Cách đây 5 năm, người dân buôn Ea Sar, xã Ea Sar, H.Ea Kar (Đắk Lắk) hồ hởi nhận hàng ngàn cây ca cao giống do dự án phát triển ca cao nông hộ của tỉnh cấp phát miễn phí, bình quân mỗi hộ trồng 200 cây.
>> Sóc phá vườn ca cao
>> Nông dân điêu đứng vì ca cao nhiễm bệnh
>> Ca cao “cứu” cây điều
Câu lạc bộ trồng ca cao của buôn được thành lập với 40 hộ thành viên. Thế nhưng, vài năm sau, ước mong đổi đời từ loại cây trồng mới này của các hộ dân thui chột dần theo đà hàng loạt cây ca cao chết do khô hạn, sâu bệnh, thiếu nước tưới, không có tiền đầu tư chăm sóc...
|
Ông Y Thin Byă, Trưởng buôn Ea Sar, là người trồng ca cao nhiều nhất buôn, với 300 cây, nhưng bây giờ không còn một cây. Hỏi lý do, Y Thin bảo: “Trước đây mình trồng điều, cho trái ít quá, chuyển sang trồng ca cao nhưng không có tiền mua phân bón, lại thiếu nước tưới nên phải chặt bỏ hết để trồng mía, dễ có thu nhập hơn”. Thấy trưởng buôn chặt ca cao, hầu hết các hộ trong buôn Ea Sar làm theo, hiện chỉ còn 8 hộ có ca cao trong vườn nhà nhưng số lượng không nhiều. Ông Trần Văn m, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Sar, cho biết trước đây cả xã trồng hơn 300 ha ca cao nhưng hiện thống kê còn 139 ha.
Theo một nghiên cứu mới đây về phát triển cây ca cao ở Đắk Lắk của Viện Nghiên cứu xã hội - kinh tế và môi trường (iSEE) - Bộ Khoa học - Công nghệ, có đến 300 trong số 900 hộ trồng ca cao tại H.Ea Kar đã chặt bỏ cây, còn số hộ bỏ bê, không chăm sóc cây nhiều chưa thống kê được. TS Vũ Hồng Phong, cán bộ iSEE, cho rằng người nông dân chưa mặn mà với ca cao do giá hạt ca cao giảm mạnh (từ trên 60.000 đồng xuống còn khoảng 40.000 đồng/kg), dân không có vốn chăm sóc...
Ông Nguyễn Xuân Diệp, Phó trưởng ban Quản lý dự án phát triển ca cao bền vững tại nông hộ tỉnh Đắk Lắk, cho biết đến nay cả tỉnh phát triển được gần 2.000 ha ca cao, trong đó dự án trên đã “góp” 600 ha. Ông Diệp cho rằng việc người dân một số vùng chặt ca cao là “bình thường”, bởi trước đây ngay cả cà phê cũng từng gặp thăng trầm, bị đốn bỏ hàng loạt để thay thế bằng cây trồng khác. Theo ông Diệp, việc dự án hỗ trợ cây giống cho các nông hộ chỉ là cách “truyền nghề trồng ca cao”, nông dân muốn làm giàu từ loại cây này phải đầu tư phát triển thêm.
“Người trồng ca cao đang rất cần vốn để chăm sóc, thâm canh, nhưng các chính sách hỗ trợ vốn cho ca cao hiện chưa có. Cách đây hai năm, tỉnh Đắk Lắk ra nghị quyết về phát triển cây ca cao nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy, chưa có định mức hỗ trợ cụ thể cho nông dân”, ông Diệp cho hay.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)