Sau ca tử vong vì cúm gia cầm, Khánh Hòa tăng cường biện pháp phòng chống dịch

25/03/2024 15:35 GMT+7

Sau khi nam sinh viên một trường đại học ở Nha Trang (Khánh Hòa) tử vong do nhiễm cúm A/H5, các cơ quan chức năng của Khánh Hòa đã khẩn trương tổ chức giám sát dịch bệnh cúm gia cầm và điều tra các yếu tố dịch tễ nhằm sớm tìm ra nguồn lây.

Ngày 25.3, bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa (CDC Khánh Hòa), cho biết hiện các trường hợp đang được theo dõi có liên quan đến bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H5 có sức khỏe ổn định, chưa phát hiện bất thường.

"CDC Khánh Hòa phát hiện 3 trường hợp bị cúm đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, tuy nhiên qua xét nghiệm cho thấy đây là những trường hợp bị cúm mùa, âm tính với cúm A/H5", bác sĩ Toàn thông tin.

Sau ca tử vong vì cúm gia cầm, Khánh Hòa tăng cường  biện pháp phòng chống dịch- Ảnh 1.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa - nơi điều trị cho nam sinh vừa tử vong

BKH

Theo Phó giám đốc CDC Khánh Hòa, ngay sau khi phát hiện ca nhiễm cúm A/H5 vào ngày 20.3, đơn vị đã lập danh sách 14 cán bộ tại bệnh viện đa khoa tỉnh; 6 cán bộ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để theo dõi sức khỏe, thực hiện khử khuẩn các khu vực khám, điều trị, xe vận chuyển. Lập danh sách người nhà bệnh nhân để theo dõi sức khỏe.

Ngoài ra, CDC Khánh Hòa phối hợp với Trường ĐH ở Nha Trang lập danh sách 6 bạn cùng phòng ký túc xá, 60 sinh viên học cùng lớp với bệnh nhân để tiến hành theo dõi sức khỏe. Đồng thời tiến hành khử khuẩn bằng Cloramin B phòng ở và các phòng trong dãy nhà ký túc xá, khuyến cáo nhà trường tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

CDC Khánh Hòa cũng lấy 5 mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn gia cầm gồm 2 mẫu ở đàn gà trong nhà bệnh nhân và 1 mẫu đàn vịt cách nhà 50 m, 2 mẫu chim ở nơi bệnh nhân thường tới, tất cả âm tính với vi rút A/H5. 

Bác sĩ Nguyễn Đình Thoan, Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, thông tin thêm, hiện sở đã có văn bản yêu cầu CDC Khánh Hòa chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan, khẩn trương giám sát người tiếp xúc với trường hợp nhiễm vi rút cúm A/H5, các yếu tố dịch tễ liên quan, lập danh sách những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm A/H5 để theo dõi 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn, 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi và phải đo nhiệt độ hằng ngày. Nếu nhiệt độ trên 38 độ C hoặc có các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm đường hô hấp cấp phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.

Tiến hành giám sát, lấy mẫu bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút. Cách ly tất cả bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã xác định mắc bệnh cúm A/H5. Những người được cách ly theo dõi nên bố trí nơi ăn ngủ riêng, hạn chế đi lại, tiếp xúc, thường xuyên mang khẩu trang y tế và sử dụng thuốc sát khuẩn mũi họng hằng ngày.

Sau ca tử vong vì cúm gia cầm, Khánh Hòa tăng cường  biện pháp phòng chống dịch- Ảnh 2.

Khánh Hòa đang tăng cường các biện pháp phòng chống cúm gia cầm

CHÍ NHÂN

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp, chùm ca bệnh, ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Nha Trang nhằm xác định nguyên nhân và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế lây lan diện rộng.

Sở Y tế Khánh Hòa cũng yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi diễn tiến bất thường, đặc biệt có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, chết. Những trường hợp này cần hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để được chẩn đoán, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong. Báo cáo khẩn về CDC Khánh Hòa để được điều tra dịch tễ, lấy mẫu giám sát kịp thời và triển khai các biện pháp quản lý bệnh nhân và xử lý ổ dịch triệt để.

Xem nhanh 12h ngày 25.3: Bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm tử vong: Có thể lây từ chim hoang dã!

Ngành NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa cũng có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo đúng quy định; chủ động giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cúm gia cầm, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm và xử lý khoanh vùng, hạn chế lây lan. 

Bên cạnh đó cần chủ động tổ chức giám sát dịch bệnh cúm gia cầm, đặc biệt là khu vực có nguy cơ cao, các cửa hàng mua bán chim để cảnh báo, phát hiện sớm và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh mới xuất hiện.

Trước đó, ngày 23.3, nam bệnh nhân bị nhiễm cúm gia cầm (A/H5) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa đã tử vong vào sáng cùng ngày.

Bệnh nhân là B.T.Đ (21 tuổi, trú tại TX.Ninh Hòa, sinh viên một trường ĐH trên địa bàn TP.Nha Trang), khởi phát bệnh ngày 11.3, với triệu chứng sốt, ho nhẹ, bệnh nhân tự mua thuốc uống nhưng bệnh không giảm.

Đến ngày 17.3, bệnh diễn biến nặng nên bệnh nhân Đ. được chuyển vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa điều trị và được lấy mẫu bệnh phẩm gởi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm.

Ngày 20.3, kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H5. Sau đó, bệnh nhân diễn biến nặng, hôn mê được chuyển cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.