Bước ngoặt lớn ở nước Đức

Như Trần
Như Trần
20/03/2022 09:28 GMT+7

Đức đang bắt đầu soạn thảo chiến lược an ninh quốc gia mới toàn diện hơn để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong một châu Âu đang phải đối mặt những thách thức mới.

Nhiều kỳ vọng mới

Đài DW đưa tin Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 18.3 thông báo chính phủ nước này đã bắt đầu thảo luận về chiến lược an ninh quốc gia mới. Theo tờ Der Spiegel, chiến lược sẽ được hoàn thành trước cuối năm nay. Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết đưa ra một chiến lược an ninh quốc gia mới cho Đức, dự định áp dụng định nghĩa rộng về an ninh với chính sách khí hậu đóng vai trò trung tâm.

Tuy nhiên, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đức đã thực hiện một loạt thay đổi chính sách lớn, bao gồm cam kết chi 100 tỉ euro để hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Der Spiegel nhận định câu hỏi về việc châu Âu nên tự bảo vệ mình như thế nào trước mối đe dọa từ Nga sẽ chiếm nhiều chỗ hơn trong chiến lược an ninh của Đức so với kế hoạch ban đầu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong một cuộc họp trực tuyến với các nước đồng minh

Reuters

Trong bài phát biểu, bà Baerbock nhấn mạnh sự cần thiết của cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh quốc gia. Ngoại trưởng Đức cũng mong muốn nước mình có lập trường rõ ràng, khả năng hành động mạnh mẽ hơn và các công cụ sắc bén hơn cho chính sách đối ngoại và an ninh. Bà Baerbock cho biết EU đang lần đầu tiên xây dựng một chính sách an ninh sâu rộng do Đức khởi xướng. Đồng thời, bà cho rằng an ninh của Đức nên bổ sung cho chính sách an ninh của EU và NATO.

Ngoại trưởng Đức cũng nói NATO cần hiện diện nhiều hơn ở các nước Đông Nam châu Âu và Đức sẽ đóng góp lực lượng ở Slovakia. Tuy nhiên, bà Baerbock nhắc lại mục tiêu của Đức là đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Baerbock cũng kêu gọi đưa ra chiến lược an ninh hướng tới tương lai, bao gồm việc tập trung vào an ninh mạng. Chính sách năng lượng cũng đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh, đặc biệt là sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Bà Baerbock đã kêu gọi Đức rời xa các nguồn năng lượng hóa thạch và tiến nhanh hơn tới các nguồn năng lượng tái tạo.

Đức thông báo không gửi chiến đấu cơ cho Ukraine

Tác động đến châu Âu

Nước Đức thường được ví với một tàu chở container khổng lồ, rất chậm và hiếm khi thay đổi hướng đi. Tuy nhiên, hành động quân sự của Nga ở Ukraine đã tác động sâu sắc đến 100 ngày đầu tiên cầm quyền của Thủ tướng Scholz và giúp thế giới chứng kiến sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Đức.

Giáo sư Christoph Meyer về chính trị châu Âu và quốc tế tại Đại học Hoàng đế London nhận định dù có thể quá muộn để ngăn Nga, sự thay đổi của Đức vẫn vượt quá mong đợi của Mỹ và các đồng minh, những nước nhiều năm qua muốn Berlin gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ châu Âu. Nhìn chung, đây là sự thay đổi đáng kể của nền kinh tế lớn nhất châu Âu theo hướng trở thành một tác nhân quốc phòng có năng lực và tham gia nhiều hơn.

Bình luận trên tờ Financial Times, bà Daniela Schwarzer, Giám đốc điều hành Quỹ xã hội mở ở châu Âu và châu Á, cho rằng các cam kết mới của Berlin không chỉ nhằm đảm bảo an ninh cho Đức. Chính phủ Đức sẽ tìm cách duy trì chính sách an ninh và đối ngoại mới của mình sâu trong chính sách EU để đấu tranh cho hòa bình và tương lai của lục địa. Đồng thời, Đức cũng sẽ tìm cách trấn an các đối tác trước việc một gã khổng lồ kinh tế trở thành đầu tàu trong chính sách đối ngoại và an ninh.

Nợ của Đức trong năm 2022 sẽ tăng gấp đôi

Politico đưa tin Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner hồi giữa tuần cho biết Đức sẽ phải gánh khoản nợ ít nhất 200 tỉ euro trong năm nay, một nửa trong số đó là chi phí để hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Ông Lindner cho biết ban đầu chính phủ chỉ lên kế hoạch nợ 99,7 tỉ euro trong năm nay. Bộ trưởng Lindner nói số nợ của Đức có thể tăng hơn nữa do dòng người tị nạn từ Ukraine và những bất ổn kinh tế mà xung đột ở Ukraine gây ra như giá năng lượng tăng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.