Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và những người đồng cấp của Nhật Bản, Úc, Ấn Độ vừa có cuộc gặp vào ngày 6.10 tại Nhật Bản để thảo luận về các vấn đề liên quan khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). “Bộ tứ kim cương” có thể xem là nền tảng hợp tác của chiến lược Indo-Pacific mà 4 nước này theo đuổi nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thời điểm quan trọng
Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá hầu hết các sự kiện quốc tế gần đây đều diễn ra trực tuyến vì Covid-19, nhưng hội nghị lần này của “bộ tứ kim cương” diễn ra theo hình thức truyền thống, quy tụ đủ ngoại trưởng 4 nước. Điều đó, theo ông, cho thấy tính chất quan trọng của cuộc gặp.
Bắc Kinh phản ứng về phát ngôn của Ngoại trưởng Mike PompeoQuan điểm tiêu cực về Trung Quốc ở mức cao
Tờ Newsweek hôm qua 7.10 dẫn lời một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã bác bỏ tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo tại hội nghị của “bộ tứ kim cương” ngày 6.10. “Chúng tôi không chấp nhận những lời bôi nhọ đầy khinh suất cũng như cáo buộc vô căn cứ chống Trung Quốc”, phát ngôn viên trên cho hay. Người này cũng nhấn mạnh Trung Quốc mong muốn hợp tác giữa các quốc gia hơn là đối đầu.
Cùng ngày 7.10, Reuters dẫn khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) được thực hiện tại 14 nước có nền kinh tế phát triển cho thấy quan điểm tiêu cực đối với Trung Quốc tăng lên trong năm qua. Theo khảo sát liên quan 14.276 người, đa số người dân ở các nước trên có ý kiến tiêu cực về Trung Quốc. Việc khảo sát được thực hiện tại 14 nước: Úc, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Mỹ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Canada, Bỉ, Đan Mạch, Nhật Bản, Pháp và Ý. Khảo sát cho thấy 61% người được hỏi cho rằng Trung Quốc đã không làm tốt công tác chống dịch.
Huỳnh Thiềm
|
“Gần đây, nhiều quan chức ngoại giao Mỹ, điển hình là Thứ trưởng Ngoại giao Stephen E Biegun, chỉ ra rằng đang thiếu một khuôn khổ đa quốc gia như NATO ở Indo-Pacific. Gần đây nhất, trả lời truyền thông Nhật, Ngoại trưởng Pompeo cũng nói tương tự. Điều này cho thấy chính phủ Mỹ đang tìm kiếm khuôn khổ hợp tác đa phương như NATO ở khu vực”, TS Nagao nhận định.
“Trong quá khứ, Mỹ phát động sáng lập NATO để đối phó Liên Xô khi hai bên cạnh tranh quyền lực. Giờ đây, Mỹ cần một NATO tương tự để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực. Trong quá trình vừa qua, Bắc Kinh đã hiện đại hóa quân sự rất nhanh với số lượng tàu chiến, máy bay chiến đấu và nhiều khí tài khác được bổ sung chóng mặt. Ví dụ từ năm 2000 - 2017, Mỹ chỉ đóng mới 15 tàu ngầm thì Trung Quốc bổ sung 44 tàu ngầm. Vì thế, Mỹ muốn các đối tác trong “bộ tứ kim cương” san sẻ gánh nặng tương tự NATO để tạo thế đối trọng với Trung Quốc ở Indo-Pacific”, chuyên gia này nhận định.
Vì thế, theo ông, “bộ tứ kim cương” đang trải qua bước đi quan trọng để xây dựng “NATO châu Á”.
Động lực cho “bộ tứ kim cương”
Tương tự, trả lời Thanh Niên, Ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) chỉ ra một số lý do để hội đàm trên có ý nghĩa quan trọng.
“Đây là lần đầu tiên ngoại trưởng của Mỹ, Ấn Độ và Úc gặp tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để ngoại trưởng 4 nước gặp gỡ nhau thảo luận về chính sách kinh tế, đối ngoại khi 2 trong số 4 thành viên là Nhật và Ấn Độ đang đối mặt căng thẳng tăng cao với Trung Quốc về chủ quyền”, ông Schuster đánh giá và khẳng định: “Các hành vi hung hăng của Trung Quốc tạo động lực cho tiến trình tăng cường hợp tác của “bộ tứ kim cương”.
Còn chờ ?
Cũng trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận định hội đàm trên đánh dấu việc lần đầu tiên, kể từ khi Covid-19 bùng nổ, “bộ tứ kim cương” gặp nhau. Cuộc gặp cũng diễn ra sau khi Trung Quốc có nhiều hành vi đáng quan ngại ở Biển Đông, biển Hoa Đông và biên giới với Ấn Độ.
“Tuy nhiên, kết quả cuộc họp còn chưa thực sự rõ ràng. Bởi sau cuộc họp, việc thiếu một tuyên bố chung với mục tiêu rõ ràng và thiếu một cuộc họp báo chung để chia sẻ kết quả hội đàm. Thực tế này có thể được hiểu là 4 bên chưa thật sự đồng thuận trong một số vấn đề”, TS Nagy nhận định và phân tích thêm: “Phía Mỹ có thể nói là mạnh mẽ nhất trong việc tăng cường hợp tác an ninh để đối phó Trung Quốc. Nhưng 3 nước còn lại vẫn có những khó khăn riêng. Dù Nhật Bản, Úc và Ấn Độ chắc chắn đều lo ngại các hành vi của Trung Quốc gần đây. Nhưng Trung Quốc lại là đối tác thương mại quan trọng của 3 nước này”.
Trong khi đó, ông Schuster lại cho rằng: “Có thể, Trung Quốc và một số nước chỉ ra rằng hội nghị kết thúc mà thiếu thông cáo chung hay họp báo chung để công bố sáng kiến hành động. Tuy nhiên, hội nghị lần này về bản chất chỉ dừng lại ở mức gặp gỡ và chia sẻ. Chưa có mối đe dọa hay vấn đề khẩn cấp nào để các “bộ tứ kim cương” phải xử lý gấp gáp. Trong khi đó, các ngoại trưởng Mỹ, Ấn Độ và Úc còn phải đánh giá quan điểm của tân Thủ tướng Nhật Suga, rồi chuyển các đánh giá này về lãnh đạo của nước mình nhằm cập nhật rõ ràng hơn quan điểm của Tokyo”.
Phân tích thêm, PGS Nagy đánh giá: “Tuy còn nhiều thách thức để đạt được đồng thuận về an ninh, “bộ tứ kim cương” vẫn có thể đẩy nhanh hợp tác trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối và đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở Indo-Pacific. Tuy nhiên, tất cả các cam kết hợp tác có lẽ tạm thời vẫn chưa thể thành hiện thực, vì Nhật Bản và Úc, Ấn Độ còn phải chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới để định hình chính sách”.
Bình luận