Bùng phát nhiều ổ dịch bệnh nguy hiểm có thể lây sang người

10/04/2024 19:33 GMT+7

Bộ NN-PTNT cảnh báo nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi đang bùng phát mạnh sẽ gây ra tổn thất lớn về kinh tế, nguy cơ lây bệnh sang người nhưng địa phương vẫn chậm triển khai biện các pháp phòng, chống.

Nhiều dịch bệnh bùng phát mạnh, lây lan nhanh

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), trong 3 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở 6 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 9.000 con gia cầm. Đã có 1 người tử vong do nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 và 1 người nhiễm virus cúm A/H9 đang được điều trị.

Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở Thái Nguyên ngày 5.4

Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở Thái Nguyên ngày 5.4

NGÂN HÀ

30 tỉnh, thành phố đã ghi nhận 159 ổ dịch tả lợn châu Phi, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023, hơn 5.000 con lợn bị tiêu hủy; 9 tỉnh, thành phố có 26 ổ dịch lở mồm long móng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023; 5 tỉnh, thành phố có 43 ổ dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu bò. Ngoài ra, 25 tỉnh, thành phố ghi nhận 101 ca bệnh dại trên đàn chó, mèo.

Qua lấy mẫu xét nghiệm giám sát chủ động, Cục Thú y phát hiện nhiều loại mầm dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành ngoài môi trường ở mức khá cao. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dịch bệnh trên đàn vật nuôi đạt rất thấp, nhiều nơi dưới 10%. Nhiều đàn gia súc, gia cầm và chó, mèo không được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch.

Cục Thú y cảnh báo, dịch bệnh trên vật nuôi hiện nay có nguy cơ rất cao lây lan trên diện rộng, có thể lây truyền bệnh sang người, sẽ gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân và môi trường.

Nhiều địa phương chậm tiêm vắc xin, không đảm bảo yêu cầu chống dịch

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết đối với các loại dịch bệnh, giải pháp phòng chống hiệu quả nhất là tiêm vắc xin, Việt Nam cũng đã sản xuất được nhiều loại vắc xin.

Nhưng thực tế thời gian qua, nhiều địa phương chậm, chưa phê duyệt, chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh, chưa bố trí kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng. Một số địa phương gặp khó khăn trong việc phê duyệt đấu thầu mua vắc xin hoặc giao địa phương cấp huyện phê duyệt kế hoạch mua vắc xin, tiêm vắc tại nhiều thời điểm khác nhau dẫn đến không đồng bộ, không bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Long, từ đầu năm đến nay, Bộ NN-PTNT, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản bản chỉ đạo, nhắc nhở chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, bố trí kinh phí, nhân lực để thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch nhưng việc tổ chức triển khai tại cấp huyện, xã, thôn, bản, ấp chưa hiệu quả, dẫn đến dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng.

Ngày 9.4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị ngăn chặn nhiều loại dịch bệnh trên vật nuôi đang xảy ra trên phạm vi rộng, không để truyền lây sang người.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt kinh phí phòng, chống dịch, triển khai tiêm phòng đợt 1 ngay trong tháng 4 - tháng 5 đối với các loại vắc xin cúm gia cầm A/H5N1, A/H9 để giảm nguy cơ lây bệnh cho con người; tiêm phòng bệnh dại, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục... bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin. 

Bộ NN-PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn vật nuôi; các địa phương báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh và kết quả tiêm phòng qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.