Theo báo cáo đăng trên chuyên san Current Biology, một số loài cá đã tìm cách biến đổi kích thước, hình dạng bên ngoài và sắc tố trên da để có thể hấp thu được 99,5% lượng ánh sáng chiếu vào cơ thể chúng.
Năng lực trên cho phép chúng đạt được độ tối gấp 20 lần so với các đồ vật/vật thể màu đen trong đời sống hằng ngày. Điều này giúp chúng có thể nhanh chóng “tàng hình” trong trường hợp bất ngờ đối đầu với kẻ thù.
Đây cũng là lần đầu tiên giới nghiên cứu phát hiện được những loài cá “siêu tối” trong lòng biển cả.
|
Để rút ra kết luận trên, các chuyên gia của Đại học Duke và Bảo tàng Quốc gia Smithsonian (Mỹ) đã nghiên cứu 16 loài cá “siêu tối”, bao gồm cá răng nanh, cá rồng đen Thái Bình Dương, cá vây chân… Những loài cá này chia sẻ lịch sử tiến hóa trong quá trình định cư ở biển sâu.
Một số loài cá sống ở độ sâu gần 5.000m tính từ mặt nước biển, nơi mà ánh sáng mặt trời vô phương chiếu đến và các loài sinh vật phát quang là nguồn sáng duy nhất ở nơi này.
Ở độ sâu này, hầu như vô phương thoát khỏi các loài ăn thịt, và nỗ lực tiến hóa để có thể “vô hình” và hòa mình với môi trường xung quanh là con đường sinh tồn duy nhất cho những loài cá “siêu tối”, theo Reuters hôm 17.7 dẫn lời đồng tác giả Karen Osborn của Bảo tàng Quốc gia Smithsonian.
|
Các nhà nghiên cứu phát hiện, so với nhóm cá “tối” thông thường, cá “siêu tối” sở hữu các túi tế bào sắc tố trên da, mà khi kích hoạt có thể hấp thu gần như toàn bộ ánh sáng chiếu vào co thể chúng, chỉ còn khoảng 0,04% ánh sáng có thể phản xạ lại mắt của sinh vật đối diện.
Vì thế mà việc chụp ảnh những loài cá trên cũng đặc biệt khó khăn đối với các nhà nghiên cứu.
“Bạn chỉnh camera hay đèn flash như thế nào cũng vô dụng, chúng (các loài cá “siêu tối”) hút toàn bộ ánh sáng”, chuyên gia Osborn cho biết.
Bình luận