Cả gia đình đi chống dịch Covid-19: ‘Khi Sài Gòn khỏe lại, nhà mình đoàn viên’

06/09/2021 10:17 GMT+7

Ba làm bác sĩ điều trị Covid-19 , anh Nguyễn Phước Toàn (19 tuổi, ở H.Hóc Môn, TP.HCM) và mẹ cũng không 'kém cạnh' khi xung phong hỗ trợ công tác chống dịch . Cả gia đình quyết tâm vì lời hẹn: ‘Sài Gòn khỏe lại nhà mình đoàn viên’.

4 giờ 30 phút sáng, anh Toàn cùng mẹ thức dậy sớm chu toàn công việc nhà để kịp 6 giờ xuất phát các địa điểm đã được phân công hỗ trợ việc nhập liệu, tiêm vắc xin Covid-19. Vẫy tay chào đứa em trai đang học lớp 8 ở lại trông nhà, anh Toàn và mẹ bắt đầu một ngày mới, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. 

“Hai mẹ con mình cùng cố gắng!”

Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, Toàn kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm đặc biệt khi hai mẹ con cùng làm tham gia nhóm nguyện viên chống Covid-19 ở xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn. Anh cười nói hôm nay, mình hỗ trợ tiêm vắc xin ở điểm Trường tiểu học Cầu Xáng, còn mẹ thì hỗ trợ nhập liệu ở P.Tân Chánh Hiệp. Lúc trò chuyện với PV, cả 2 mẹ con đang về nhà ngoại để ăn cơm trưa và nghỉ ngơi.
Giữa tháng 6, sau khi tham gia Tiếp sức mùa thi, Toàn tiếp tục đăng ký để trở thành tình nguyện viên hỗ trợ TP.HCM chống dịch Covid-19. Mẹ anh, bà Lê Thị Thu Cúc (44 tuổi) đang làm kế toán cho một trường học cũng “theo con trai” xung phong hỗ trợ chống Covid-19.

Có mẹ cùng là tình nguyện viên với mình là một trải nghiệm khó quên đối với anh Toàn. Những khi mệt mỏi, anh nghe mẹ động viên: “Cố lên con trai! Hai mẹ con mình cùng cố gắng!” là Toàn lại có năng lượng để tiếp tục

ẢNH: NVCC

Công việc của 2 mẹ con anh Toàn những tháng qua là hỗ trợ nhập liệu, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19, hỗ trợ các điểm tiêm vắc xin cũng như tham gia phân phát nhu yếu phẩm đến với những con hẻm phong tỏa, những người khó khăn trên địa bàn H.Hóc Môn

ẢNH: NVCC

“Ba mình thì đang ở bệnh viện điều trị F0, ở nhà 2 mẹ con cũng cố gắng để hỗ trợ TP lúc này, mong sao Sài Gòn mau khỏe lại. Bản thân mình là người thích các công việc tình nguyện, vì mình còn trẻ, còn sức khỏe. Vui nhất là đi tình nguyện mà còn có mẹ cùng làm, mình có động lực vô cùng lớn. Mình cũng yên tâm khi có đứa em trai ở lại trông nhà, lo cơm nước”, anh bộc bạch.
Công việc của 2 mẹ con anh Toàn những tháng qua là hỗ trợ nhập liệu, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19, hỗ trợ các điểm tiêm vắc xin cũng như tham gia phân phát nhu yếu phẩm đến với những con hẻm phong tỏa, những người khó khăn ở H.Hóc Môn. Mỗi ngày, dù phải liên tục mặc đồ bảo hộ nhiều giờ, tính chất công việc đôi khi áp lực phải làm từ sáng đến chiều, có những khi đến tối muộn nhưng anh Toàn và mẹ chưa bao giờ muốn dừng lại.
Toàn thầm nghĩ rằng những công việc mà mình đang làm “còn nhẹ hơn gấp trăm lần” so với công việc của ba, của các y bác sĩ trong bệnh viện đang ngày đêm chiến đấu vì bệnh nhân Covid-19. Những khi mệt mỏi, anh nghe mẹ động viên: “Cố lên con trai! Hai mẹ con mình cùng cố gắng!” là Toàn lại có năng lượng để tiếp tục.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Hải (46 tuổi, ba ruột Toàn) đang điều trị F0 tại Bệnh viện đa khoa Hóc Môn

ẢNH: NVCC

Hỗ trợ công tác chống Covid-19 với anh Toàn là một trải nghiệm khó quên đối với bà Cúc vì bà không chỉ được góp sức vào cuộc chiến chống Covid-19 của TP mà còn chứng kiến được sự trưởng thành của con mình.
“Có những khi thấy tôi tiếp xúc với nhiều người, Toàn nó chạy lại xịt khuẩn cho mẹ khắp người, thấy mẹ làm chậm, cháu nó lại hối mẹ làm nhanh lên, thấy mẹ mệt, cháu lại hỏi thăm, động viên. Vậy là hai mẹ con lại có sức làm. Thấy cháu quan tâm mọi người, miệt mài làm nhiệm vụ của mình vì cộng đồng mà lòng tôi cũng thấy tự hào về con”, bà cười.

VIDEO Mang cần cẩu 20 mét phát quà cho chung cư cũ Sài Gòn

Lời hẹn ngày trở về

Khi nhắc đến chồng đang làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Hóc Môn, bà Cúc rưng rưng. Từ ngày dịch bùng phát, ông Nguyễn Phước Hải (46 tuổi, chồng bà Cúc) chỉ về nhà được 1 lần. Gần 2 tháng qua ông vẫn tất bật với công việc điều trị chưa thể về thăm nhà.
Dù đã quen với việc không thể gọi điện cho chồng vào ban ngày vì “anh mặc đồ bảo hộ kín mít, không thể dùng điện thoại trong lúc làm việc”, nhưng nhiều lúc bà lo lắng cho chồng đến rơi nước mắt. Mỗi tối, cả gia đình video call với nhau, bà lại dặn dò chồng phải giữ sức khỏe, hẹn một ngày hết dịch cả gia đình lại đoàn viên bên nhau.

Sự động viên từ đồng nghiệp cũng như tất bật với công việc điều trị làm cho ông Hải vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình

ẢNH: NVCC

Gia đình anh Toàn hẹn nhau đến khi hết dịch cả nhà sẽ đoàn viên

ẢNH: NVCC

“Cả nhà mang theo lời hứa đó để làm động lực cố gắng hết sức cho công việc mà mình đang làm. Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm qua đi để mọi thứ trở về bình thường”, bà Cúc hi vọng.
Những ngày này, thật khó để chúng tôi liên lạc với ông Hải vì tính chất công việc của ông luôn bận rộn, PV tranh thủ gọi điện hỏi thăm vào buổi tối, khi ông đang nghỉ ngơi. Vốn là bác sĩ Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức Bệnh viện đa khoa Hóc Môn, ông tham gia vào công tác chống dịch từ những ngày đầu Covid-19 bùng phát tại TP.HCM.
“Thời gian đầu tôi trong đoàn bác sĩ của huyện đi truy vết, lấy mẫu cộng đồng, đến giờ thì tham gia điều trị. Nói thật, ám ảnh lớn nhất của tôi những ngày này chính là chứng kiến bệnh nhân của mình không qua khỏi. Nụ cười hay lời cảm ơn, động viên của nhiều người đang điều trị ở đây dành cho các y bác sĩ khiến chúng tôi thấy được an ủi phần nào”, ông cho hay.
Xa gia đình một thời gian dài, ông Hải nói mình rất nhớ vợ con, tuy nhiên nỗi nhớ đó ông lại “để dành vào mỗi buổi tối vì ban ngày phải tập trung cho công việc không có thời gian để nhớ”. Sự động viên của đồng nghiệp cũng như những lần gia đình hỏi thăm nhau qua điện thoại chính là động lực lớn nhất để ông Hải hoàn thành tốt công việc của mình.
“Biết được mấy mẹ con ở nhà chống dịch, tôi vừa lo lắng nhưng cũng vừa tự hào. Mong hai mẹ con giữ sức khỏe thật tốt chờ tới ngày hết dịch tôi về. Tôi cũng thèm và một bữa cơm nhà lắm rồi”, ông bày tỏ.
Cứ như vậy, từng thành viên trong gia đình ông Hải đều cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình “đến ngày hết dịch Covid-19 thì thôi”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.