Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: ‘Nhiều người đi từ quê rồi lại muốn trở về quê’

24/01/2022 17:48 GMT+7

“Những chuyến xe nối dài, những dòng người từ thành phố trở về quê trong những ngày đại dịch là những gì chúng ta vừa được thấy. Quê hương vẫn là bến đỗ an toàn của những con người tha phương”, ca sĩ Vũ Thắng Lợi nói.

Ca sĩ Vũ Thắng Lợi vừa ra mắt đĩa than có tên Quê gồm 9 ca khúc về quê hương: Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (Nguyễn Văn Tý), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp), Tiếng đàn bầu (Nguyễn Đình Phúc), Tình yêu của đất và nước (Hoàng Vân), Tùy hứng lý qua cầu (Trần Tiến), Neo đậu bến quê (An Thuyên), Quê nghèo (Phạm Duy) và sáng tác mới Về với quê của nhạc sĩ Đức Trí.

Ca sĩ Vũ Thắng Lợi

nSCC

“Tôi vừa vào TP.HCM và hiểu được phần nào thành phố ấy sau khi qua những ngày tháng khốc liệt của đại dịch. Có những con người đã trở về quê nhà và không biết khi nào sẽ trở lại thành phố nữa. Trước khi bắt tay thực hiện đĩa Quê tôi chưa nghĩ đến những câu chuyện như vậy. Nhưng, đến khi qua những ngày đại dịch hoành hành, cả tôi và nhạc sĩ Đức Trí (Giám đốc sản xuất của Quê) đều hiểu rằng không có thời điểm nào đưa sản phẩm âm nhạc này đến khán giả thích hợp hơn là những ngày cận tết năm nay”, ca sĩ Vũ Thắng Lợi chia sẻ.

Vũ Thắng Lợi đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện trong những ngày cuối năm Tân Sửu về đĩa than đầu tiên trong sự nghiệp của mình.

Không phải giàu mới dám bỏ tiền ra làm

Vì sao anh lại chọn những ca khúc về quê hương, trong đó, nhiều ca khúc đã gắn liền với nhiều tên tuổi của những nữ ca sĩ, cho đĩa than đầu tiên?

- Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Tôi nghĩ các nhạc sĩ khi viết một ca khúc nào đó không nghĩ rằng sẽ viết riêng cho giọng ca nữ hay nam. Có thể do nhiều ca sĩ nữ đã hát nên đôi khi người ta hay mặc định ca khúc đó dành cho giọng nữ thôi. Ca sĩ nam và nữ đều có thể thể hiện cùng ca khúc, miễn là hát hay và truyền tải được thông điệp của người nhạc sĩ đến người nghe.

Vũ Thắng Lợi là người đi ra từ quê hương miền Trung

NSCC

Ngoài ra, người góp công quan trọng còn là nhạc sĩ phối khí. Tôi phải cảm ơn anh Trí (nhạc sĩ Đức Trí - PV) đã phối rất quyện và hợp với giọng hát của tôi. Trong đĩa này, tôi cũng hát một ca khúc mới của anh có tên là Về với quê, đại ý nói về những người con xa quê lập nghiệp đến cuối đời họ muốn được về quê.

Tôi nghĩ những bài hát về quê hương luôn có vị trí nhất định. Có thể, khi trẻ, người ta thích nghe nhiều dòng nhạc khác, nhưng khi đã có tuổi, người ta lại càng ngấm hơn những ca khúc về quê hương. Nhiều người đi từ quê rồi lại muốn trở về quê. Dù có đi tha phương nơi nào, nhưng rồi họ cũng muốn tìm về với tổ tiên.

Có vẻ anh khá chịu chi khi làm đĩa than theo cách thu âm trực tiếp luôn cùng ban nhạc?

Đúng là đã làm đĩa than và còn thu âm trực tiếp cùng ban nhạc sẽ mất nhiều công hơn. Chẳng hạn, mình hát sai, ban nhạc chơi đúng, hay ngược lại thì đều phải thu lại từ đầu. Cũng có khi thu xong cảm thấy khá ưng, nhưng lúc ngồi nghe thì cảm thấy chưa được lại ra thu lại. Vậy nên, có bài trong đĩa này phải thu tới 7 lần mới được.

Với Vũ Thắng Lợi, những ca khúc về quê hương luôn có vị trí nhất định

nSCC

Làm đĩa than thì chấp nhận tốn kém rồi. Nhưng tôi không ngại việc chi cả tiền tỉ. Mình đã làm nghề thì cần những sản phẩm chỉn chu và mang giá trị thời gian như vậy. Tôi nghĩ sau này sản phẩm như thế này sẽ còn cho mình nhiều hơn ấy chứ. Tôi cũng không phải là người cân nhắc về được mất kinh tế để nghĩ mình giàu mới bỏ tiền ra làm. Dù thực ra làm xong vẫn đang nợ nhưng tôi vẫn thấy sướng.

"Tôi nghĩ mình giống như con cá bơi ngược dòng"

Vũ Thắng Lợi là quân nhân. Thực tế thì anh không cần làm gì cũng đã nhiều show rồi. Vậy mà vẫn chịu khó làm show riêng, rồi đến album và MV?

Trước nay tôi đã có quan điểm làm nghề thì đừng nghĩ cho mình điều gì, cứ đam mê và cống hiến đi. Nghe cống hiến thì có vẻ to tát, nhưng thực ra tôi khát khao làm nghề.

Tôi chỉ sợ một điều là một ngày, mình nghe một bản nhạc nào đấy không có cảm xúc thì lúc đấy là hỏng. Còn nếu nghe mà thấy bản nhạc đấy cứ mãi trong đầu thì là lúc mình luôn muốn được làm nghề. Và chỉ có giữ được đam mê nhiệt huyết thì mới giữ được nghề.

Từng có những ý kiến so sánh anh với nam ca sĩ Trọng Tấn, một giọng ca cũng đến từ miền Trung và cũng theo dòng nhạc chính thống như anh. Những nỗ lực này cũng là cách anh khẳng định sự khác biệt của mình?

Ở thời điểm đầu ai cũng cần một điểm để trông vào, như việc có thần tượng để nhìn vào học hỏi. Điều đó cũng không có gì là lạ cả. Như anh Tấn cũng nói anh thích chú Kiều Hưng và học hỏi từ ông. Tôi và anh Tấn theo đuổi là dòng nhạc chuẩn chỉnh, chỉn chu thì lại càng phải học nhiều hơn.

Tôi không bao giờ xấu hổ khi học theo ai đó khi mình biết biến cái của họ thành của mình và từ những cái của mình thành bản sắc của mình. Đó cũng là thành công.

Điểm mạnh của tôi là cảm xúc, mà cái riêng của mỗi người cũng chính là cảm xúc. Tôi chưa nói đến mình hát hay, hay hát đẹp, nhưng điều đầu tiên tôi luôn quan tâm là cảm xúc. Có thể mình giống ai đó về màu giọng hoặc cách hát vì cùng được đào tạo theo phương pháp như nhau, nhưng điều mà mình không thể lẫn với ai chính là cảm xúc của mình.

Nhân nói về Quê, Vũ Thắng Lợi cũng là người ra đi từ quê, phải vượt qua nhiều khó khăn để đi theo con đường nghệ thuật?

Gia đình tôi không có ai theo nghệ thuật hay âm nhạc cả. Bởi vậy, từ nhỏ mình cũng không được ai chỉ dẫn cho. Khi học xong lớp 12, tôi đam mê ca hát nên tự mày mò, rèn luyện. Cái tính đó cứ thế theo tôi. Đến khi tôi tốt nghiệp trường nhạc về cơ quan công tác rồi, tôi vẫn tìm đến các thầy cô để theo học.

Tôi bắt đầu mọi việc khá muộn. Như khi tốt nghiệp trường nhạc, tôi đi thi giải nọ giải kia mà vẫn trượt. Phải đến năm 26 tuổi, tôi đi thi Sao Mai mới có chút giải thưởng (cười). Nhưng đến giờ tôi vẫn thấm câu “chậm mà chắc” đúng với mình.

Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Trung nên có lẽ cũng ảnh hưởng ít nhiều từ tính cách vượt khó của những con người nơi đây. Tôi nghĩ mình giống như con cá bơi ngược dòng luôn phải cố gắng để tìm đến cái đích đặt ra. Nhưng bù lại cho những vất vả, tôi nghĩ đến giờ mình đã làm được điều gì đó cho bản thân và cho cả gia đình của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.