Ca sĩ Hương Thanh: Dự án nào cũng có màu sắc dân ca Việt

Nguyên Vân
Nguyên Vân
03/05/2020 07:17 GMT+7

Ấp ủ dự án làm sao cho thế hệ gốc Việt thứ 3 tại Pháp có thể đọc - nghe - biết tiếng Việt từ gần 10 năm trước, sách nhạc kèm đĩa Chansons de mon enfance (Những bài hát tuổi thơ) đến nay mới được Hương Thanh (ảnh) hoàn thành và vừa phát hành.

Từ Pháp, ca sĩ Hương Thanh đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện qua điện thoại về dự án này, cũng như về câu chuyện làm văn hóa của người được mệnh danh “sứ giả nhạc cổ và dân ca Việt Nam tại châu Âu”.
Có thể hiểu sách nhạc là một trong những cách thức để chị gìn giữ - truyền bá tiếng Việt, nhất là đối với thế hệ trẻ gốc Việt. Nhưng vì sao đến nay, khi đã hơn 30 năm sinh sống tại Pháp, chị mới hoàn thành?
Ca sĩ Hương Thanh: Có thể hơi dông dài một chút, nhưng tôi xin được kể câu chuyện này để mọi người hiểu hơn về hành trình có sách nhạc này.
Tôi từng được mời làm trích đoạn cải lương Hạng Võ biệt Ngu Cơ để diễn tại Pháp. Để chuẩn bị, tôi phải nhờ chuyên gia dịch ra tiếng Pháp, tìm đội ngũ biểu diễn (vai lính), tập tành cho họ 6 tháng trước khi diễn. Ngay cả tôi, dù xuất thân từ gia đình có truyền thống cải lương, nhưng không chuyên loại hình này, nên càng phải tập nhiều hơn. Tôi phải mời nhóm võ thuật để tập đánh kiếm, tìm người chuyên nghiệp múa sao cho tay kiếm đúng - đẹp.
Khi mời cô Ngọc Giàu qua, tôi cùng tập thêm nhiều từ cô. Để đóng vài phút với kiếm, tôi học cả 1 năm trời.
Biểu diễn cho khán giả nước ngoài rất khó, vì phải dịch tất cả để người tham gia từng khâu hiểu được câu chuyện, từ đó mới làm cho khán giả hiểu và thích (càng khó gấp bội). Với ca nhạc thì dễ hơn. Dù vậy, bản thân tôi trong từng buổi biểu diễn đều phải giới thiệu tiết mục mình là gì, bắt nguồn từ đâu, cắt nghĩa nội dung bài hát... Chính vì thế mà hàng chục năm qua, tôi vẫn miệt mài đọc, tìm hiểu, trau dồi không chỉ về âm nhạc mà cả kiến thức, văn hóa dân tộc mình.
Nói vậy để thấy, bất cứ tiết mục, sản phẩm, chương trình nào về văn hóa đều không dễ làm. Tôi làm sách này trước tiên vì tôi thấy hạnh phúc, sau là để cho những ai cần tìm hiểu văn hóa nước mình. Ra mắt một sản phẩm văn hóa nói chung và về dân tộc mình nói riêng, với tôi, làm sao để nó có thể đi vào thư viện, để người nước ngoài nghe đọc - nghe được, tìm tòi, để người khác thấy nó có ý nghĩa, thú vị và làm tiếp nữa.
Pháp vẫn còn trong giai đoạn chống dịch, chị có nghĩ đến kế hoạch nào (chẳng hạn qua livestream, giao lưu trực tuyến) để giới thiệu đĩa - sách nhạc này?
Sản phẩm này thiên về giáo dục (có cả 3 ngôn ngữ, có nhạc lý, hình ảnh và đĩa hát). Với tôi, mạng xã hội chỉ là giải pháp tức thời để truyền tải thông tin. Tôi muốn các chương trình của mình phải được đến với công chúng một cách chỉn chu, sinh động, khán giả cũng nghe trọn vẹn từ khi tôi giới thiệu sẽ hát bài này, dân ca quan họ hay lý miền Nam, hò Huế... Khán giả, dù gốc Việt hay nước ngoài, cũng phải được chuẩn bị tinh thần để nghe, vì nếu “đùng một cái” vào Facebook, họ không hiểu mình đang hát gì. Tôi muốn truyền tải câu chuyện từ đĩa nhạc, tập sách hơn là giới thiệu giọng hát mình. Vì là sách nhạc, nên tôi hướng đến việc nó sẽ đi vào các trường, thư viện. Tôi chờ kế hoạch quảng bá của nhà xuất bản vậy (cười).
Dự án tiếp theo của chị sau sách nhạc này?
Nếu không có dịch Covid-19, tháng 3 vừa qua tôi đã về Việt Nam biểu diễn, cũng là giới thiệu CD 3 màu sắc (tên tiếng Việt) hợp tác với 2 nghệ sĩ Nhật, Trung Quốc (sống tại Pháp), sau đó sang Nhật và Trung Quốc. Có lẽ đĩa sẽ được phát hành khi hết dịch. Trong đĩa này, cùng với sự hòa giọng của 3 nghệ sĩ, tôi có hát 2 bài dân ca của Việt Nam. Tôi cũng đang thực hiện đĩa nhạc với các nghệ sĩ châu Phi, trong đó có cả dân ca và bản nhạc Việt được hòa âm lại và chơi bằng nhạc cụ châu Phi.
Làm dự án nào, tôi luôn đưa dân ca của mình vào, để nhắc nhở mình và cả khán giả đây là âm nhạc Việt Nam. Nhưng với nghệ sĩ, cái hay nhất vẫn là làm sao để tiếng hát mình không còn biên giới, dù hát dân ca hay trong giai điệu đặc trưng của nước nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.