thông báo kết luận cuộc họp của Văn phòng Chính phủ hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận ngành hàng không VN đã khởi sắc với việc ra đời của các hãng hàng không mới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân, tạo sự cạnh tranh có lợi cho khách hàng.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy một số bất cập nảy sinh có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo (tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều), bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT chỉ đạo đánh giá năng lực ngành hàng không và có biện pháp quản lý để phát triển tốt nhưng phải phù hợp với quy hoạch, năng lực cơ sở hạ tầng và nhân lực. Ngoài ra, việc thành lập mới hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, năng lực giám sát an toàn khai thác của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng...) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không.
 Mai Hà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.