Các hãng khoáng sản đất hiếm 'bay cao' sau khi Trung Quốc dọa siết nguồn cung

Thu Thảo
Thu Thảo
30/05/2019 07:41 GMT+7

Giá trị thị trường và cổ phiếu nhiều hãng khai thác kim loại đất hiếm, loại khoáng sản cần thiết cho ngành công nghệ, ở châu Á - Thái Bình Dương tăng vọt trong hôm 29.5.

Theo CNBC, ở Trung Quốc, cổ phiếu JL Mag Rare-Earth tăng vọt 10% trong khi Innuovo Technology tăng 9,95%. Ở Úc, Lynas, một trong các hãng khai thác khoáng sản đất hiếm ngoài Trung Quốc, có cổ phiếu tăng đến hơn 15%. Diễn biến thị trường xảy ra sau khi một quan chức Trung Quốc cảnh báo rằng các sản phẩm làm từ khoáng sản đất hiếm không nên được dùng để chống lại sự phát triển của nước này.
CCTV đưa tin bình luận của quan chức Trung Quốc được xem là mối đe dọa âm thầm nhằm vào Mỹ và các hãng công nghệ phụ thuộc vào loại khoáng sản này. Cách đây không lâu, sau khi Huawei Technologies bị Washington cấm mua công nghệ, linh kiện từ Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm các cơ sở khai thác và chế biến kim loại đất hiếm. Động thái này khiến nhiều người đồn đoán Trung Quốc có thể kéo giá kim loại hiếm lên cao, hoặc “bóp nghẹt” nguồn cung nếu chiến tranh thương mại tiếp tục tăng tiến.
Hiện Trung Quốc là nhà sản xuất kim loại đất hiếm lớn nhất thế giới. Đây là thành phần quan trọng trong sản xuất nhiều loại sản phẩm từ điện thoại thông minh cho đến xe điện. Chuyện Trung Quốc sử dụng kinh tế và chuỗi cung ứng để gây áp lực lên mặt chính trị không phải là mới. Hồi năm 2010, Trung Quốc từng cấm xuất khẩu khoáng sản đất hiếm đến Nhật Bản sau khi Tokyo bắt giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc.
Với Na Uy, xuất khẩu cá hồi sang Trung Quốc của quốc gia này giảm mạnh sau khi bị Bắc Kinh kiềm chế. Động thái được xem là để trả đũa Na Uy vì quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho một người bất đồng chính kiến với chính phủ Trung Quốc vào năm 2010. “Các sự kiện nói lên rằng bạn không muốn Trung Quốc có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của mình. Không nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc”, nhà phân tích độc lập Fraser Howie, cho hay.
Thực tế, kim loại đất hiếm có thể được tìm thấy ở nhiều nơi, song Trung Quốc lại là nước có năng lực khai thác lớn nhất, phần lớn là vì vấn đề môi trường không bị kiểm soát gắt gao như các nước phát triển khác. Giới phân tích cho rằng vấn đề xung quanh nguồn cung kim loại đất hiếm rõ ràng là một phần của cuộc chiến công nghệ đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh.
“Công nghệ là nơi mà cuộc chiến đang diễn ra, ngay cả khi chúng ta có thỏa thuận thương mại về hàng hóa song phương”, giám đốc Alastair Newton của hãng Alavan Business Advisory nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.