Cà Mau: Yêu cầu xử lý dứt điểm vụ dân bao chiếm đất nuôi sò huyết

Gia Bách
Gia Bách
10/04/2023 15:52 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký liên tiếp 3 công văn yêu cầu xử lý dứt điểm việc các hộ dân tự ý bao chiếm khu vực bãi bồi thuộc đất rừng phòng hộ để nuôi sò huyết.

Ngày 10.4, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn gửi Sở NN-PTNT và UBND các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Phú Tân về việc khẩn trương xử lý dứt điểm việc các hộ dân tự ý bao chiếm khu vực bãi bồi thuộc đất rừng phòng hộ để nuôi sò huyết.

Cà Mau: Chủ tịch UBND tỉnh liên tục chỉ đạo vụ dân bao chiếm đất nuôi sò  - Ảnh 1.

Người dân tháo dỡ chòi canh giữ sò huyết nằm trong diện tích đất rừng của Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây. Ảnh chụp ngày 31.3

G.B

Trước đó, ngày 13.3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn chỉ đạo giải tỏa dứt điểm các dụng cụ, vật tư bao chiếm đất rừng phòng hộ trái phép, trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, việc tháo dỡ chưa được các địa phương xử lý triệt để.

Do đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Phú Tân và các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm và báo cáo về UBND tỉnh. Nếu chưa hoàn thành việc xử lý hoặc để phát sinh, thủ trưởng sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Cuối tháng 2 vừa qua, Chủ tịch tỉnh UBND Cà Mau có công văn chỉ đạo liên quan đến các hộ dân tự ý bao chiếm khu vực bãi bồi thuộc đất rừng phòng hộ để nuôi sò huyết.

Như Thanh Niên thông tin, tại khu vực nằm trong diện tích của Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây có 2 hộ dân tự ý bao chiếm nuôi sò huyết kéo dài từ cửa biển Sông Đốc đến đầu kênh Quản Thép với chiều dài bao chiếm gần 2 km (thuộc khóm 1, TT.Sông Đốc, H.Trần Văn Thời). Trong đó, hộ N.T.E (48 tuổi, ngụ TT.Sông Đốc) bao chiếm 30,50 ha, hộ N.V.L (64 tuổi, ngụ xã Trần Hợi, H.Trần Văn Thời) bao chiếm diện tích 0,3 ha.

Vị trí bao chiếm nằm trong diện tích đất rừng của Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây. Khu vực này nằm trong bờ kè chắn sóng để gây bồi tạo bãi khôi phục lại rừng (khu vực này đã bị sạt lở, hiện tại không có cây rừng). Sau khi UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo, các ngành chức năng vào cuộc, hiện các chủ nuôi đã tháo dỡ khu vực bao chiếm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.