|
Chứng khoán, bất động sản chưa hồi phục
Với chứng khoán, Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) dự báo, VN-Index trong năm 2014 có thể đạt ở mức 510 - 530 điểm, tăng 4% so với thời điểm hiện nay. Thế nhưng theo ông Louis Nguyễn - Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Saison Asset Management (SAM) - chứng khoán năm 2014 không có đột phá. Bởi thông tin được kỳ vọng nhiều nhất là "nới" room cho nhà đầu tư ngoại từ 49% lên 60% không còn mới và đến nay vẫn chưa được ban hành chính thức. Nhưng ngay cả nếu việc này thực hiện, cũng vẫn chưa đủ tạo nên sự phát triển mạnh hơn cho thị trường. Ông Louis Nguyễn cho rằng, điều có thể làm chứng khoán hấp dẫn hơn là Chính phủ quyết tâm cổ phần hóa nhanh các doanh nghiệp nhà nước lớn như ngành viễn thông, xăng dầu… Có như vậy mới hút được vốn ngoại và từ đó tạo cú hích cho thị trường.
Nhận xét về cơ hội ở thị trường bất động sản (BĐS), ông Louis Nguyễn đặt vấn đề, hãy nhìn một số tòa nhà trong khu vực trung tâm TP.HCM đã tạm ngưng thi công trong những năm qua chưa có dấu hiệu khởi động lại sẽ thấy thị trường này chưa có dấu hiệu phục hồi. BĐS trong năm tới vẫn tiếp tục còn phụ thuộc vào lãi suất, tồn kho hàng hóa… Đặc biệt chỉ khi nào lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân về dưới 10%/năm thì mới kích thích được nhiều người dân tham gia mua nhà.
Cụ thể hơn, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng BĐS năm 2014 chưa có sóng tăng giá mạnh như những chu kỳ 5 năm trước đây dù kinh tế từng bước được phục hồi. Tuy nhiên vẫn có cơ hội đầu tư ở các dự án căn hộ đã hoàn thiện, có bán kính 10 km với trung tâm tài chính của TP.HCM, giá từ 12 - 18 triệu đồng/m2 tùy vị trí... Cụ thể, một căn hộ mua giá khoảng 1 tỉ đồng có thể cho thuê được 5 triệu đồng/tháng thì mức sinh lời này cao hơn giữ tiền USD. “BĐS không thuộc những khu vực phát triển về tài chính hay cảng biển sẽ khó tăng giá mạnh trong thời gian tới. Dòng vốn nước ngoài khi tham gia vào thị trường BĐS từ trước đến nay đều chỉ tìm đến các vị trí đắc địa, xoay quanh khu vực trung tâm của TP.HCM”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận định.
Vàng rủi ro
Hôm qua, giá mua - bán vàng trong nước có lúc đã thu hẹp chỉ còn khoảng 40.000 đồng trong khi có thời điểm nóng, khoảng cách này được kéo tới gần 1 triệu. Nhưng dù được thu hẹp, thị trường vàng vẫn khá ảm đạm.
Năm 2013 là năm đầu tiên vàng giảm giá sau 12 năm với mức giảm trên 11 triệu đồng/lượng. Kênh đầu tư vàng sau nhiều năm đứng đầu bảng xếp hạng các kênh đầu tư bởi tính thanh khoản cao và lợi nhuận lớn đã chính thức được nhiều người "gác" lại. Theo các chuyên gia, đó là giải pháp khôn ngoan bởi chưa có cơ sở cho giá vàng tiếp tục gia tăng.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định, giá vàng trong năm 2014 phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ. Đến thời điểm hiện tại, các số liệu đều cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và kéo theo là sự tăng giá của đồng USD. Điều này càng khiến vàng gặp khó khi muốn tăng giá và các nhà đầu tư đều đang có xu hướng chuyển tiền sang các kênh đầu tư khác. Tại Việt Nam, nếu giá vàng thế giới theo xu hướng giảm giá thì có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ ít tổ chức đấu thầu vàng để cung cấp ra thị trường. Khi đó có thể chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục ở mức cao. Như vậy rủi ro cho người đầu tư vàng là khá lớn.
Đồng quan điểm trên, theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, với diễn biến của kinh tế Mỹ và các chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, xu hướng giá vàng vẫn tiếp tục giảm trong trung hạn. Hơn nữa, nhu cầu vàng tích lũy từ Trung Quốc và Ấn Độ đều suy giảm mạnh khi kinh tế thế giới từng bước phục hồi dần.
Phát triển kênh mới Nếu các nhà đầu tư ở Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các kênh đầu tư truyền thống thì đầu tư hàng hóa cũng đã phổ biến trên thế giới. Chẳng hạn giá cà phê trên thế giới không phải được quyết định bởi các nước xuất khẩu lớn như Việt Nam, Brazil... mà chủ yếu do các nhà đầu tư trên sàn giao dịch hàng hóa tại London (Anh); giá đường thô, ca cao, hay các loại kim loại như đồng, sắt, bạc cũng được giao dịch liên tục trên sàn giao dịch New York (Mỹ), đến Singapore, Ấn Độ... Tại Việt Nam, Trung tâm giao dịch hàng hóa và Sở giao dịch hàng hóa cũng đã ra đời cách đây 2 - 3 năm nhưng vẫn quá èo uột, không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng: Nếu xây dựng và phát triển thành công kênh đầu tư hàng hóa sẽ góp phần thu hút được lượng vốn đầu tư trong và ngoài nước, cân bằng thị trường khi nông sản có tình trạng dư thừa. Khi đó sẽ góp phần giải quyết tình trạng “được mùa mất giá” của ngành nông nghiệp Việt Nam. Chuyên gia Phan Dũng Khánh cũng nhận định, quy mô giao dịch của các sàn hàng hóa trên thế giới lớn gấp nhiều lần quy mô của sàn chứng khoán. Bản thân các nhà đầu tư tài chính đều quan tâm đến nhiều loại hàng hóa để đầu tư, phân tán rủi ro vì không muốn “bỏ tiền vào một giỏ”. Tuy nhiên sàn giao dịch hàng hóa phải do nhà nước thành lập hoặc một vài tổ chức lớn, có năng lực để liên kết được với các doanh nghiệp, ngân hàng cũng như với các sàn giao dịch nước ngoài. |
Mai Phương
>> Nhận diện kênh đầu tư cuối năm
>> Chọn kênh đầu tư nào?
>> Nhà đầu tư nước ngoài rối vì thủ tục
>> ĐBSCL đẩy mạnh xúc tiến đầu tư
Bình luận (0)