Các cuộc thi hoa hậu ở Ấn Độ, Venezuela đã hết thời?

30/07/2022 08:33 GMT+7

Ấn Độ, Venezuela vốn là những ‘cường quốc’ trên bản đồ sắc đẹp quốc tế nhưng ngay tại ‘sân nhà’, các cuộc thi hoa hậu của họ dần giảm sức hút, vị thế. Ở Trung Quốc , Hồng Kông các đấu trường nhan sắc cũng đã thoái trào.

Người Ấn Độ không còn ‘cuồng’ hoa hậu

Priyanka Chopra đăng quang Hoa hậu Thế giới 2000, cô là một trong những biểu tượng nhan sắc tại Ấn Độ

afp

Thập niên 1990, 2000 thời kỳ “bùng nổ” của nhan sắc ở Ấn Độ khi nhiều người đẹp như: Aishwarya Rai, Sushmita Sen, Diana Hayden, Yukta Mookhey, Lara Dutta, Priyanka Chopra… thi nhau giành chiến thắng tại một trong hai đấu trường nhan sắc lớn nhất hành tinh là Miss World và Miss Universe. Thế nhưng, một thập niên sau đó, “cơn sốt” hoa hậu tại quốc gia này dần “hạ nhiệt” trước khi được “hâm nóng” trở lại nhờ Manushi Chhillar đăng quang Hoa hậu Thế giới 2017 và Harnaaz Sandhu chiến thắng tại Hoa hậu Hoàn vũ 2021. Tuy nhiên giờ đây, sự quan tâm của công chúng Ấn Độ với các cuộc thi sắc đẹp không còn mạnh mẽ như trước.

Anoop Chauhan - người đẹp tham gia cuộc thi Miss North India Princess, cho biết: “Tinh thần chiến đấu của các thí sinh không hề giảm đi nhưng số lượng người đăng ký thi hoa hậu đã giảm 10 - 15%. Ngoài ra, chất lượng của các ứng viên cũng giảm sút”.

Sini Shetty (giữa) vừa đăng quang Hoa hậu Ấn Độ 2022

miss india

Trong một bài viết đăng tải trên Outlook India hồi tháng 12.2021, tác giả Lachmi Deb Roy chia sẻ các cuộc thi hoa hậu trong nước giảm sức hút với các thí sinh bởi việc tham gia không đảm bảo cho họ cơ hội đặt chân vào Bollywood.

Nói về lý do các cuộc thi sắc đẹp ngày càng mất đi sự hấp dẫn, cây bút nổi tiếng Kiran Manral nêu ý kiến: “Tôi nghĩ phần lớn liên quan đến thực tế là các cuộc thi hoa hậu đánh giá phụ nữ qua vẻ đẹp bên ngoài của họ. Thế hệ này có thể sẽ thấy không ổn với việc mọi người đánh giá, xếp hạng vẻ đẹp của ai đó. Cùng với đó, chiến thắng cuộc thi nhan sắc được xem là bước đầu để tiến vào nền công nghiệp điện ảnh Ấn Độ nên nó có thể chỉ gây hứng thú với những ai đang tìm chỗ đứng trong ngành này”. Vị này cũng cho biết bản thân không chắc những cô gái trẻ thời nay có hứng thú với việc tham gia hay thậm chí là xem các cuộc thi sắc đẹp nữa hay không. Theo Manral, hiện có rất nhiều nội dung thú vị hơn dành cho giới trẻ và các cuộc thi sắc đẹp dần trở nên lỗi thời.

Celina Jaitly cho rằng việc công chúng thờ ơ với các cuộc thi nhan sắc hiện nay bởi nhiều lý do. “Sự xuất hiện của mạng xã hội, toàn cầu hóa và tôi ghét phải nói điều này nhưng chất lượng và sự đầu tư, chỉn chu của các thí sinh đã giảm. Việc lựa chọn thí sinh cũng thiếu sự đa dạng và ở hầu hết các cô gái, niềm đam mê và khát vọng đại diện cho Ấn Độ đã không còn bùng cháy như xưa”, Hoa hậu Ấn Độ 2001 cho biết. Jaitly nói thêm rằng thời của cô, mục đích chính khi thi hoa hậu là được trở thành đại diện của đất nước tại đấu trường quốc tế và đem vinh quang về cho quê nhà còn việc tiến vào showbiz chỉ là yếu tố phụ còn thời nay thì ngược lại.

Sushmita Sen cũng đồng tình với ý kiến này. Hoa hậu Hoàn vũ 1994 cho biết những cô gái ngày nay không hiểu những gì cần thiết để trở thành hoa hậu, họ chỉ tham gia vì muốn vẻ đẹp của mình được tôn vinh và quan tâm đến cơ hội đổi đời.

Harnaaz Sandhu trở thành niềm tự hào của Ấn Độ tại Hoa hậu Hoàn vũ 2021

afp

Giữa lúc nhiều cuộc thi hoa hậu trên thế giới dần phá vỡ các tiêu chuẩn rập khuôn và tôn vinh vẻ đẹp đa dạng về sắc tộc, hình dáng cơ thể thì các cuộc thi tại Ấn Độ được cho là vẫn đi theo những quy chuẩn cũ. Năm 2019, Hoa hậu Ấn Độ từng nhận chỉ trích vì 30 thí sinh vào chung kết giống nhau như được tạo ra từ một khuôn với gương mặt, kiểu tóc, vóc dáng không có nhiều khác biệt.

Dù người dân trong nước không còn mấy mặn mà với các cuộc thi nhan sắc song những đại diện của Ấn Độ luôn là những “ngựa chiến” tại các đấu trường hoa hậu hàng đầu thế giới. Năm 2021, quốc gia này được chuyên trang sắc đẹp Global Beauties vinh danh là Country of the Year 2021 khi giành thành tích cao tại 4 cuộc thi hàng đầu: Miss Universe, Miss World, Miss Supranational và Miss Grand International.

Hoa hậu Venezuela mất vị thế vì bê bối, khủng hoảng

Dayana Mendoza đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tại Việt Nam

afp

6 chiến thắng tại Hoa hậu Thế giới, 7 vương miện Hoa hậu Hoàn vũ, 8 lần được xướng tên là Hoa hậu Quốc tế… khiến Venezuela trở thành một trong những quốc gia sản sinh ra nhiều hoa hậu nhất trên thế giới. Tại “cường quốc” sắc đẹp này, các cuộc thi hoa hậu là một trong những sự kiện lớn nhất, những cô gái trẻ sớm nuôi tham vọng thành nữ hoàng sắc đẹp và tham gia các "lò" đào tạo hoa hậu từ tấm bé để giành vương miện trong tương lai.

Thế nhưng, những năm gần đây các đấu trường hoa hậu không còn là “miền đất hứa” đối với những cô gái nuôi tham vọng đổi đời. Ngay cả Hoa hậu Venezuela - cuộc thi sắc đẹp hàng đầu quốc gia Nam Mỹ này, cũng dần đánh mất vị thế đáng tự hào của nó. Năm 2018, cuộc thi gây xôn xao dư luận vì các cáo buộc mại dâm liên quan đến các thí sinh. Theo NBC News, nhiều thí sinh hoa hậu bị tố đổi tình lấy xe sang, những chuyến du lịch đẳng cấp, nhận tài trợ trang phục thi hoa hậu, chi phí phẫu thuật thẩm mỹ hay các “phần thưởng” giá trị khác từ các quan chức tham nhũng. Ngay sau đó, một trung tâm chuyên đào tạo thí sinh thi hoa hậu tại thủ đô Caracas đã bị đóng cửa. Bê bối này đã khiến công ty đứng sau cuộc thi phải dừng hoạt động và đình chỉ các cuộc tuyển chọn để rà soát nội bộ. Sau scandal, danh tiếng của cuộc thi đã giảm sút đáng kể.

Các cuộc thi hoa hậu tại Venezuela chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị trong những năm qua

afp

Đến năm 2019, các cuộc thi hoa hậu tại Venezuela lại chao đảo vì cuộc khủng hoảng chính trị, thiếu lương thực, lạm phát tăng cao…. Hàng loạt cuộc thi, “lò” đào tạo hoa hậu phải đóng cửa vì không thể duy trì hoạt động giữa tình thế khó khăn chồng chất khó khăn. Ngay cả Hoa hậu Venezuela cũng vùng vẫy trong cơn khủng hoảng, họ không thể đem lại cơ hội việc làm cho các người đẹp đăng quang. Tại các cuộc thi, điều kiện tổ chức nghèo nàn, thiếu thốn, các thí sinh phải tự xoay sở và không còn được săn đón như xưa từ đó khiến danh hiệu sắc đẹp mất đi giá trị, sức ảnh hưởng như thời đỉnh cao.

Không còn tìm thấy cơ hội đổi đời tại các đấu trường nhan sắc ở quê nhà, nhiều người đẹp: Andrea Diaz, Jessica Russo, Carolina Jane… đã rời bỏ quê hương đến các quốc gia khác làm việc và tìm kiếm cơ hội thi hoa hậu quốc tế dưới danh nghĩa là thí sinh nước bạn. Cùng với đó, nhiều thí sinh tham gia cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ quốc tế bao gồm Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ sau khi tìm kiếm danh hiệu đổi đời đã sang nước khác phát triển sự nghiệp.

Andrea Diaz - người đẹp sinh ra ở Venezuela, đại diện Chile tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018

nbc news

Năm 2022, với việc nền kinh tế Venezuela dần “hồi sinh”, tổ chức Hoa hậu Venezuela cũng đang nỗ lực lấy lại vị thế đỉnh cao của mình. Chung kết cuộc thi Hoa hậu Venezuela 2022 dự kiến diễn ra tại Poliedro de Caracas (nhà thi đấu có sức chứa lên đến 20.000 người). Lần cuối cùng cuộc thi được tổ chức tại địa điểm mang tính biểu tượng này là vào năm 2013.

Danh hiệu hoa hậu ở Trung Quốc, Hồng Kông mất giá trị

Trương Tử Lâm làm nức lòng người dân Trung Quốc khi đăng quang Hoa hậu Thế giới 2007

afp

Theo QQ, thập niên 1980, 1990, các cuộc thi hoa hậu “bùng nổ” tại Trung Quốc, đấu trường nhan sắc được xem là nơi giúp các cô gái tôn vinh vẻ đẹp riêng và khẳng định bản thân trong xã hội ngày càng đề cao bình đẳng giới. Hàng loạt cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ được tổ chức tại nhiều địa phương khác trên cả nước như: Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Nam Kinh… và thu hút hàng nghìn thí sinh tham gia.

Đầu thập niên 2000, Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến những cuộc thi quốc tế tiêu biểu là Hoa hậu Thế giới khi Lý Băng vào Top 5 Miss World 2001, Ngô Anh Na ghi tên trong Top 10 Miss World 2002 và Quan Kỳ giành ngôi Á hậu 2 tại Miss World 2003. Năm 2007, Miss World được tổ chức tại Tam Á (Trung Quốc) chứng kiến chiến thắng ngoạn mục của Trương Tử Lâm. Đây cũng được xem là thời hoàng kim của các cuộc thi sắc đẹp tại đất nước tỉ dân. Thời điểm này, các cuộc thi nhan sắc tại xứ tỉ dân vừa truyền tải “tự hào dân tộc” vừa đem đến danh tiếng, tiền bạc đủ để những nàng hậu đổi đời. Năm 2012, Trung Quốc một lần nữa giành vương miện Hoa hậu Thế giới nhờ Vu Văn Hà. Tuy nhiên, chiến thắng của người đẹp này vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi.

Các cuộc thi nhan sắc tại Trung Quốc từ lâu đã không còn được công chúng quan tâm

chụp màn hình

Trải qua vài năm, “cơn sốt” sắc đẹp sớm hạ nhiệt tại Trung Quốc. QQ cho biết giờ đây Trung Quốc ngập tràn các cuộc thi nhan sắc với quy mô nhỏ, không có kế hoạch bài bản mà được tổ chức tạp nham. Nhiều cuộc thi thậm chí chủ động bán giải, làm đủ chiêu trò nhằm thu hút tài trợ. Những mặt xấu xí tại các cuộc thi khiến danh hiệu hoa hậu bị xem rẻ ở đất nước tỉ dân. Cùng với đó, người chiến thắng trở thành những cái tên nhạt nhòa không mấy ai nhớ đến, tiền thưởng ít ỏi và danh hiệu không đủ làm bàn đạp để họ gia nhập làng giải trí. Trương Chí An - giáo sư tại khoa Báo chí, Đại học Phúc Đán thậm chí nhận định: “Hoa hậu ngày nay vừa đăng quang đã hết thời”. Dần dần, những cô gái xinh đẹp, tài năng không còn mặn mà với các đấu trường nhan sắc, thay vào đó họ tìm kiếm cơ hội đổi đời bằng cách gia nhập công ty giải trí, tham gia các cuộc thi tìm kiếm tài năng, show thực tế.

Loạt Hoa hậu Hoàn vũ Trung Quốc những năm gần đây như: Dương Thi Doãn, Tôn Gia Hân, Châu Hâm, Tần Mỹ Tô… đều không đạt được thành tích nào tại Miss Universe. Trong khi đó, dàn người đẹp của Hoa hậu Thế giới Trung Quốc như: Khương Tư Tề, Lý Bội San, Quan Tư Vũ… cũng “chìm nghỉm” tại quê nhà dù vào Top 30, 40 Miss World.

Những năm gần đây, các thí sinh tại Hoa hậu Hồng Kông luôn khiến công chúng ngán ngẩm vì chất lượng ngày một tuột dốc. Dàn ứng viên năm nay cũng không ngoại lệ

hk01

Ở Hồng Kông, hai cuộc thi nổi tiếng nhất là Hoa hậu Hồng Kông của TVB và Hoa hậu châu Á của ATV từng “khuynh đảo” làng giải trí vào thập niên 1980, 1990. Thời hoàng kim, hai đấu trường này thu hút toàn những cô gái tài sắc tham gia, là bệ phóng đưa dàn mỹ nhân: Trương Mạn Ngọc, Lý Gia Hân, Trần Pháp Dung, Quách Thiện Ni, Thái Thiếu Phân, Xa Thi Mạn, Viên Vịnh Nghi, Hồ Hạnh Nhi, Lợi Trí, Ông Hồng, Ngô Ỷ Lợi… trở thành những tên tuổi đình đám trong làng giải trí.

Thế nhưng nhiều năm trở lại đây, cùng với sự suy thoái của nhà đài, các cuộc thi hoa hậu tại xứ Cảng thơm không còn đem đến cơ hội vàng để các người đẹp gia nhập showbiz, trở thành những ngôi sao được săn đón nồng nhiệt. Nhan sắc của các tân hoa hậu cũng không ngừng gây tranh cãi. Trong bối cảnh công chúng chẳng còn mặn mà với chuyện thi nhan sắc, ban tổ chức không còn đưa ra những tiêu chí khắt khe. Năm nay, Hoa hậu Hồng Kông chỉ giới hạn độ tuổi từ 17 đến 28 còn Hoa hậu châu Á 2020 không đưa ra bất kỳ yêu cầu cụ thể nào với ứng viên, từ đó khiến dân tình than trời trước chất lượng thí sinh quá tệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.