Các chuyên gia của Đại học Stony Brook (New York, Mỹ) đã nghiên cứu ảnh chụp ánh sáng xuất hiện sớm nhất sau sự kiện Big Bang.
Đây là dạng bức xạ phông vi sóng vũ trụ (CMB), xuất hiện vào năm 380.000 sau khi vũ trụ ra đời, và đánh dấu thời điểm các proton và electron kết hợp để tạo ra những nguyên tử đầu tiên của vũ trụ.
Việc lấy được hình ảnh rõ nhất về vũ trụ thuở sơ khai cho phép giới khoa học hiểu thêm về nguồn gốc của vũ trụ, bằng cách nào chúng ta hiện diện trên Trái đất này và liệu sẽ đến ngày vũ trụ kết thúc cũng như quá trình diệt vong có thể xảy ra như thế nào, theo tuyên bố của Đại học Stony Brook.
“Chúng tôi đang khôi phục “hình ảnh sơ sinh” của vũ trụ, loại bỏ những tác động của thời gian và không gian khiến hình ảnh bị méo mó”, báo The USA Today hôm 15.7 dẫn lời giải thích nhà vật lý thiên thể Neelima Sehgal, đồng tác giả báo cáo.
Nhờ vào các dữ liệu quan sát từ kính viễn vọng ACT của Chile, phát hiện mới của Đại học Stony Brook cho thấy sự trùng khớp với các đo đạc của kính thiên văn không gian Planck về luồng ánh sáng cổ đại này.
Đội ngũ ACT ước tính tuổi của vũ trụ bằng cách đo đạc CMB, trong khi các nhóm khác sử dụng những thước đo khác nhau.
“Giờ đây, chúng ta đã tìm ra câu trả lời được cả Planck và ACT nhất trí”, theo nhà nghiên cứu Simone Aiola của Viện Flatiron tại thành phố New York, một trong các tác giả của báo cáo về tuổi vũ trụ.
Bình luận (0)