Các công trình giao thông của TP sẽ giải ngân kỷ lục

14/01/2023 07:18 GMT+7

Cũng thời điểm này một năm trước, khi chỉ còn khoảng chục ngày là đến Tết Nguyên đán 2022, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm chia sẻ với Thanh Niên rằng “tết này được làm việc là điều rất phấn khởi đối với cán bộ ngành giao thông”. Làm việc xuyên tết, năm 2022 ngành giao thông TP.HCM đã có những bứt phá ngoạn mục.

Thế nhưng trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Quang Lâm (ảnh) cho biết năm 2023 này, ngành giao thông vẫn “rất nhiều việc”... bởi mục tiêu của năm nay là giải ngân kỷ lục để triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, góp phần giảm ùn tắc và bứt phá kinh tế TP.

Gia Minh

Khởi công Vành đai 3; triển khai thu phí hạ tầng cảng biển; đưa vào khai thác toàn diện Bến xe Miền Đông mới và mới đây nhất là khởi công nút giao An Phú, QL50... 2022 có vẻ là một năm nhiều dấu ấn với ngành giao thông TP.HCM?

Đúng vậy. 2022 là năm rất đặc biệt đối với ngành GTVT TP.HCM nói chung và những người làm giao thông chúng tôi nói riêng. Lần đầu tiên trong lịch sử, ngành giao thông đóng góp cho ngân sách TP trên 1.800 tỉ đồng nhờ thu phí hạ tầng cảng biển từ tháng 4.2022. Trung bình mỗi ngày, thu ngân sách từ lĩnh vực giao thông được hơn 7 tỉ đồng. Cũng trong 2022, lần đầu tiên Sở GTVT được giao là cơ quan chủ trì dự án có số vốn lên tới 75.000 tỉ đồng - dự án Vành đai 3. Cùng với đó, khởi công 3 dự án trọng điểm gồm QL50 và nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn. Đây là những cửa ngõ kết nối đa phương thức, kết nối các vùng… đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của TP.

Có một thông số ngẫu nhiên nhưng khá thú vị thế này: TP.HCM có Cảng hàng không Tân Sơn Nhất nhộn nhịp nhất cả nước (chiếm sản lượng khoảng 1/4 lượng khách cả nước); cảng biển chiếm 1/4 sản lượng hàng hóa cả nước, số lượt cấp phép đào tạo lái xe cũng chiếm 1/4 cả nước. Để phục vụ TP quy mô 13 triệu dân, giao thông đa phương thức với quy mô lớn như vậy đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. Và chúng tôi tự hào là đơn vị trực tiếp đóng góp vào hiệu quả của các hoạt động đó.

Theo ông, điều gì đã giúp ngành giao thông có bước đột phá ấn tượng như vậy trong một năm rất nhiều khó khăn như 2022?

Chắc chắn là nhiệt huyết rồi. Còn nhớ hồi tháng 10.2021, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, chính thức mở cửa để phát triển kinh tế, TP.HCM là nơi khát vọng bứt phá nhất để lấy lại những gì đã mất. Trong đó, ngành giao thông được đánh giá là mũi nhọn, trước là để nối lại các đứt gãy về vận chuyển, vận tải, phục vụ đi lại của người dân, sau là dùng hạ tầng làm đòn bẩy phát triển kinh tế. Đó cũng là giai đoạn chúng tôi rục rịch chuẩn bị làm Vành đai 3. Mục tiêu bằng mọi cách trong tháng 6.2022 phải trình được Quốc hội thông qua dự án. Thời gian thì gấp gáp trong khi thời điểm đó vẫn còn giãn cách xã hội. Từ đầu cầu Hà Nội và đầu cầu TP.HCM, nhóm chat hoạt động cả đêm, vừa làm hồ sơ, vừa làm tờ trình dự án, góp ý, chỉnh sửa... Tôi, anh Bình (ông Lê Hòa Bình - cố Phó chủ tịch UBND TP), anh Phúc (ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông) đều nhiễm Covid-19, mất giọng nhưng vẫn họp, vẫn làm việc rất say mê. Cuối năm kể lại không hiểu sao lúc đó có thể nhiệt huyết và khỏe đến như vậy. Mặc dù vất vả nhưng khi nhìn lại thấy rất hạnh phúc.

Ngoài nỗ lực của ngành giao thông, không thể thiếu được sự hỗ trợ, phối hợp hết mình của các ban, ngành, đơn vị liên quan, nhất là sự quan tâm của cả Chính phủ, các bộ, HĐND, UBND TP cho tới các phòng, ban, đơn vị liên quan. Đơn cử, TP triển khai thu phí cảng biển, ngành giao thông thực tế chỉ làm kỹ thuật nhưng lại được giao lập và trình đề án. Dịch bệnh vẫn còn “căng” và thời gian rất gấp nhưng may nhờ có “người đi trước” là TP.Hải Phòng đã chia sẻ với chúng tôi nhiều kinh nghiệm về cách làm, cách tổ chức. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM, Sở Tư pháp, Sở TT-TT, ngân hàng… tất cả các đơn vị đều đồng lòng hỗ trợ rất tích cực, giúp Sở GTVT triển khai đề án thu phí cảng biển thành công, đóng góp kỷ lục cho ngân sách TP.

Khởi công QL50

H.M

Ông có cảm thấy hài lòng khi nhìn lại những thành quả trên?

Tôi tự hào vì ngành giao thông đã làm được những việc rất mới, rất khó. Song, nếu hỏi hài lòng chưa thì mới chỉ ở mức tương đối.

Cũng còn một số đầu việc khiến chúng tôi chưa hài lòng. Điển hình là việc Bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động được người dân, báo chí phản ánh nhiều về các bất cập. Thật ra khi đưa bến xe vào khai thác, chúng tôi cũng rất trăn trở. Đúng ra thì bến xe mới đưa vào khai thác phải đồng bộ với tuyến metro số 1, Vành đai 2, Xa lộ Hà Nội và một số công trình ở khu vực này. Tuy nhiên, các công trình này lại về đích chậm hơn bến xe. Nhưng không lẽ để bến mới bỏ không? Do đó, chúng tôi phải cân nhắc lộ trình đưa vào khai thác bến xe mới và đã xảy ra một số bất cập. Cũng nhờ cơ quan báo chí phản ánh, Sở đã tiếp nhận thông tin với sự cầu thị, kịp thời chấn chỉnh và có giải pháp ngay. Hay tình trạng xe dù bến cóc vẫn còn tồn tại; “điểm nóng” sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra bất cập tổ chức làn xe taxi, bãi xe buýt… Nhìn chung, chúng tôi cũng đã rút ra được những bài học để ứng xử nhanh, nhận diện những tồn tại trong năm 2022 và trong 2023 chắc chắn sẽ khắc phục.

Vấn đề được người dân TP quan tâm nhiều nhất vẫn là tình trạng ùn tắc giao thông chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ngành giao thông có kế sách đột phá gì để giải quyết bài toán này trong 2023?

Thách thức lớn nhất của ngành GTVT TP.HCM trong 2023

2023 là năm nhiều thách thức. Chúng ta sẽ đón nhận những chính sách, những quan điểm mới, những quy định mới. Khối lượng công việc tăng rất nhiều. Dự kiến năm 2023, các dự án giao thông TP sẽ đạt mức độ giải ngân kỷ lục. Chỉ riêng Vành đai 3, kế hoạch giải ngân phải đạt 12.000 tỉ đồng, trong khi hiện nay các dự án giao thông chỉ giải ngân khoảng 4.000 - 5.000 tỉ đồng/năm. Để giải ngân được thì phải nghiệm thu được, công trường phải đạt khối lượng công việc. Nghĩa là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi quản lý từ các khâu thẩm định, phê duyệt tới khâu kiểm tra chất lượng… phải chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ. Chưa kể, phải tập trung đẩy nhanh tuyến metro số 1, metro số 2 cùng một số dự án quan trọng như cầu Thủ Thiêm 4, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài…

Rất nhiều việc nhưng ai yêu ngành giao thông sẽ thấy rất vui vì có nhiều việc để làm. Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm

Trước đây, TP tập trung làm một số công trình giải quyết nhu cầu trước mắt, ngắn hạn như cầu vượt thép… nhưng để phục vụ một TP lớn với 13 triệu dân hiện nay, không có cách nào khác là phải phát triển hệ thống giao thông công cộng (GTCC) sức chở lớn, đó là metro, trước mắt là metro số 1. Chúng tôi sẽ vận dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác quản lý, đặc biệt là chính sách vé và hệ thống thẻ vé với hệ thống GTCC. Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu TP làm sao phát triển thật nhanh các tuyến metro để tạo thành mạng lưới; đề xuất một số tuyến quan trọng cần tập trung phát triển và đề nghị giao Sở

QH-KT khẩn trương lập quy hoạch, thậm chí có thể điều chỉnh vị trí một số nhà ga để thuận tiện cho việc điều chỉnh quy hoạch xung quanh các nhà ga theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo hướng GTCC), làm cơ sở lập dự án đầu tư.

Khó khăn lớn nhất của ngành giao thông vẫn là nguồn vốn. Hiện nay, Nghị quyết 54 sửa đổi đã trình xin ý kiến Quốc hội, trong đó, TP.HCM đề xuất cho phép áp dụng trở lại các mô hình đầu tư PPP như hình thức BT, BOT trên các trục đường cần cải tạo, mở rộng… Nếu được thông qua, rất nhiều dự án trọng điểm sẽ có thể được khởi động lại, tăng tốc. Sau khi những cơ chế, chính sách được ban hành, tôi tin tưởng rằng năm 2023 TP sẽ phát triển được hệ thống hạ tầng trọng yếu, hệ thống GTCC, góp phần hiệu quả trong việc giảm ùn tắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.