Giữa năm 2024, mảng ô tô điện trở thành "điểm nóng" tại thị trường ô tô Việt Nam khi liên tiếp chứng kiến làn sóng xe mới ồ ạt đổ vào từ Trung Quốc. Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, các thương hiệu như BYD hay GAC AION đua nhau trình làng gần chục mẫu mã, phiên bản, mở ra một "sân chơi" mới dành riêng cho nhóm xe thuần điện.

Sự gia nhập ồ ạt của ô tô điện Trung Quốc từng được kỳ vọng sẽ tạo nên sức "nóng" cho mảng ô tô điện tại Việt Nam
ẢNH: ĐÌNH TUYÊN
Vào thời điểm đó, nhiều người từng kỳ vọng những hãng xe xuất xứ từ thị trường xe điện lớn nhất thế giới sẽ thổi "làn gió mới". Qua đó làm tăng sức cạnh tranh ở mảng xe điện vốn chỉ bắt đầu manh nha hình thành tại Việt Nam, trước đó chỉ có Wuling và hãng xe "chủ nhà" VinFast phân phối xe thuần điện phổ thông.
Thế nhưng, có vẻ sự kỳ vọng đã sớm trở thành nỗi thất vọng.
Làn sóng ô tô Trung Quốc mới liệu có "làm nên chuyện" tại Việt Nam?
Xe điện Trung Quốc có dấu hiệu "hụt chân"
Trở lại thời điểm cách đây gần một năm khi BYD hay GAC AION tiếp bước nhau đặt chân đến thị trường Việt. Hai thương hiệu này cùng với "đồng hương" Wuling có điểm chung ở chỗ đều "chào sân" khá rầm rộ và đặt mục tiêu kinh doanh cao. Wuling cùng đơn vị phân phối TMT Motors trong năm đầu mở bán (2023) công bố kế hoạch bàn giao ít nhất 5.000 xe đến tay người dùng. Trong khi BYD và GAC AION dù không nêu rõ con số cụ thể, nhưng kỳ vọng doanh số cũng ở mức vài ngàn xe.
Thế nhưng, đến thời điểm này, thực tế không như mong đợi. TMT Motors trong 6 tháng cuối năm 2023 chỉ tiêu thụ tổng cộng 591 xe, tất cả đều thuộc mẫu Wuling Mini EV, tức chưa đạt 10% chỉ tiêu đặt ra. Sang năm 2024, tình hình dù có cải thiện nhờ hãng liên tục áp dụng chính sách giảm giá mạnh tay, nhưng tổng lượng xe thương hiệu này bán ra cũng chỉ đạt 1.358 xe.

Nhiều hãng xe điện Trung Quốc đang có dấu hiệu "hụt chân" tại thị trường Việt Nam
ẢNH: ĐÌNH TUYÊN
Trong khi đó, BYD mang danh "gã khổng lồ" xe điện của Trung Quốc và thế giới, cũng chưa để lại quá nhiều dấu ấn tại Việt Nam. Năm 2024, BYD Việt Nam không công bố doanh số chi tiết, nhưng theo nguồn tin của Thanh Niên, sau gần nửa năm, thương hiệu này bán ra vài trăm xe (cho cả 3 mẫu Seal, Atto 3 và Dolphin) và hiện đang chuyển hướng sang phân phối xe hybrid (PHEV) thay vì xe thuần điện.
Với GAC AION, tình hình còn "thê thảm" hơn nhiều. Tính đến hết tháng 3.2025, tức sau 6 tháng mở bán, "kỳ lân" xe điện Trung Quốc chưa bàn giao nổi, dù chỉ 1 xe. Thậm chí có nhiều thông tin đồn đoán về việc thương hiệu này đang tính chuyện rút khỏi thị trường Việt, khi hiện tại showroom trưng bày xe duy nhất của GAC AION đã chuyển sang trưng bày và phân phối xe BYD.
Rõ ràng, kết quả khá ảm đạm của Wuling, GAC AION và BYD đang cho thấy, mảng xe điện tại Việt Nam dù được đánh giá khá cao về tiềm năng và còn nhiều dư địa, tuy nhiên cũng không phải miếng bánh "dễ xơi", đặc biệt với các hãng xe Trung Quốc.
Thị trường ô tô Việt Nam 2024: Đột phá từ thương hiệu Việt
VinFast "bứt tốc"
Trái ngược với những đối thủ mới đến từ Trung Quốc, dù gặp nhiều áp lực cạnh tranh trong hai năm trở lại đây, tuy nhiên VinFast vẫn đang đứng rất vững và ngày càng khẳng định được vị thế ở mảng xe điện tại Việt Nam.
Bằng chứng là năm 2024, hãng xe của tỉ phú Phạm Nhật Vượng gần như làm chủ cuộc chơi, với hơn 87.000 ô tô điện các loại bàn giao đến tay người dùng Việt, chiếm đến hơn 90% thị phần. Không chỉ thống trị ở mảng xe điện, VinFast còn là thương hiệu xe số 1 thị trường, bán chạy hơn tất cả thương hiệu ô tô khác, bao gồm cả xe xăng và điện.

Trái với tình cảnh có phần "bế tắc" của những thương hiệu cạnh tranh, VinFast đang tận dụng các lợi thế vốn có để bứt phá ở mảng xe điện tại Việt Nam
ẢNH: BÁ HÙNG
Đáng nói, không chỉ áp đảo doanh số so với nhóm đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc, VinFast còn đang cho thấy tiềm năng của một thương hiệu dẫn dắt thị trường ô tô điện Việt Nam trong tương lai xa hơn, khi sở hữu trong tay nhiều giá trị nền tảng. Từ dải sản phẩm sớm hoàn thiện và đa dạng tầm giá, hạ tầng trạm sạc độc quyền đến lợi thế cạnh tranh trên "sân nhà".
Về sản phẩm, với sự trình làng của VinFast VF 3 trong năm 2024 vừa qua và bộ tứ VinFast Green sẽ mở bán trong thời gian tới, danh mục xe của VinFast đã gần như hoàn thiện với đầy đủ phân khúc, tầm giá. Đáp ứng nhu cầu của đa dạng khách hàng từ cá nhân tới khách mua xe sử dụng kinh doanh, dịch vụ.
Trong khi đó, hạ tầng trạm sạc cũng là một lợi thế rất lớn khác. Tại Việt Nam, VinFast hiện đang là hãng xe đầu tư lớn nhất cho hạ tầng trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc đã lắp đặt và đưa vào sử dụng, trải dài theo dải đất hình chữ S. Đó là chưa kể, thời gian gần đây, hãng cũng đang triển khai nhiều kế hoạch hợp tác với các đối tác, tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu tăng độ phủ trạm sạc, nhằm tạo nền tảng cho sự phổ cập của xe điện.

VinFast đang đứng trước cơ hội rất lớn để chiếm lĩnh và trở thành cái tên dẫn dắt thị trường xe điện trong nước
ẢNH: CHÍ TÂM
Đáng chú ý, bên cạnh những ưu thế "chủ quan" kể trên, thời điểm hiện tại VinFast cũng có thêm một ưu thế "khách quan" khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn đẩy nhanh cuộc cách mạng chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Theo nhiều chuyên gia trong ngành ô tô, đây sẽ là thời cơ tốt cho các thương hiệu xe điện. Bởi, với định hướng rõ ràng này, dung lượng thị trường cho mảng xe này sẽ rộng mở trong thời gian tới.
Khi đó, những hãng xe nắm trong tay nhiều lợi thế và biết cách tận dụng thời cơ sẽ có cơ hội rất lớn để chiếm lĩnh "sân chơi".
Bình luận (0)