Với tỷ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý rất cao, đại đa số cử tri đều thể hiện ý nguyện muốn tách Bougainville ra khỏi thực thể nhà nước Papua New Guinea.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý này ở Bougainville không có hiệu lực ràng buộc đối với nhà nước Papua New Guinea, nhưng lại không phải hữu danh vô thực.
Tiếp theo đây là quá trình đàm phán giữa chính phủ Papua New Guinea và chính quyền ở Bougainville để đi đến một thỏa thuận, rồi quốc hội Papua New Guinea sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Nhưng một khi vụ việc đã diễn biến đến mức độ như hiện tại thì việc quần đảo nhỏ kia với chỉ có khoảng 250.000 dân trở thành nhà nước quốc gia mới chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bougainville không phải là trường hợp muốn độc lập riêng duy nhất. Ở nhiều khu vực đang định hình rõ nét trào lưu vùng lãnh thổ nào đấy đấu tranh chính trị, pháp lý và vũ trang giành độc lập.
Nguyên nhân chung cho tất cả các trường hợp ấy là những vấn đề liên quan lịch sử không được quan tâm giải quyết ổn thỏa, là tình trạng phân biệt đối xử giữa vùng miền, văn hóa, sắc tộc và tôn giáo, là sự thịnh vượng của quốc gia cũng như thành quả phát triển kinh tế xã hội của đất nước không được để cho hưởng thụ một cách công bằng giữa các cộng đồng dân chúng và vùng miền.
Bougainville vì thế không phải là trường hợp cuối cùng trên thế giới về trở thành nhà nước độc lập.
Bình luận (0)