Cà kheo của Việt Nam từng xuất hiện ở Hy Lạp từ 500 năm trước Công nguyên?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
11/06/2021 17:46 GMT+7

Ở Nhật Bản, người ta gọi cà kheo là Takeuma - tức "ngựa tre", món đồ chơi của trẻ em từ thời Edo; Hàn Quốc gọi là Jugma; Indonesia gọi là Egrang. Đặc biệt ở Myanmar, trẻ con từ 5 tuổi đã được dạy đi cà kheo.

Cà kheo là một cặp cây gỗ dài, có chỗ đứng để người ta sử dụng đi trên cao. Từ thế kỷ 17 khái niệm "đi cà kheo" đã xuất hiện trong Từ điển Việt - Bồ - La (tr. 77) nhưng chắc rằng vật này đã được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam từ thời xưa hơn nữa, đặc biệt là những dân tộc ít người ở miền núi hay cư dân vùng biển.
Cà kheo có nguồn gốc từ chữ 高蹺 trong Hán ngữ, đọc theo âm Hán-Việt là cao khiêu; phát âm theo tiếng Quan Thoại là gāoqiāo; Quảng Đông là gou1 hiu1. Cao khiêu còn được gọi bằng một số tên khác như Thái cao khiêu (踩高蹺); Thái quải tử (踩拐子), Phược sài cước (縛柴腳); Đạp cao khiêu (踏高蹺); Tẩu cao thoái (走高腿) hay Thái khiêu (踩蹺).
Sách Liệt tử (列子) cho biết cà kheo đã được sử dụng từ thời nhà Tống bên Trung Quốc, song trên thực tế vật này đã xuất hiện từ triều đại Bắc Ngụy (386–535), khởi nguồn từ điệu múa dân gian Cao khiêu (高蹺) - còn gọi là Cao khiêu ương ca (高跷秧歌). Điệu múa này đã xuất hiện trong hàng trăm vở kịch, dựa trên thần thoại và lịch sử; thường được biểu diễn bằng những nhóm múa có trang phục chủ yếu mô phỏng từ Kinh kịch, đạo cụ thường là quạt, gậy gỗ, kiếm và súng... Ngày nay, người Trung Quốc thường sử dụng cà kheo trong các đền thờ truyền thống, những hội chợ, gánh xiếc và trong cả những hoạt động thể thao dân gian.
Ở Nhật Bản, người ta gọi cà kheo là Takeuma (たけうま), tức "ngựa tre" (take = tre; uma = ngựa). Đây là món đồ chơi của trẻ em từ thời Edo. Nhìn chung cà kheo xuất hiện nhiều nơi ở châu Á, người Hàn Quốc gọi là Jugma (죽마); Indonesia gọi là Egrang; đặc biệt ở Myanamar, trẻ con từ 5 tuổi đã được dạy đi cà kheo để di chuyển trong mùa lũ lụt.

Cà kheo nhún của phương Tây

Ảnh: T.L

Ở phương Tây, cà kheo xuất hiện khá sớm, có lẽ khởi nguồn từ Hy Lạp vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, song có những hình vẽ trên một số bình cổ cho thấy người ta đã đi bằng những vật dụng giống như cà kheo từ 500 năm trước Công nguyên. Trong tiếng Hy Lạp cổ, cà kheo được gọi là κωλόβαθρον (kōlobathron).
Người Tây Ban Nha gọi cà kheo là Zanco, còn người đi cà kheo được gọi là là Zancudo hay chichimeco. Ngày xưa dân địa phương thường sử dụng cà kheo để làm việc ở vùng đầm lầy hoặc ngập lụt giống như nhiều nơi ở nông thôn nước Pháp vậy, nơi người ta gọi cà kheo là Échasse. Những người chăn cừu Anh thường sử dụng vật này để trông coi bầy cừu và đề phòng chó sói. Trong tiếng Bồ Đào Nha cà kheo được gọi là Perna de pau; Đức gọi là Stelzenlauf; Nga gọi là là Ходули, họ thường sử dụng cà kheo như một môn giải trí thời Trung cổ, riêng người Bỉ thì từng có những trận đánh nhau bằng cà kheo trong thế kỷ 15.
Ngày nay, cà kheo có nhiều công dụng khác nhau tùy theo địa phương: ở California và Morocco, người ta thường đi cà kheo để thu hoạch trái cây; còn những nơi khác ở Mỹ thì cà kheo được dùng để làm sạch cửa sổ, ống khói, sơn trần nhà, làm tường thạch cao... Ở Nam Mỹ, cà kheo từng được sử dụng khi qua sông. Riêng tại một số quốc gia Tây Phi, đi cà kheo là một trong những nghi thức của pháp sư và vì lý do này, trẻ em ở vùng Dogon thuộc Mali bị cấm sử dụng cà kheo. Tuy nhiên ở Togo, đi cà kheo vẫn luôn là một phong tục trong các lễ hội…

Loài chim maçaricão (Himantopus mexicanus)

Ảnh: T.L
Hiện nay cà kheo là thuật ngữ để chỉ 3 khái niệm chính:
- Một vật dụng bằng gỗ hoặc kim loại, có nhiều dạng thiết kế khác nhau, dùng để đi trên cao hoặc để nhảy hay nhào lộn.
- Một điệu múa dân gian ở Trung Quốc có tên gọi là Cao khiêu (高蹺). Năm 2006, điệu múa này được công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ở Trung Quốc.
- Cà kheo là họ của một số giống chim (họ Recurvirostridae). Trong tiếng Bồ Đào Nha, cà kheo dùng để di chuyển gọi là Perna de pau và đây cũng là tên phổ biến của loài chim maçaricão (Himantopus mexicanus).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.