Chính cuộc đời và thị trường đã điều chỉnh chúng ta đi theo những ngành nghề tương lai. Chỉ trừ một số bạn cực kỳ đam mê một ngành nào đó và luôn nỗ lực vì mục đích đặt ra, còn đa phần, ra trường, cuộc đời đều phân công lại vị trí cho phù hợp hết. Vì thế, đừng lấn cấn quá nhiều việc sẽ học trường nào.
Mấy ngày nay, dư luận ồn ào lên vì chuyện các thí sinh phải “lên sàn chứng khoán” để lựa chọn ngành nộp hồ sơ trong mấy ngày cuối cùng của đợt xét tuyển đại học đợt 1 vừa qua.
Chính cuộc đời và thị trường sẽ điều chỉnh chúng ta đi theo ngành nghề tương lai, vì thế đừng quá lấn cấn chuyện sẽ phải vào trường đại học nào - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Sau mấy ngày bị cuốn vào guồng thông tin với hàng trăm hướng bình luận, chê nhiều hơn khen, đến khi sự việc tạm lắng xuống, tôi mới nhớ đến chuyện chúng tôi thời trước, cách đây đã 18 năm.
Câu chuyện xảy ra ở chính ngôi trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nơi mà cả nghìn thí sinh cùng phụ huynh chen chân trong hội trường để nộp, rút hồ sơ, hồi hộp xem kết quả đậu hay rớt vừa diễn ra.
Thời đó, với chúng tôi cũng là một cuộc đua hồi hộp, gay cấn, nhiều may rủi, không khác các thí sinh ngày nay là mấy. Chỉ khác là không có sự trợ giúp của bố mẹ, ít thông tin, và đặc biệt cũng chẳng lên báo, chưa có mạng xã hội để mà gây hiệu ứng.
Hồi đó, chúng tôi học thành hai giai đoạn. Sau giai đoạn một, tức một năm rưỡi đại cương, sinh viên sẽ lựa chọn ngành học chuyên sâu cho mình ở giai đoạn hai.
Những bạn điểm tổng kết ba học kỳ đại cương rất cao, trên “tám phẩy”, có thể yên tâm muốn đăng ký vào ngành nào cũng trúng. Những bạn điểm chỉ trên sáu, xác định sẽ bỏ công ôn tập và tham dự kỳ thi phân ngành.
Chỉ riêng đội “lỡ cỡ”, tầm trên 7,0 là phải tham gia “cuộc chơi” đăng ký xét tuyển nguyện vọng cần nhiều tính toán và trông chờ may mắn.
Năm đó, tôi được 7,17 điểm, đăng ký vào ngành tài chính, và rất thất vọng khi rớt nguyện vọng thứ nhất. Đến nguyện vọng thứ hai mới thật sự là gay cấn. Số chỉ tiêu dành cho nguyện vọng thứ hai không còn nhiều, nên phải cân nhắc rất kỹ, xem các bạn điểm cao tập trung đăng ký vào ngành nào mà còn tránh. Mấy ngày nghiên cứu, nâng lên đặt xuống để quyết định nộp đơn vào ngành nào, đúng là căng thẳng như lần đầu cầm tiền đầu tư chứng khoán.
Rồi cuối cùng cũng xong, người nào cũng có nơi có chốn mà học. Ai chưa trúng nguyện vọng thứ hai, được dồn hết vào các ngành còn thiếu. Lúc đó tất cả mới trút được gánh nặng của cuộc đua lựa chọn để tập trung cho việc học hành.
Hai năm rưỡi giai đoạn hai rồi cũng chỉ trang bị cho chúng tôi những kiến thức cơ bản nhất về kinh tế. Ra trường, cuối cùng rồi cũng đâu có mấy người làm đúng ngành. Ngẫm ra, học trường kinh tế, chỉ mấy ngành chuyên biệt như ngân hàng, kế toán, kiểm toán là làm đúng nghề, còn đa phần làm chéo ngành hết. Như chúng tôi học Kinh doanh quốc tế, tốt nghiệp ra làm đủ mọi ngành, từ kế toán, nhân sự, kinh doanh, kế hoạch, bảo hiểm, ngân hàng… Thậm chí có bạn chuyển sang ngành công an hay có bạn làm báo.
Đặc biệt có một bạn yêu nghề báo thể thao, ra trường, bạn đều quyết tâm theo nghề mình thích và đến nay đã khá thành công. Chính cuộc đời và thị trường đã điều chỉnh chúng tôi đi theo những ngành nghề tương lai.
Gần 20 năm trước, chúng tôi được thi 4 trường đại học và một trường cao đẳng. Đa phần chúng tôi đều thi tất cả các đợt, nhiều bạn đậu nhiều trường và cũng phải lăn tăn xem nên quyết định học trường nào.
Như tôi, định học trường xây dựng, nhưng chỉ vì lời khuyên của bố: “Bố thấy ký túc xá trường kinh tế tốt hơn”, nên nghe lời, chuyển hồ sơ sang học kinh tế, chứ cũng đâu đã hình dung sẽ học gì, làm gì sau này. Nhiều bạn khác của tôi cũng cân nhắc học bách khoa hay xây dựng, giao thông hay khoa học tự nhiên, như vậy.
Chỉ trừ một số bạn cực kỳ đam mê một ngành nào đó và luôn nỗ lực vì mục đích đặt ra, còn đa phần, ra trường, cuộc đời đều phân công lại vị trí cho phù hợp hết.
Như ở công ty cũ của tôi, nhìn dàn các anh chị lãnh đạo cũ, mỗi người học một nghề chẳng liên quan. Anh học vật lý, anh học toán hay tin đều làm chủ tịch các công ty, mấy anh tiến sĩ toán thì làm nhân sự, cử nhân du lịch làm CEO, cử nhân sư phạm làm văn phòng… Nhưng chính thương trường đã đặt ra yêu cầu các anh chị phải không ngừng học hỏi, rồi qua quá trình trải nghiệm, kinh nghiệm ngày một tích lũy, các anh chị đều trở thành những doanh nhân thành đạt, có uy tín, có tiếng nói trong nghề.
Vậy nên sau những ngày cả nước “phát sốt” về chuyện các thí sinh lao vào cuộc đua rút, nộp hồ sơ căng thẳng như “sàn chứng khoán” vừa qua, nhìn lại chính câu chuyện của mình và bạn bè, nhìn lên các anh chị đi trước, mới thấy rằng để các em “lên sàn” cũng tốt.
|
Các em được quyền lựa chọn, có nhiều cửa để lựa chọn, có thông tin, cứ để các em lựa chọn, đặt hy vọng, có thêm gia đình tư vấn càng tốt. Nhiều cánh cửa mở ra, càng thêm hy vọng cho các em. Không phải tôi cho rằng học đại học là con đường duy nhất, nhưng nếu các em đã theo đuổi mục tiêu này và gần đạt được, hãy cứ tiếp tục theo đuổi. Mục tiêu quan trọng nhất là đừng trượt ra ngoài vòng quay. Cứ vào trường đã, rồi sẽ định hình con đường sau. Còn khi trượt (nếu điểm khả quan), sẽ phí hoài một năm. Mà một năm của tuổi trẻ, quý giá lắm.
Đừng lo học ngành chưa yêu thích vội, các em chưa thể biết rằng đâu mới là ngành nghề tương lai của mình đâu. Chỉ cần các em cố gắng học tập, đại học sẽ là bệ phóng đưa các em vào đời.
Còn khi vào đời, sẽ có một cuộc phân công khác, còn cần nhiều sự học hỏi khác nữa. Khi đó, nhiều người lựa chọn và theo đuổi một ngành nghề yêu thích, chưa chắc đã được cuộc đời phân công như ý.
Đó không chỉ là chuyện may rủi, mà còn tuân theo những quy luật thị trường lao động phức tạp khác nữa.
Còn trước mắt, tôi chỉ chúc các em học sinh chưa đậu nguyện vọng một trong đợt xét tuyển vừa rồi, sẽ sáng suốt và may mắn trong kỳ xét nguyện vọng tiếp theo. Đợt một cũng chỉ có tầm 7% lên sàn, dù số lượng lên tới vài chục nghìn em, nhưng về giá trị tuyệt đối, số đó chưa có gì là lớn.
Hãy cứ “lên sàn”, cho đến lúc thắng thì thôi.
Bình luận (0)