Ngày 26.12, tại Hà Nội, lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam được Bộ Y tế tổ chức với chủ đề về khám sức khỏe trước kết hôn.
Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), các chuyên gia y tế khuyến cáo, thời điểm tốt nhất nên đi khám sức khỏe trước khi kết hôn là 3 - 6 tháng.
Việc khám sức khỏe trước khi sinh em bé giúp các cặp vợ chồng kịp thời phát hiện và điều trị các bất thường về sức khỏe sinh sản ở vợ hoặc chồng (nếu có) và còn giúp tránh các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho con cái sau này; tư vấn cho các bạn trẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình phù hợp.
Một trong những bệnh có tỷ lệ người mang gien bệnh cao trong cộng đồng là thalassemia. Tùy xét nghiệm, mức chi trả có thể trên 100.000 đồng/lần.
Không có quy định nào cấm 2 người mang gen bệnh kết hôn với nhau. Gen bệnh như thalassemia không lây nhiễm từ người này sang người khác mà chỉ có thể di truyền từ bố mẹ sang con. Trên cơ sở đã biết về đột biến gen bệnh của 2 vợ chồng, bác sĩ có thể tư vấn cho các bạn trẻ để lựa chọn phương pháp có thai và chẩn đoán trước sinh (nếu cần). Chính vì vậy việc 2 bạn trẻ đã biết có gen bệnh, như với thalassemia vẫn có thể sinh ra những con khỏe mạnh, không bị bệnh thalassemia.
Theo một số chuyên gia, nhiều người biết ý nghĩa của khám sức khỏe trước khi cưới, sinh con nhưng vẫn không đến bệnh viện khám, điều này có thể là do thói quen vì thường chỉ những người bệnh mới đi khám bệnh. Những người trẻ mà đến bệnh viện khám sức khỏe thì ngại bạn bè, người quen dị nghị.
Bên cạnh đó, lý do mà nhiều người nêu ra đó là vấn đề chi phí. Vì khám kiểm tra sức khỏe sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả, bảo hiểm y tế chỉ chi trả cho người bị bệnh thôi. Hơn thế nữa, tình trạng các bệnh viện thường xuyên đông, quá tải nên khi đến bệnh viện khám sức khỏe cũng gây mất thời gian và không được thuận lợi cho các bạn trẻ.
Theo đại diện Cục Dân số, hiện, việc khám sức khỏe trước khi kết hôn (khám sức khỏe tiền hôn nhân) là khuyến khích, và các cá nhân tự chi trả theo mức giá dịch vụ do các bệnh viện áp dụng.
Cục sẽ tăng cường truyền thông tốt hơn nữa để mọi người đều hiểu rằng việc khám sức khỏe định kỳ cũng như khám sức khỏe trước kết hôn có ý nghĩa và hiệu quả rất lớn để phòng tránh bệnh.
Theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, các nội dung tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn gồm:
- Khám thể lực: đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, chỉ số BMI, mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở.
- Khám lâm sàng theo chuyên khoa:
Ở nữ giới là khám phát hiện các dấu hiệu cơ năng (bệnh nội về sản khoa, phụ khoa), khám vú, khám bộ phận sinh dục ngoài, thăm khám âm đạo khi có yêu cầu chẩn đoán xác định và được sự đồng ý của khách hàng.
Ở nam giới là khám phát hiện các dấu hiệu cơ năng (bệnh nội, ngoại về chấn thương), viêm tinh hoàn, bệnh lây qua đường tình dục, sự xuất tinh, sự cương cứng của dương vật, khám bộ phận sinh dục và thăm khám trực tràng khi cần thiết.
- Khám cận lâm sàng: chụp X-quang tim, phổi; xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, soi tươi dịch âm đạo và dịch niệu đạo.
Trường hợp nghi ngờ, sẽ được hướng dẫn tiếp tục khám chuyên khoa sâu để xác định bệnh và hướng dẫn điều trị.
Bộ Y tế
Bình luận (0)