Ca nhiễm cúm A/H9 đầu tiên tại Việt Nam: Có biến chứng suy hô hấp

Liên Châu
Liên Châu
10/04/2024 20:04 GMT+7

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, bệnh nhân đầu tiên mắc cúm A/H9 tại Việt Nam vẫn đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Bệnh nhân có biến chứng suy hô hấp.

Thông tin về ca bệnh đầu tiên mắc cúm gia cầm A/H9 tại Việt Nam được ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh toàn quốc, được Bộ Y tế tổ chức chiều nay 10.4.

Cách ly điều trị được áp dụng với ca bệnh cúm gia cầm và một số bệnh truyền nhiễm khác

Cách ly điều trị được áp dụng với ca bệnh cúm gia cầm và một số bệnh truyền nhiễm khác

DUY TÍNH

Theo ông Đức, ca nhiễm cúm A/H9 đầu tiên là một bệnh nhân tại Tiền Giang. Xét nghiệm chuyên sâu xác định bệnh nhân này nhiễm cúm gia cầm A/H9N2. Đây là bệnh nhân nam, 37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Bệnh nhân đang được điều trị tại phòng cách ly áp lực âm của Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, với chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng huyết từ viêm phổi, cúm A, nhiễm nấm xâm lấn, biến chứng suy hô hấp, xuất huyết phổi, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương thận cấp, xơ gan do rượu, theo dõi u gan. 

Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân hiện có sức khỏe bình thường.

Ông Đức cho biết, hầu hết trường hợp mắc có triệu chứng nhẹ và vừa. Nhưng bệnh nhân trên có bệnh nền là xơ gan và tiểu đường nên triệu chứng nặng hơn.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho hay:"Cúm A/H9N2 là chủng độc lực thấp, thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt nên khó phát hiện. Khả năng lây nhiễm sang người vẫn còn hạn chế, những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh nặng là người có sức đề kháng yếu. Chưa có bằng chứng về việc lây nhiễm từ người sang người. Do đó, chúng tôi khẳng định nguy cơ thành dịch rất thấp".

"Tuy nhiên, nguy cơ về số mắc mới ghi nhận thêm là có, vì với điều kiện thời tiết, giao thương, buôn bán gia cầm, chim và động vật hoang dã di cư", ông Đức nhận định.

Theo Cục Y tế dự phòng, từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A/H9N2, bao gồm 2 trường hợp tử vong. Trong đó, 96 trường hợp ở Trung Quốc và 2 trường hợp tại Campuchia. Hai trường hợp tử vong là người có bệnh nền.

Với bệnh cúm gia cầm trong nước, tồn tại hiện nay là nguồn gây bệnh trên động vật nên ngành y tế không thể đơn phương kiểm soát, đòi hỏi có sự phối hợp giữa nhiều ngành, đơn vị. Cạnh đó, cúm A/H9N2 trên gia cầm ít gây bệnh, gia cầm mắc bệnh không có triệu chứng rõ ràng nên việc giám sát của ngành thú y khó khăn.

Virus cúm gia cầm có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất. Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc với vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính.

Virus có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh, hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm); qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm virus, gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh); tiếp xúc với dụng cụ, đồ vật nhiễm virus.

Mọi người đều có khả năng nhiễm virus cúm gia cầm. Tuy nhiên, vì bản chất là virus của loài chim và gia cầm nên khả năng gây bệnh, lan truyền ở người thấp và hiện chưa lây trực tiếp từ người sang người. Trong hàng trăm type virus cúm gia cầm, hiện có 4 chủng được biết là gây bệnh ở người: H5N1, H7N3, H7N7 và H9N2.

(Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.