Để có tiền làm thiện nguyện, bà Nguyễn Thị Nhung (57 tuổi, ngụ P.Văn Miếu, Q.Đống Đa, Hà Nội) đã bỏ việc nhà nước, đi buôn từ quả ớt, quả chanh và trụ lại với nghề bán ốc ở chợ Châu Long (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Nghỉ việc nhà nước đi bán rau
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, bà Nhung cho biết, bà sinh ra và lớn lên ở P.Phúc Đồng, Q.Long Biên, Hà Nội. Là con thứ 3 trong một gia đình có 8 anh chị em, nên cuộc sống vất vả. Năm 17 tuổi, bà viết đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong và được tuyển vào bộ phận nuôi quân. Sau đó, bà được đi học trung cấp nấu ăn và phục vụ trong quân đội 4 năm. “Cả trung đoàn ai cũng biết tôi vì tôi nấu ăn ngon và có cái tên đặc biệt là Nhôm”, bà Nhung nhớ lại.
Sau đó, bà Nhung được về làm thủ quỹ ở UBND Q.Hoàn Kiếm lúc 21 tuổi. Khi Xí nghiệp vệ sinh môi trường Q.Hoàn Kiếm, thuộc Công ty vệ sinh môi trường của TP.Hà Nội, mới thành lập, bà được phân công sang làm Bí thư Đoàn thanh niên của xí nghiệp, kiêm thủ quỹ, rồi được chuyển sang làm Xí nghiệp thương binh Q.Hoàn Kiếm. Ở đây, bà đã quen một thương binh và xây dựng gia đình.
“Năm 1987, tôi sinh con đầu tiên và cũng là năm đánh dấu hành trình bắt đầu làm thiện nguyện của tôi. Khi tôi đang nghỉ sinh con ở nhà thì có một cụ già đến xin ăn. Tôi mời vào, thấy tay cụ run lên và lả dần. Tôi lấy cân đường người ta đến thăm tôi đẻ để pha cho cụ uống. Rồi bà cụ mới tỉnh và ăn hết một nồi cơm với rau dền, trứng luộc, nhưng phải nửa ngày sau thì bà cụ mới khỏe trở lại. Bà cụ đã nói với tôi một câu mà tôi nhớ như in: Con cứu sống mẹ rồi, cả đời này mẹ không quên được ơn. Nghe câu nói ấy, tôi cảm nhận được việc làm mình quá ý nghĩa, nên tôi bắt đầu nghĩ đến làm việc thiện”, bà Nhung chia sẻ.
Năm 1989, bà vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thăm anh bị ốm, thấy cảnh bệnh nhân xin nhau từng mẩu bánh mì, bà lại thương cảm và bỏ hết tiền trong túi ra mua cả thúng bánh mì vào phát cho bệnh nhân. “Khi tôi chia hết cả thúng bánh mì mà vẫn còn bệnh nhân chưa có. Họ đứng thẫn thờ, khiến tôi phát khóc vì thương. Tôi nghĩ là mình phải làm nghề kinh doanh thì mới có nhiều tiền làm việc thiện. Vậy là tôi về nói với chồng: Anh cho em nghỉ việc...”, bà Nhung nghẹn giọng.
Tuy nhiên, chồng bà không đồng ý, vì để có được công việc ổn định trong cơ quan nhà nước đâu có dễ. “Khi đó, bác tôi đang làm cán bộ tổ chức của Q.Hoàn Kiếm. Khi tôi xin nghỉ việc, bác tôi sốc lắm. Bác tôi hỏi tại sao, tôi chỉ nói tôi có hoàn cảnh đặc biệt, nên không có đủ thời gian để đảm nhận công việc 8 tiếng mỗi ngày. Nhưng bác tôi không cho nghỉ...”, bà Nhung khóc khi nhớ lại chuyện cũ.
Nhưng ý tưởng có nhiều tiền để làm thiện nguyện vẫn thôi thúc và bà quyết định nghỉ không lương, sau đó xin “về một cục” (nhận tiền trợ cấp xã hội 1 lần - PV). “Khi có tiền nghỉ chế độ, tôi đã mua hết bánh mì vào Bệnh viện Bạch Mai để phát cho bệnh nhân. Tôi phải đi phát mấy tuần mới hết số tiền nhận về một cục đó”, bà Nhung chia sẻ.
Sau đó, bà bắt đầu đi buôn rau để mưu sinh. “Tôi chấp nhận đi buôn quả chanh, quả ớt, củ khoai lang, mớ rau để bươn chải và nắm bắt thị trường. Sau đó, tôi đi buôn ốc nhồi, ốc đá, mua từ các tỉnh về Hà Nội. Cứ 12 giờ đêm tôi lại ra ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ) để nhận hàng và bán buôn bán lẻ cho các chợ...”, bà Nhung kể.
Cũng từ đó, bà Nhung có tiền tích lũy để đi làm việc thiện. Năm 1990, bà bắt đầu đến Bệnh viện Bạch Mai đặt cơm ở căn tin để giúp những bệnh nhân nghèo.
|
Đam mê làm việc thiện
Do mê làm việc thiện, nên cuộc sống của bà cũng đầy thăng trầm. Người chồng cũ của bà không ủng hộ, bất hòa về quan điểm, ông bà chia tay khi đã có với nhau 3 mặt con. Nhưng bà lại gặp được một người tâm đầu ý hợp là người bạn đã từng biết bà thời quân ngũ. Đã hơn 10 năm nay, ông luôn đồng hành với bà trên hành trình làm thiện nguyện.
“Vui nhất là vợ chồng tôi mua căn nhà ở 157 phố Lạc Nghiệp (P.Thanh Nhàn, Q.Hai Bà Trưng) để trao quyền sử dụng cho nhóm tình nguyện viên của T.Ư Hội Chữ thập đỏ làm trụ sở hoạt động”, bà Nhung cho biết. Khi thấy nhóm tình nguyện viên của hội chữ thập đỏ không có nơi để nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân, bà Nhung quyết định bỏ ra số tiền tích góp được trong 20 năm buôn bán của mình, mua ngôi nhà 4 tầng gần 60 m2 ở phố Lạc Nghiệp, giao cho các thành viên trong nhóm quản lý, làm nơi liên lạc, kết nối để thuận tiện hơn trong hoạt động từ thiện.
Hiện nay, cứ vào thứ hai hằng tuần, hai vợ chồng bà lại đến ngủ ở ngôi nhà đó, 3 giờ sáng thứ ba là thức dậy nấu cháo, để nhóm tình nguyện “Mùa Thu và những người bạn” của T.Ư Hội Chữ thập đỏ mang đi phát miễn phí ở các bệnh viện. “Tôi nói với nhóm là cố gắng phát cháo được tất cả các bệnh viện ở Hà Nội. Hiện chúng tôi đã phát được ở 8 bệnh viện với 3 lần/tuần, mỗi lần từ 2.800 - 3.000 suất”, bà Nhung cho biết.
|
“Bà tiên giữa đời thường”
Để hoạt động thiện nguyện được lan tỏa, từ 3 năm nay, bà Nhung gia nhập nhóm thiện nguyện “Mùa Thu và những người bạn”. Hầu như tháng nào bà cũng đóng góp 1 tạ gạo để nhóm nấu cháo tặng bệnh nhân. Bà Nhung còn lặn lội đến các vùng sâu, vùng xa tặng quà cho trẻ em nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn, nên lúc nào bà cũng bận bịu.
“Thu nhập chính của tôi vẫn là nghề buôn bán hải sản, trong đó chủ yếu là bán ốc. Nhưng tiền có bao nhiêu, tôi trả lương bấy nhiêu và dành hết số còn lại để làm thiện nguyện. Tôi chỉ cần đủ ăn. Được làm việc, nhất là việc có ích cho mọi người, tôi thấy vui lắm. Không chỉ tôi, mà những người cùng chung tay góp sức cho các hoạt động thiện nguyện đều thấy cuộc sống thêm ý nghĩa...”, bà Nhung trải lòng.
Hết lời khen ngợi bà Nhung, chị Thành Thu Lương, Trưởng nhóm thiện nguyện “Mùa Thu và những người bạn”, chia sẻ: “Bà Nhung đúng là bà tiên giữa đời thường. Có đồng hành với bà khi nấu cháo tặng bệnh nhân, khi đi thăm tặng quà người nghèo... mới thấy hết tấm lòng của bà. Lần nào cũng vậy, không chỉ góp tiền của, bà Nhung luôn là người đi đầu, thường xuyên dậy từ 3 giờ sáng nấu những phần ăn thật ngon cho người nghèo. Nhiều năm nay, bất kể xa hay gần, hễ biết ở đâu có người cần giúp đỡ, bà đều sẵn sàng tìm đến hỗ trợ. Tấm lòng của bà thật đẹp, luôn là nguồn động lực và truyền cảm hứng làm việc thiện cho chúng tôi”.
Chia sẻ về bà Nhung, anh Nguyễn Trung Tiến, một người được bà cưu mang nhiều năm và đã có gia đình riêng ở phố An Dương (Q.Tây Hồ, Hà Nội), cho biết: “Cô Nhung và tôi không có máu mủ ruột rà gì, nhưng cô đã giúp đỡ để tôi có cuộc sống tự lập. Tôi coi cô như người mẹ của mình”.
Trong hơn 30 năm làm việc thiện, bà Nguyễn Thị Nhung đã nhận được nhiều kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen của Hội Chữ thập đỏ các cấp. Năm 2020, bà vinh dự nhận danh hiệu Người tốt, việc tốt do Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trao tặng.
|
Bình luận (0)