Mất nhiều thời gian để làm hồ sơ xin cấp giấy đi đường
Ngày 25.8, Các Hiệp hội ngành hàng gồm: Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Hiệp hội Gỗ Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã gửi kiến nghị cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp hội viên hiệp hội để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể, theo quy định tại Công văn 2796, Công văn 2800 cùng ngày 21.8.2021 về tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông; Công văn số 3996 phân công cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn TP.HCM do Sở Công thương ban hành liên quan phân cấp việc cấp giấy đi đường cho nhân viên doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và làm dịch vụ logistics… Các Hiệp hội ngành hàng cho cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp đang “không biết phải đăng ký giấy đi đường ở đâu vì không xác định thuộc diện đối tượng nào và ai phụ trách”.
Theo đại diện Các Hiệp hội ngành hàng, các quy định về cấp giấy đi đường trong thời gian giãn cách nâng cao đã và đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - xuất khẩu, gây đình trệ, tổn thất lớn về chi phí lưu kho bãi, hàng hóa để lâu sẽ bị giảm chất lượng, nguy cơ bồi thường do vi phạm hợp đồng về tiến độ giao hàng cho các khách hàng quốc tế…
Ngoài ra, để hoàn thiện bộ hồ sơ xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phải đăng ký kiểm dịch thực vật tại Cục Kiểm dịch thực vật; đăng ký chứng nhận xuất xứ tại Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; hồ sơ phun trùng; hồ sơ giám định; thực hiện thủ tục hải quan tại cụm cảng Cát Lái/ICD; các nghiệp vụ liên quan vận đơn với các đơn vị hãng tàu; các nghiệp vụ liên quan ngân hàng (xuất trình chứng từ, LC, hồ sơ thanh toán, tài chính...); các nghiệp vụ khác liên quan gửi chuyển phát quốc tế chứng từ hàng xuất tại sân bay, chuyển mẫu kiểm nghiệm...
Hiện các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung nhiều nhà máy của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như gạo, gỗ, thủy sản, cao su, rau quả, điều, cà phê, hồ tiêu... Trong trường hợp các doanh nghiệp không được phê duyệt cấp giấy đi đường sớm để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.
Đề xuất Hiệp hội ngành hàng là đầu mối xin giấy đi đường để giảm tải
Chính vì vậy, Các Hiệp hội ngành hàng cùng thống nhất và xin đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ ngành các vấn đề sau:
Sớm có hướng dẫn cụ thể về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Tăng cường thêm số lượng người xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp. Cấp giấy đi đường bản mềm và gửi qua email cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp lấy đó làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát để Sở Công thương TP.HCM đóng dấu. Hiệp hội ngành hàng sẽ là đầu mối và chịu trách nhiệm trong việc lập danh sách doanh nghiệp là hội viên có nhu cầu xin cấp giấy đi đường, gửi trực tiếp tới Sở Công thương, UBND các quận huyện nhằm giảm tải và bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19. Người đứng đầu các doanh nghiệp hội viên chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký và cam kết quản lý chặt chẽ danh sách người lao động được cấp giấy đi đường. Với các doanh nghiệp không phải là hội viên của Hiệp hội sẽ thực hiện thủ tục xin giấy đi đường tại Sở Công thương và địa phương.
Tối 25.8, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng xác nhận đơn thư “cầu cứu” của Các Hiệp hội ngành đã được gửi lên Thủ tướng và các bộ ban ngành. Các Hiệp hội ngành hàng rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Thủ tướng và các cơ quan liên quan xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động đi lại cấp thiết của doanh nghiệp hội viên trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để duy trì sản xuất, xuất khẩu trong thời điểm hiện nay.
Về tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính hết tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của 5 tỉnh thành: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Phước đạt 148,64 tỉ USD, chiếm 44,58% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo quy định tại Công văn 2850 của UBND TP.HCM về điều chỉnh nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội ngày 23.8, Công an TP.HCM là đơn vị in và ký cấp giấy (hoặc ủy quyền cho PC08, công an địa phương các cấp ký) cho 17 nhóm đối tượng đã được quy định tại Công văn 2800 và nhóm điều chỉnh bổ sung tại công văn 2850.
|
Bình luận (0)