Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân này tại Viện Pasteur TP.HCM (ngày 1.4) đã phát hiện bệnh phẩm dương tính với cúm A phân type H9. Viện đang tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm.
Theo Bộ Y tế, đây là trường hợp mắc cúm A/H9 đầu tiên tại VN từ trước đến nay. Trước ca bệnh này, tháng 3.2024, tại Khánh Hòa, cơ quan y tế ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc cúm A/H5N1 trên người.
Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, tình hình dịch cúm gia cầm trên động vật diễn biến phức tạp, không chỉ ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm trên gia cầm ở tất cả các khu vực mà còn ghi nhận sự lây truyền cho các loại động vật có vú ngày càng gia tăng.
Tại châu Á tiếp tục ghi nhận các đợt bùng phát dịch cúm trên gia cầm gây ra bởi nhiều chủng vi rút cúm A như H5N1, H5N6, H5N8, H3N2, H9N2, H10N3... Một số quốc gia giáp biên giới với VN tiếp tục ghi nhận các ca cúm gia cầm trên người bao gồm H5N1, H9N2.
Bộ Y tế nhận định thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm sang người. Nguyên nhân, hiện đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng vi rút cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú.
Để phát hiện sự lưu hành của các chủng vi rút cúm, đặc biệt là các chủng vi rút gây bệnh nguy hiểm và giám sát nguy cơ đổi gien của vi rút cúm, từ năm 2006, Bộ Y tế đã thiết lập hệ thống giám sát trọng điểm cúm. Mỗi năm, hàng ngàn bệnh phẩm được lấy mẫu xét nghiệm, qua đó ghi nhận các vi rút cúm lưu hành tại VN: cúm B, tiếp đến là chủng vi rút cúm A/H3, vi rút cúm A/H1N1 đại dịch.
Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh.
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH
Để chủ động phòng chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị người dân cần thực hiện:
- Không ăn gia cầm, sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc.
- Đảm bảo ăn chín, uống sôi.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không giết mổ, sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy.
- Khuyến khích đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống.
- Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ.
- Khi có biểu hiện giống cúm (sốt, ho, đau ngực, khó thở), phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)