Đó là bệnh nhân Đ.T.T (39 tuổi, quê An Giang). Cách đây 4 năm, chị T. phát hiện khối u nang buồng trứng, có điều trị ở một số nơi, nhưng chưa phẫu thuật lấy khối u được, do chị bị trụy tim mạch. Khối u ngày càng lớn nhanh trong ổ bụng.
tin liên quan
'Kéo' bệnh nhân ra ngoài mổ dẫn đến tử vong: Hội đồng chuyên môn kết luận thế nào?Mới đây, chị T. bị đau quặn bụng, khó thở, được đưa vào bệnh viện địa phương, rồi chuyển lên Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Tại đây, bác sĩ làm các xét nghiệm; bác sĩ nhiều khoa: Phụ sản, Tiêu hóa Nội tiết, Lồng ngực mạch máu, Tim mạch, Hô hấp, Gây mê hồi sức, hội chẩn gấp, đánh giá toàn diện tiền sử bệnh và tình trạng hiện tại của chị T.
Ca phẫu thuật cho chị T. kéo dài hơn 6 giờ, bóc tách khối u thành công. Khối u khổng lồ chứa 48 lít dịch, riêng phần bao khối u nặng 3 kg. Hôm nay, sức khỏe của chị đã phục hồi, gần xuất viện.
Theo TS-BS Phan Tôn Ngọc Vũ - Trưởng khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện, chị T. có tiền sử trụy tim mạch, ngưng tuần hoàn, khối u quá to, nên phải đánh giá toàn diện những yếu tố nguy cơ khi gây mê trong ca phẫu thuật. Nhờ có kinh nghiệm và phối hợp nhịp nhàng của các chuyên khoa nên ca mổ thành công.
Theo TS-BS Phan Tôn Ngọc Vũ, đây là khối u ổ bụng to nhất mà BV trong nước ghi nhận và là 1 trong 5 khối u ổ bụng lớn nhất thế giới từng được ghi nhận (đến thời điểm hiện tại).
Còn theo bác sĩ Lê Thị Kiều Dung - Trưởng khoa Phụ sản của bệnh viện (người phẫu thuật hút dịch và lấy khối u của chị T.), với 34 năm làm nghề, nhưng đây là lần đầu bác sĩ Dung chứng kiến người bệnh có thể sống với khối u khổng lồ như thế trong ổ bụng.
Theo các bác sĩ, đây là u lành tính, nhưng nếu không phẫu thuật kịp thời, khối u to chèn ép tim, phổi và các cơ quan nội tạng khác gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Vì là u dính nên ê kíp phẫu thuật phải cẩn trọng bóc tách từ từ; hút dịch cũng từ từ - nếu làm nhanh, áp suất chèn ép giảm đột ngột có thể dẫn đến vỡ tim, phù phổi gây rối loạn huyết động học.
|
Bình luận (0)